PV: Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên dừng xây dựng xen cấy các công trình hỗn hợp cao tầng trong khu vực nội đô. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thạc sĩ Đinh Quốc Thái: Trước hết có thể khẳng định, tầm vóc và sức hút của một đô thị được đánh giá qua hệ thống các công trình cao tầng. Một đô thị phát triển và có sức hút là đô thị có nhiều công trình cao tầng. Tôi cũng đọc một số bài viết nêu ý kiến Hà Nội nên dừng cho phép xây dựng các công trình cao tầng ở trung tâm, cho rằng đây là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Những ý kiến này không sai nhưng cũng không đúng hoàn toàn.
Tất cả các đô thị lớn trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển đều lựa chọn giải pháp là hướng các công trình xây dựng chiếm lĩnh không gian chiều cao, tạo nên một đô thị hiện đại, đầy tiện ích. Vậy tại sao chúng ta lại đi ngược với xu thế này? Theo tôi, việc phát triển các công trình xây dựng theo chiều cao là hợp lý và nên làm. Đó chính là hình ảnh của một Thủ đô năng động, phát triển.
PV: Vì sao cần phải xây dựng các công trình cao tầng?
Thạc sĩ Đinh Quốc Thái: Tất cả các đô thị phát triển đều lựa chọn hình thái kiến trúc là các công trình cao tầng để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng quỹ đất. Những công trình cao tầng giúp bổ sung lượng lớn về chỗ ở phục vụ cho nhu cầu của người dân. Cư dân được sinh sống tại những căn hộ gần với nơi làm việc và được hưởng những tiện ích công cộng đầy đủ của khu vực trung tâm. Việc sinh sống trên các tòa nhà cao tầng cũng giúp cho các cư dân giảm được sự bí bách về không khí ở những địa điểm sát với mặt đất.
Nếu như không phát triển các công trình nhà ở cao tầng sẽ diễn ra quá trình chuyển dịch của một bộ phận cư dân ra các vùng ngoại vi, khiến cho tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, làm mất đi các không gian văn hóa. Thực tế đã cho thấy, rất nhiều làng nghề cổ truyền thống đã bị mất đi khi đô thị hóa “gõ cửa”.
PV: Nhưng việc xây dựng các công trình cao tầng, đặc biệt các công trình xen cấy đã tạo ra những áp lực lên hạ tầng. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Thạc sĩ Đinh Quốc Thái: Đầu tiên là công tác quy hoạch. Các nhà quy hoạch cần phải xây dựng một mục tiêu dài hạn trong việc xây dựng các công trình cao tầng xen cấy trong trung tâm, cần làm rõ những lợi ích và hạn chế của công trình cao tầng khi được quy hoạch cho một khu vực nào đó. Nếu ở những khu phố nhỏ, hạ tầng chưa đáp ứng được với nhu cầu cho một bộ phận dân cư mới thì nên tạm dừng hoặc có thể không cho xây dựng để tránh những áp lực cục bộ lên hạ tầng.
Đặc biệt, đối với các dự án đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ các tiêu chí về mật độ xây dựng, các chỉ số dung nạp về giao thông, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật để có thể cân bằng giữa nhu cầu ở với các hoạt động thương mại.
Áp lực cho hạ tầng nguyên nhân chính không phải do các công trình cao tầng gây ra, mà do công tác quản lý chưa chặt chẽ mới dẫn đến những hệ quả này. Các công trình cao tầng hiện nay đa phần là xây sai và xây quá mật độ cho phép nên mới dẫn đến sự quá tải như chúng ta đang nghe, đang thấy.
Xin cảm ơn ông!