Aa

Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng - Kỳ 2: Lời giải cho quyền sử dụng đất?

Thứ Bảy, 09/03/2024 - 06:09

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng quả quyết, cần áp dụng giấy chứng nhận tạm thời để người dân được đảm bảo quyền lợi, dù chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế Nhà nước.

LTS: Đà Nẵng bắt đầu tách khỏi đơn vị hành chính cũ - tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1997. Chỉ hai năm sau đó, địa phương này vượt lên thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, với tốc độ tăng trưởng đô thị diễn tiến hàng tuần.

Ấn tượng nhất của Đà Nẵng, là đến năm 2000, địa phương cơ bản hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của người dân trên địa bàn, vấn đề mà nhiều tỉnh, thành khác khó làm được. Vậy Đà Nẵng đã làm thế nào, thật sự là câu chuyện đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng, yêu cầu kiểm soát dữ liệu quản lý đất đai của các tỉnh, thành được đặt ra.

Trên tinh thần nghiên cứu nhằm khơi dậy những cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục tiêu phát triển thành phố của cán bộ, công chức ở Đà Nẵng thời bấy giờ, Reatimes khởi đăng loạt bài "Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng" của nhà báo Nguyên Đức viết riêng cho độc giả Reatimes.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Một góc đô thị Đà Nẵng. (Ảnh: Hữu Trà)

Dữ liệu cũ từ Sở Địa chính Đà Nẵng cho biết, năm 1999 thành phố chỉ mới cấp được giấy chứng nhân quyền sử dụng đất cho khoảng 40% số hộ dân tại địa bàn. Lý do là thủ tục cấp giấy vào thời điểm đó, rất chậm. Tin học hóa chưa phát triển, bản đồ số chưa có, việc đo đạc, thẩm định đất đai của cơ quan quản lý chức năng còn rất nhiều hạn chế. Nhưng quan trọng nhất, là đa số người dân không hội đủ điều kiện để hoàn thành các nghĩa vụ thuế Nhà nước về đất đai. Vậy làm sao xử lý vấn đề này, đảm bảo việc kiểm soát, quản lý toàn diện về đất đai trên địa bàn Đà Nẵng được nhất quán và đầy đủ?

Đặc biệt, sau hai năm là thành phố trực thuộc Trung ương, hướng đến tiêu chí đô thị loại 1, Đà Nẵng đã có bước tiến rất xa về đô thị hóa, tổ chức chỉnh trang hạ tầng, thiết kế phát triển giao thông nội thị. Một số khu vực mới chỉnh trang được đánh dấu nổi bật, như trung tâm Đà Nẵng với vùng bàu Vĩnh Trung - Thạc Gián, tuyến đường Điện Biên Phủ từ trung tâm nối liền với QL 1A qua Ngã ba Huế, tuyến đường QL 14B với trục Núi Thành - 2/9 - Cách Mạng Tháng Tám… Năm 2000, Đà Nẵng đẩy mạnh đầu tư đô thị mới về bờ Đông sông Hàn, bằng cây cầu vượt sông Hàn được xây dựng theo tinh thần vận động xã hội hóa toàn dân.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Bờ Tây sông Hàn khang trang

Có thể nói, vào thời điểm đó, cả Đà Nẵng sôi động vì tương lai đột phá phát triển của một đô thị hoành tráng hơn, to đẹp hơn. Đà Nẵng trở thành một công trường xây dựng rộn rã trải khắp, đâu đâu cũng ngồn ngộn công trình xây dựng và cải thiện hạ tầng đô thị.

Song hành với bối cảnh tăng tốc đô thị đó, Đà Nẵng đối diện với thực trạng nhà cửa người dân được chỉnh trang, cơi nới, xây dựng mới. Khắp địa bàn là cả một bản đồ ngổn ngang về quy hoạch nhà ở, đất nền trong dân, chồng chéo những dự án đầu tư khu dân cư, cụm đô thị mới, với nhu cầu xây dựng của người dân, tình trạng phân lô bán nền tràn lan tại các quận, huyện. Đà Nẵng từ 3 quận mở rộng thành 5 quận và 1 huyện thực địa là Hòa Vang, khu vực nào cũng phát triển nóng sốt về nhà ở. Quận mới Liên Chiểu với sức trỗi dậy đầu tư các khu công nghiệp, dự án đường sắt, đường ven biển Nguyễn Tất Thành… có hàng ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa, cả vạn lao động nhập cư làm việc tại các doanh nghiệp mới hình thành… Huyện Hòa Vang với phác thảo lên đô thị ở Cẩm Lệ, giáp giới Ngũ Hành Sơn, nườm nượp đơn từ chuyển đổi nhà và đất ở…

Quản lý đất đai và câu chuyện

Khu vực mới chỉnh trang, xây dựng hạ tầng đô thị ở phía Nam TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyên Đức)

Tất cả đặt rõ câu hỏi đầy thách thức, phải kiểm soát được số liệu, thực tế quản lý đất đai, con số diện tích đất và nhà ở đô thị. Nếu vẫn nhập nhèm hồ sơ quản lý đất đai, các dự án đầu tư chỉnh trang mới sẽ bị trở ngại nhiều về đo đạc, xác định đền bù giải tỏa. Người dân bao đời sống yên ả ở Sơn Trà, Hòa Vang, Thanh Khê… sẽ bị khuấy động cuộc sống thế nào, nếu ăm ắp nỗi lo giải tỏa khi nhà cửa vẫn chưa có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai? Tình trạng xây dựng lấn chiếm, làm giả hiện trạng nhà cửa để nhận tiền đền bù giải tỏa manh nha xuất hiện, càng khiến các cơ quan quản lý đau đầu.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh vào lúc đó, đặt vấn đề với lãnh đạo Sở Địa chính và các cơ quan tham mưu, làm sao phủ kín việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mà không xảy ra sai sót, chênh lệch? Bản thân người dân thành phố thấy rõ là có nhu cầu lớn, đầy bức xúc để đảm bảo quyền lợi cho họ, nếu phải chấp hành đền bù giải tỏa theo các dự án, cũng như phải hội đủ điều kiện để được xây dựng nhà ở, cải tạo môi trường sinh hoạt?

Quản lý đất đai và câu chuyện

Ông Nguyễn Bá Thanh (đứng giữa) trong một lần tiếp xúc công dân thành phố. (Ảnh: Hữu Trà)

Quan trọng hơn, nếu không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, thành phố cũng khó đạt nguồn thu về thuế đất. Một lượng lớn tiền ngân sách có thể thu được sẽ tổn thất theo thời gian, địa phương càng chậm thu, dân càng chậm nộp, càng lãng phí. Những cuộc tranh luận nảy lửa đã phát sinh giữa các cơ quan quản lý, khi cùng bàn trách nhiệm đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững cho Đà Nẵng ngày một mở rộng và hiện đại hơn.

Khi nhận thấy các lập luận đều quy vào một điểm: Người dân có nhu cầu nhưng khó đảm bảo hoàn tất các nghĩa vụ thuế với Nhà nước để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở, ông Nguyễn Bá Thanh đặt câu hỏi: Có thể để người dân "nợ" tiền sử dụng đất không? Giải đáp cũng do chính ông đưa ra, là "hãy để dân nợ, vì dân sẽ trả; nếu ta làm tốt, dân sẽ không chỉ trả, mà còn cho thêm". Niềm tin vào trách nhiệm của người dân, vì lợi ích thiết thực của người dân, từ người lãnh đạo cao nhất TP. Đà Nẵng vào lúc đó, đã tác động tích cực đến toàn thể bộ máy chính quyền. Chính quyền Đà Nẵng chung suy nghĩ tìm kiếm giải pháp để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện hợp lệ và ổn định cuộc sống dài lâu.

Sau nhiều lần bàn thảo, ngày 15/6/2001, Đà Nẵng ban hành Quyết định 80, về xét cấp giấy chứng nhận nhà và đất ở cho người dân. Trong đó, khoản 2, Điều 3 ghi rõ: "Trường hợp nhà ở, đất ở không có giấy tờ hợp lệ theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận tạm thời. Giấy chứng nhận chính thức được cấp sau khi chủ hộ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định".

Nhiều người thắc mắc về giấy chứng nhận tạm thời này, bởi theo quy định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có "sổ đỏ". Song ông Nguyễn Bá Thanh quả quyết, cần áp dụng giấy chứng nhận tạm thời, để người dân được đảm bảo quyền lợi, dù chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế Nhà nước.

Giấy tạm thời ấy, được Đà Nẵng chọn màu trắng để dễ phân biệt; quy định không được dùng để mua bán, chuyển nhượng hay thừa kế đất đai, chỉ xác nhận quyền làm chủ và được sử dụng đất của các hộ gia đình; và sẽ được chuyển thành "sổ đỏ" khi người dân hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Sự thật là với một động thái ra đời "sổ trắng" này, công tác quản lý đất đai ở Đà Nẵng đã hoàn toàn thay đổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đà Nẵng lập kỷ lục đảm bảo 100% hộ dân trên địa bàn có giấy chứng nhận sử dụng đất. Còn hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng thì quá đỗi vui mừng khi được "nắm trong tay" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.

Đón đọc Kỳ 3: Hợp thức hóa quyền của người dân. Sáng kiến của chính quyền TP. Đà Nẵng giai đoạn sau năm 1999, là đưa ra mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời, được người dân gọi là "sổ trắng". Đây là giấy tờ được chính quyền Đà Nẵng chính thức ban hành, có giá trị chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top