Aa

Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng - Kỳ 1: Thách thức chỉnh trang đô thị

Thứ Sáu, 08/03/2024 - 16:12

Năm 1999 được xem là một năm căng thẳng của Đà Nẵng trong tiến trình vận động chỉnh trang, phát triển đô thị của mình, và nhất là giải bài toán quản lý đất đai trên địa bàn sao cho hiệu quả.

LTS: Đà Nẵng bắt đầu tách khỏi đơn vị hành chính cũ: tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng từ năm 1997. Chỉ hai năm sau đó, địa phương này vượt lên thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, với tốc độ tăng trưởng đô thị diễn tiến hàng tuần.

Ấn tượng nhất của Đà Nẵng, là đến năm 2000, địa phương cơ bản hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của người dân trên địa bàn, vấn đề mà nhiều tỉnh, thành khác khó làm được. Vậy Đà Nẵng đã làm thế nào, thật sự là câu chuyện đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi được áp dụng, yêu cầu kiểm soát dữ liệu quản lý đất đai của các tỉnh, thành được đặt ra.

Trên tinh thần nghiên cứu nhằm khơi dậy những cách làm hay, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì mục tiêu phát triển thành phố… của cán bộ, công chức ở Đà Nẵng thời bấy giờ, Reatimes khởi đăng loạt bài "Quản lý đất đai và câu chuyện "sổ trắng" ở Đà Nẵng" của nhà báo Nguyên Đức viết riêng cho độc giả Reatimes.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Để có được diện mạo đô thị Đà Nẵng lung linh huyền ảo như bây giờ là sự đóng góp tâm sức, trí tuệ và đồng thuận của chính quyền và người dân Đà Nẵng

Năm 1999. Đây được xem là một năm căng thẳng của Đà Nẵng, trong quá trình vận động chỉnh trang, phát triển đô thị của mình. Trước thời điểm này, năm 1997, Đà Nẵng thực hiện chia tách khỏi đơn vị hành chính cũ, và bộ máy quản lý chính quyền, dưới sự lãnh đạo của tập thể Thành ủy và cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, đã nhanh chóng đưa ra nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Thực tiễn, Đà Nẵng sau chia tách, chỉ là một thành phố chưa nâng cấp đô thị, phạm vi đô thị hóa gói gọn ở bờ Tây sông Hàn, trải rộng chưa quá 3km bán kính. Các tuyến trục giao thông kết nối bên ngoài đều xuống cấp, ngắt quãng, nhất là hai trục QL 1A và QL 14B. Nhưng chỉ sau hai năm, khung cảnh đô thị Đà Nẵng đã khác hẳn. Một khối lượng diện tích đô thị hóa đã được địa phương thúc đẩy, vận động thu hút các nguồn và dự án đầu tư vào hạ tầng, cải tạo lại gần như hiện trạng trung tâm Đà Nẵng và mở rộng ra xung quanh.

Các trục đường mới giữa trung tâm Đà Nẵng, như đường Bắc Nam (Hàm Nghi hiện nay), Đông Tây (Nguyễn Văn Linh hiện nay) từng bước được thiết kế thi công; các tuyến đường từ Núi Thành nối với QL 14B (về sau là đường 2/9), đoạn QL 1A qua Đà Nẵng từ chân đèo Hải Vân về Ngã ba Huế… dần được cải tạo, mở rộng để chỉnh trang diện mạo đô thị.

Khu vực bán đảo Sơn Trà, một vùng cát trắng bạt ngàn bao năm chỉ xác xơ cây cỏ, được đánh giá là tiềm lực phát triển của tương lai, mà ở đó hình thành "đại dự án Bạch Đằng Đông", bắt đầu từ việc di dân sống nhếch nhác trên các nhà chồ ven sông Hàn, đầu tư, xây dựng hình thành các khu dân cư mới phía bờ Đông, định hướng mở tuyến giao thông về phía biển…

Quản lý đất đai và câu chuyện

Ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lúc bấy giờ

Những vận động phát triển đó, đã nhanh chóng tạo một nguồn sức mạnh mới để Đà Nẵng "đăng quang" đô thị, trở thành một điểm sáng đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông tiên phong trong cả nước. Tốc độ phát triển hạ tầng nhanh đã làm tăng vọt diện tích nhà ở đô thị của Đà Nẵng, với lượng dân cư nhập tịch vào thành phố tăng nhanh, thậm chí ồ ạt từ các tỉnh, thành xung quanh. Đà Nẵng trở thành miền đất hứa, điểm hẹn an cư, lưu trú của người dân vùng phụ cận. Mật độ xây dựng nhà ở tăng nhanh, nhiều khu vực trở nên dày đặc với tiến độ phân lô đất nền trong dân và bám theo các dự án cải tạo hạ tầng đô thị.

Và chính điều này đã trở thành vấn đề cần giải quyết của Đà Nẵng, để làm sao cân đối được bài toán phát triển đô thị song hành với hiệu quả công tác quản lý đất đai, kiểm soát được nguồn thu ngân sách trong dòng chảy xã hội. Đến giữa năm 1999, chính quyền TP. Đà Nẵng đối diện với những câu hỏi đầy khúc mắc về việc quản lý địa bàn, dân cư và làm sao tạo được nguồn thu ổn định về đất đai. Tốc độ hạ tầng tăng nhanh khiến lượng nhà ở người dân tăng theo, trong khi năng lực quản lý của ngành chức năng chưa theo kịp. 

Những công cụ quản lý đất đai, do Sở Địa chính Đà Nẵng lúc đó đảm trách, chưa thể thực hiện được yêu cầu kiểm soát, cập nhật quyền sử dụng đất trong dân. Nhiều vùng dân cư mới thành lập, thậm chí còn chưa hoàn thiện bản đồ quy hoạch, chưa chi tiết hóa được dữ liệu cơ sở đất đai. Đời sống của đa số người dân, lại chưa đủ tích lũy để đảm bảo thực hiện được ngay các nghĩa vụ liên quan đến việc nộp thuế nhà đất cho Nhà nước. Do đó, phần lớn hồ sơ đất đai trong dân để bỏ ngỏ, người dân giao dịch với nhau chủ yếu bằng hồ sơ "3 lá", không thể kiểm soát được diện tích đất ở thực tế và hệ lụy kéo theo và căng thẳng nhất là không có được nguồn thu ổn định từ thuế đất.

Quản lý đất đai và câu chuyện

Quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị rầm rộ tại Đà Nẵng giai đạon 1999-2010

Quan trọng hơn, trong tầm nhìn chiến lược phát triển, để thực sự đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng cần phải chứng minh được năng lực quản lý, kiểm soát đất đai của mình. Thành phố cần thực hiện một khối lượng lớn hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất trong người dân trên khắp địa bàn, mà điều này, chiếu theo năng lực làm việc thực tế, khả năng chấp hành của người dân, ý thức tự giác đăng ký các hồ sơ, thủ tục đất đai… là hoàn toàn không lạc quan chút nào.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Địa chính Đà Nẵng vào thời điểm đó, luôn tỏ bày những lo lắng nếu địa phương không hoàn thiện được việc đăng ký sở hữu và sử dụng đất của người dân. Đà Nẵng cần phải có giải pháp cụ thể và hiệu quả để công tác thiết lập hồ sơ đất đai được thực hiện đồng bộ và chính xác. Nếu không, với tốc độ phát triển, chỉnh trang đô thị hóa theo xu thế tăng trưởng đang có, trong một thời gian rất ngắn, Đà Nẵng sẽ quá tải về khối lượng hồ sơ quản lý đất đai cần đáp ứng cho người dân, và nhất là, nguồn thu ngân sách phải cân đối.

Ông Nguyễn Bá Thanh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lúc đó, đặt ra câu hỏi cho ngành địa chính, rằng nếu thành phố muốn quản lý, muốn người dân hoàn tất các thủ tục đăng ký đất đai, nhà ở, thì như vậy người dân có muốn không? Nếu người dân muốn thực sự và có nhu cầu thực, thì tại sao không có cách làm để đơn giản hóa việc đăng ký hồ sơ cấp quyền sử dụng đất cho họ?

Thế là, từ đó một cách làm mới đã được Đà Nẵng khởi trình, mở ra cơ hội thuận lợi cho người dân "có quyền làm chủ" trên mảnh đất, ngôi nhà của mình...

Ngày 29/9/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 73/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định, giải thích: "Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung".


Đón đọc kỳ 2: Lời giải cho quyền sử dụng đất: 

Tin học hóa chưa phát triển, bản đồ số chưa có, việc đo đạc, thẩm định đất đai của cơ quan chức năng còn rất nhiều hạn chế. Nhưng quan trọng nhất, là đa số người dân không hội đủ điều kiện để hoàn thành các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước về đất đai. Vậy làm sao xử lý vấn đề này, đảm bảo việc kiểm soát, quản lý toàn diện về đất đai trên địa bàn Đà Nẵng được nhất quán và đầy đủ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top