Aa

Quảng Nam: 9 tháng thu ngân sách chỉ đạt trên 13.600 tỷ đồng

Thứ Sáu, 06/10/2023 - 14:30

Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023 và đề ra các nhiệm vụ cho quý IV/2023.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 2022; tính riêng quý III/2023 giảm 7,2%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đang đà cải thiện so với các tháng đầu năm (quý I giảm 9,8%, quý II giảm 8,6%) nhưng tốc độ tăng trưởng phục hồi chậm do ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo.

Khó khăn từ việc tiêu thụ xe ô tô khiến nguồn thu của Quảng Nam giảm sút.

Cụ thể, công nghiệp - xây dựng giảm hơn 23%, riêng công nghiệp giảm hơn 25%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9,0%. Với mức sụt giảm 8,76%, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, quy mô nền kinh tế 9 tháng đạt 81,4 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thu hẹp hơn 2,5 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; tính riêng quý III đạt 27 nghìn tỷ đồng, thu hẹp 735 tỷ đồng.

Cơ cấu GRDP như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,33%; khu vực công nghiệp - xây dựng 29,68%; khu vực dịch vụ 35,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 17,38%. Tuy tăng trưởng kinh tế giảm, nhưng quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước; xếp vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giảm 40% so cùng thời điểm năm 2022, đến cuối tháng 9 ước đạt trên 13.648 tỷ đồng, bằng 51% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với quý II/2023; trong đó, thu nội địa 12.040 tỷ đồng, bằng 57% dự toán; thu xuất nhập khẩu 1.580 tỷ đồng, bằng 27% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 16.034 tỷ đồng, đạt 47% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển hơn 7.272 nghìn tỷ đồng, đạt 147%; chi thường xuyên đạt gần 8.761 nghìn tỷ đồng, đạt 64%.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Nam, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục sôi động. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc; các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tổ chức và liên kết nhiều sự kiện, chương trình để đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, lượng khách tham quan và lưu trú trong 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là thị trường khách quốc tế tăng mạnh và dần phục hồi.

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong 9 tháng giảm sút do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Mặc dù chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 nhưng tình hình tiêu thụ xe chưa thực sự khả quan kéo theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,1%.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn lớn do công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư

UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được chỉ đạo quyết liệt và liên tục, như: một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.

Dù vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, thiếu hụt đơn đặt hàng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng… Điều này đã tạo áp lực lớn trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhằm giải quyết các vấn đề có tính chất phức tạp, vướng mắc, khó khăn, tranh chấp, khiếu nại kéo dài hoặc do vướng mắc, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật, các nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa các sở, ban, ngành, địa phương, Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và kiện toàn.

Đến nay, Tổ công tác đã tổ chức họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các ngành và địa phương tích cực tăng cường các giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp như: tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng tiêu thụ sản phẩm tại khu vực miền Trung - Tây nguyên, một số tỉnh, thành phố trên cả nước và thị trường các nước như Lào, Thái Lan, Trung Quốc...

Trong quý IV/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm để từng bước khắc phục những hạn chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu đề ra cho năm 2023./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top