Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 đều đạt kế hoạch đề ra, như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; giảm số hộ nghèo;…
Kinh tế phát triển mạnh mẽ
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 69.110 tỷ đồng, tăng 11,2%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%) và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5 - 8%). Quy mô nền kinh tế đạt hơn 116.374 tỷ đồng, tăng 1,18 lần so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Quảng Nam là tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước và xếp thứ 3/5 tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa khi khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35%, trong đó công nghiệp chiếm 28,9%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 31,7%; khu vực nông nghiệp chiếm 13,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 20%.
Có thể kể đến một số doanh nghiệp đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh (thu nội địa) như các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trường Hải ước cả năm 15.750 tỷ đồng; thu từ Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Quảng Nam ước cả năm 530 tỷ đồng; thu từ thủy điện ước thu cả năm là 1.220 tỷ đồng; thu từ Công ty TNHH Nam Hội An 200 tỷ đồng…
Trong năm qua, công nghiệp - xây dựng của tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,5% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực công nghiệp tiếp tục khởi sắc, đạt mức tăng trưởng 19,7% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,5%), khu vực xây dựng tăng 1,8%.
Nhiều chính sách được Chính phủ ban hành có tác động tích cực đến ngành công nghiệp của tỉnh như việc giảm thuế trước bạ cho xe ô tô lắp ráp trong nước được ban hành kịp thời đã tạo động lực cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của tỉnh phục hồi mạnh; việc nới lỏng và mở cửa sau quãng thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch làm cho thị trường xuất khẩu hoạt động ổn định, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp ngành may mặc và da giày,… Hoạt động xây dựng tuy đang gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên, nhiên vật liệu cho xây dựng tăng cao, tiến độ giải ngân vốn ngân sách chậm nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định.
Các ngành dịch vụ hầu hết đều được phục hồi sôi động trở lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tính chung toàn ngành tăng 7,0% so với cùng kỳ. Một số ngành dịch vụ tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế như lưu trú và ăn uống; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm;… Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thấp, tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt con số ấn tượng: 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% so với dự toán đầu năm (23.700 tỷ đồng). Trong đó, thực hiện thu nội địa là 25.210 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán và tăng 28,8% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước thực hiện là 6.934 tỷ đồng, đạt 147,5% dự toán, tăng 106% so với cùng kỳ. Những con số trên cho thấy nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.
Tổng vốn đầu tư công của Quảng Nam năm 2022 là 8.201,9 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2022 sau khi điều chỉnh 7.788,7 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài 413,2 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 31/12/2022, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân 5.767,6 tỷ đồng, đạt 91,9% so với kế hoạch vốn giao từ đầu năm, đạt 70,3% so với kế hoạch vốn sau khi bổ sung.
Tiếp tục ba nhiệm vụ đột phá chiến lược trong năm 2023
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Quảng Nam trong năm 2023 sẽ là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, Quảng Nam sẽ huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vùng Đông nhằm thu hút các dự án trọng điểm, chiến lược quốc gia, làm động lực để lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Tây, cho cả tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư, phát triển các khu du lịch tập trung ven biển theo hình thức khu du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp với các sản phẩm đặc thù để hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành, dọc theo sông Trường Giang và tuyến đường Võ Chí Công; kết hợp phát triển du lịch cộng đồng phát huy làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái đồng quê. Phát triển các khu nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, cảng biển du lịch, quảng trường biển, du lịch sinh thái đồng quê.
Phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng hoàn chỉnh tuyến đường Võ Chí Công nối từ Cửa Đại đến Sân bay Chu Lai, đảm bảo tính kết nối liên vùng ven biển từ Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, tuyến đường vành đai ven biển. Khởi công mới một số dự án quan trọng có tính chất liên vùng, tạo động lực phát triển. Đầu tư nạo vét thoát lũ sông Trường Giang phục vụ mục tiêu phòng, chống thiên tai, cải tạo môi trường, từng bước hình thành tuyến đường du lịch ven sông kết hợp kêu gọi đầu tư xã hội hóa các cảng du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ ven sông vùng Đông Nam của tỉnh, đồng thời xây dựng các công trình vượt sông Trường Giang đảm bảo đáp ứng như cầu giao thông và tạo điểm nhấn cảnh quan để phát triển du lịch, dịch vụ.
Tổ chức và xây dựng hoàn chỉnh đề xuất Đề án xã hội hoá đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang. Phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, hạ tầng các Khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phát triển đô thị, Quảng Nam sẽ xây dựng Đề án sáp nhập 3 đơn vị hành chính: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh và từng bước mở rộng không gian đô thị, hình thành đô thị loại I vào năm 2030. Xây dựng TP. Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Chú trọng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cho các công trình, dự án quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Phát triển các đô thị ven biển vùng Đông Nam như khu đô thị Bình Minh, khu đô thị Bình Hải - Bình Sa, khu đô thị công nghệ tại TP. Tam Kỳ, khu đô thị quy mô lớn vùng Đông và đô thị Tam Hòa, Tam Tiến.
Ngoài việc tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, nhiều nhiệm vụ, giải pháp cũng được đề ra trong năm 2023 như đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tính tự chủ, khả năng thích ứng... nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới ; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo công tác an sinh, xã hội;…
Đánh giá về tình hình phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng kinh tế - xã hội năm 2022 tiếp tục phát triển khởi sắc và tăng trưởng hầu hết trên tất cả các lĩnh vực. Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Khu vực xây dựng tăng trưởng khá, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết bất lợi nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Trí Thanh cũng nhìn nhận kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như mặc dù nguồn thu ngân sách Nhà nước tăng, tuy nhiên đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dự báo trong trung hạn sẽ khó đảm bảo dự toán đề ra, giải ngân vốn đầu tư còn chậm. Công tác lập Quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm so với yêu cầu. Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm. Công tác phối hợp giải quyết các hồ sơ, thủ tục giữa các Sở, ngành, địa phương còn chậm, nhiều văn bản đề nghị góp ý có trả lời chậm hoặc có trường hợp không trả lời. Tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số dự án tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.