Aa

Quảng Nam: Đất tầng phủ “không cánh mà bay” ở công trường khai thác mỏ

Chủ Nhật, 01/10/2023 - 10:40

Khai thác và tiêu thụ đất tầng phủ khi đã hết phép; đất tầng phủ phục vụ hoàn thổ hầu như không tồn tại,… là những vấn đề gây nhức nhối trong hoạt đông khai thác mỏ đá trên địa bàn H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Đối với mỏ đá thôn Phú Quý (xã Đại Hiệp, H. Đại Lộc) do Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc khai thác, trữ lượng đất tầng phủ phục vụ công tác hoàn thổ được tích trữ tại bãi thải có lẽ là vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ trong thời điểm hiện nay.

Đất tầng phủ không được tích trữ tại bãi thải trong khu vực mỏ đá do Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc khai thác.

Được biết, trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá thôn Phú Quý, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc chỉ được phép khai thác đá, không được phép khai thác đất vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. Theo hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, tổng khối lượng đất tầng phủ của mỏ đá thôn Phú Quý là 87.419m3, sẽ được công ty bóc phủ và vận chuyển về tập kết tại bãi thải nằm trong ranh giới phía Đông Nam của khu mỏ với khối lượng khoảng 38.240m3 để phục vụ cải tạo, phục hồi môi trường đáy moong và mặt bằng sân công nghiệp sau này. Diện tích bãi thải khoảng 5.000m2, chiều cao đổ thải trung bình khoảng 8m, sức chứa khoảng 40.000m3, độ dốc mặt bãi thải khoảng 2°, mặt ngoài của bãi thải để lại bờ cao khoảng 0,6m, rộng khoảng 0,8m.

Lượng đất phủ còn lại (khoảng 50.000m3) được dùng để san gạt trả mặt bằng tại những vị trí mà công ty đã khai thác nhầm phía ngoài mỏ; làm đường nội bộ từ quốc lộ vào mặt bằng sân công nghiệp và mỏ; san gạt, nâng cao mặt bằng sân công nghiệp,…

Với tổng khối lượng đất tầng phủ của mỏ là 87.419m3, dự kiến phần lớn đất tầng phủ sẽ được bóc trong khoảng 5 năm khai thác đầu với công suất bóc trung bình khoảng 17.500m3/năm. Tuy nhiên, với hiện trạng mỏ hiện nay thì khu vực bãi thải được bố trí để chứa đất tầng phủ tại mỏ hầu như không có tích trữ đất. Trong khi đó, khu vực bờ moong khai thác đã có dấu hiệu khai thác đá với khối lượng lớn qua nhiều năm. Bên cạnh đó, ở vỉa khai thác nối từ điểm A đến điểm D thuộc khu vực khai thác có dấu hiệu vừa mới được bóc lớp đất tầng phủ.

Nguy cơ “vỡ” đề án cải tạo, phục hồi môi trường khi doanh nghiệp có dấu hiệu tận thu đất tầng phũ dù không được phép.

Vậy, lớp đất tầng phủ được bóc tách trong quá trình khai thác đá tại mỏ đá thôn Phú Quý do Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc khai thác hiện đang nằm ở đâu trong khi không được phép khai thác, vận chuyển ra bên ngoài để tiêu thụ? Phải chăng đã có hành vi khai thác, tiêu thụ đất trái phép tại mỏ đá thôn Phú Quý?

Cần nhìn nhận rằng, thời gian qua Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Đại Lộc đã phát hiện lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính một số đơn vị, nhưng sau đó “đâu lại vào đấy”. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà đã phần nào “phớt lờ” đi những quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam; UBND huyện Đại Lộc.

Đưa phương tiện máy móc vào hoạt động khai thác không đúng như hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Đề án cải tạo, phục hồi môi trường… được phê duyệt; Khai thác ngoài vị trí, ranh giới mỏ, quá khung thời gian quy định, khai thác vượt công suất giấy phép, không thực hiện duy trì hoạt động trạm cân, hệ thống camera giám sát, vượt cos, mở vỉa khai thác không đúng trình tự hoặc khai thác không đúng thiết kế bờ moong,…

Để chấn chỉnh những tồn tại trên, chắc chắn Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đoàn Kiểm tra liên ngành huyện Đại Lộc sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện lập hồ sơ, qua đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm, để sau này việc hoàn thổ được thực hiện đúng theo giấy phép đã được cấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top