Aa

Quảng Nam: Bắt giam đối tượng cấu kết cán bộ địa chính để hợp thức hoá đất rừng

Thứ Năm, 13/07/2023 - 10:48

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1981, trú tại xã Đại Đồng, H. Đại Lộc) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, vào tháng 3/2016, ông Nguyễn Thành Trung cấu kết với ông Nguyễn Đăng May (cán bộ địa chính H. Đại Lộc), Lương Đức Diệp (địa chính xã Đại Hồng) đến khu đất rừng tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng để đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Thành Trung (áo ca rô) bị Công an Quảng Nam khởi tố, bắt tạm giam. (ẢNH: CÔNG AN QUẢNG NAM cung cấp)

Tuy nhiên, bản thân ông Nguyễn Thành Trung không có đất tại đây nhưng đã thuê người phát ranh và chỉ cho May, Diệp đo đạt tổng diện tích hơn 159ha đất rừng. Trong quá trình đo đạc thì May hướng dẫn cho Trung nhờ nhiều người đứng tên, mỗi người không quá 30ha theo quy định thì mới được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Nguyễn Thành Trung đồng ý và nhờ 7 hộ dân là bà con, anh em trong gia đình lập hồ sơ, đứng tên chủ sở hữu 7 thửa đất như hướng dẫn của May, đồng thời cung cấp các thông tin cá nhân của các hộ dân này để May lập hồ sơ, tham mưu lãnh đạo H. Đại Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 1/7/2017, UBND H. Đại Lộc cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ dân tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng với diện tích là 1.595.189m2 (làm tròn là 159,5ha) mục đích sử dụng là "đất rừng sản xuất".

Khu vực đất rừng mà đối tượng Nguyễn Thành Trung cấu kết với cán bộ địa chính để hợp thức hoá hồ sơ pháp lý.

Sau khi được Nhà nước cấp đất, năm 2018, Nguyễn Thành Trung bán các thửa đất này cho ông Hồ Hoàng Long, Nguyễn Công Tấn và bà Trần Thị Ngọc Trâm (cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh) để chiếm đoạt số tiền 22,2 tỷ đồng. Với hành vi trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Thành Trung. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ. 

Cũng từ hành vi lừa đảo trên, những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng từ đối tượng Nguyễn Thành Trung nhiều năm qua đã phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề khi nhận chuyển nhượng lại đất rừng nêu trên để trồng rừng gỗ lớn.

Tháng 7/2021, Reatimes đã thông tin ông Nguyễn Công Tấn nhận chuyển nhượng lại đất rừng sản xuất từ một số hộ dân tại địa phương (được đối tượng Nguyễn Thành Trung nhờ đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất trước đó) để thực hiện dự án trồng sâm Hàn Quốc kết hợp với trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn miền núi xã Đại Hồng, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. (Chuyện lạ đằng sau những “sổ đỏ đất rừng sản xuất” được cấp (reatimes.vn); Cấp sổ, sang tên đổi chủ, rồi thu giữ không hề công bố lý do (reatimes.vn)).

Lán trại nơi cán bộ Địa chính xã Đại Hồng, Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai H. Đại Lộc hàng tuần đến ăn ở lại với công nhân để xác nhận và hướng dẫn địa điểm phát, đốt trên giấy tờ và trên thực địa.

Đến tháng 8/2018, mọi thủ tục pháp lý về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kê khai và nộp thuế đối với 7 thửa đất rừng nêu trên đã được các bên liên quan thực hiện đầy đủ. Sau đó, ông Tấn đã nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai H. Đại Lộc theo đúng quy định của pháp luật. Đầu năm 2019, ông Tấn thuê người đến các khu vực đất rừng đã nhận chuyển nhượng để phát cây, đốt lớp thực bì, chuẩn bị mặt bằng để thực hiện dự án của mình. Khoảng 6 tháng sau, khi quá trình phát cây, đốt lớp thực bì chuẩn bị hoàn thành thì có đoàn liên ngành đến kiểm tra, lập biên bản tại hiện trường với lý do việc phát, đốt đã xâm phạm vào diện tích rừng tái sinh phục hồi.

Đáng chú ý, trong quá trình phát quang tại khu vực này, hàng tuần đều có cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất H. Đại Lộc, địa chính xã Đại Hồng đến thực địa để xác nhận và hướng dẫn ranh giới cho người dân phát quang. Tuy nhiên, khi việc phát quang gần hoàn thành thì lực lượng kiểm lâm đến kiểm tra, buộc phải dừng vì… đã xâm hại đến diện tích rừng tái sinh phục hồi.

Theo tìm hiểu của Reatimes, việc cấp đất rừng sản xuất cho người dân địa phương có nhu cầu theo quy định phải được sàng lọc kỹ lưỡng qua hàng loạt các bước như họp dân, bình xét, lên xã xác nhận, kiểm tra diện tích trên thực địa và trên hồ sơ địa chính lưu giữ tại UBND xã, rồi đến các phòng, ban chuyên môn của huyện, tham gia ý kiến của ngành kiểm lâm… Chưa kể, nếu tổng diện tích đất rừng sản xuất được cấp trên 100ha phải thông qua Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc, trước khi ký cấp sổ đỏ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, một số quy trình cơ bản nêu trên bị bỏ qua. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top