Aa

Quảng Nam đề xuất xây dựng Khu công nghệ cao: Không thể vội vàng

Thứ Hai, 12/02/2018 - 14:01

Tỉnh Quảng Nam muốn xây dựng một khu công nghệ cao để phục vụ nhu cầu phát triển, tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, việc này không thể vội vàng, duy ý chí.

Vì sao Quảng Nam muốn có khu công nghệ cao?

Quảng Nam mới tổ chức Hội thảo “Mô hình và giải pháp xây dựng, quản lý khu công nghệ cao”. Đây được xem là bước đi đầu tiên của Quảng Nam hướng đến xây dựng một khu công nghệ cao trên địa bàn.

Theo ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, địa phương có nhiều lợi thế để xây dựng một khu công nghệ cao, bởi Quảng Nam thuộc Vùng kinh tếtrọng điểm miền Trung, có Khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài ra, tỉnh còn có cảng nước sâu, nằm cạnh Đà Nẵng, gần Khu kinh tế Dung Quất, có giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không thuận lợi, có quỹ đất để xây dựng khu công nghệ cao với diện tích 400 - 500 ha…

“Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể. Để thực hiện được những mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh luôn xác định khoa học - công nghệ nói chung và công nghệ cao nói riêng là nhân tố quan trọng quyết định. Năm 2016, tỉnh đã ban hành Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ đến năm 2025, trong đó có mong muốn xây dựng một khu công nghệ cao”, ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Lê Hùng (Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Quy hoạch Tổng thể phát triển khu công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, không thành lập mới các khu công nghệ cao quốc gia đa ngành, quy mô như 3 khu công nghệ cao quốc gia đã thành lập là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao TP.HCM, Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Chỉ thành lập mới một số khu công nghệ cao do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Như vậy, để xây dựng một khu công nghệ cao, tỉnh Quảng Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Không thể vội vàng

Nhiều nhà khoa học cho rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phải thận trọng trong việc xây dựng khu công nghệ cao. GS. Chu Hảo cho rằng, xây dựng khu công nghệ cao phải xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ, chứ không thể là ý muốn chủ quan, duy ý chí của một cá nhân, tập thể nào.

Theo ông Chu Hảo, phải cần các yếu tố “5 có” và “3 không” để xây dựng và vận hành thành công một khu công nghệ cao. 5 có gồm: có con người tâm huyết và chuyên nghiệp; có vốn đầu tư đủ ngưỡng; có vị trí thuận lợi và hạ tầng tốt; có quy hoạch khoa học; có cơ chế chính sách phù hợp.

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, phải mất tối thiểu 15 - 20 năm và 2 - 3 thế hệ nhà khoa học mới có thể xây dựng một khu công nghệ cao.

Về “3 không”, theo ông Chu Hảo, gồm: không chỉ trông chờ vào Nhà nước, không chọn nhầm đối tác, không vội vàng. “Phải khẳng định rằng, không có sự hỗ trợ của Chính phủ thì không thể xây dựng khu công nghệ cao, nhưng ở đây, vai trò của chính quyền địa phương là hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xã hội hóa các nguồn đầu tư cho khu công nghệ cao. Tuy nhiên, xây dựng khu công nghệ cao không được vội vàng, mà phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp với địa phương”, ông Chu Hảo nhấn mạnh.

Chia sẻ vấn đề này, GS. Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT cũng cho rằng, tỉnh Quảng Nam có nhiều ưu thế để hình thành một khu công nghệ cao, song để có thể xây dựng một khu công nghệ cao, cần một khối lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực. Vì vậy, Quảng Nam phải chuẩn bị những yếu tố quan trọng là con người, bố trí đất đai, thu xếp vốn đầu tư và sắp xếp cơ chế chính sách của một khu công nghệ cao. Việc xây dựng khu công nghệ cao phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương và đất nước.

“Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, phải mất tối thiểu 15 - 20 năm và 2 - 3 thế hệ nhà khoa học mới có thể xây dựng một khu công nghệ cao. Muốn có khu công nghệ cao, phải thu hút được những chuyên gia khoa học - công nghệ cấp cao, có nguồn vốn để xây dựng cơ bản và phải có những nhà đầu tư thật sự tâm huyết đầu tư vào khu công nghệ cao. Hãy bắt tay vào xây dựng các khu công nghệ cao kiểu mới, lớn hay nhỏ không quan trọng, nhưng quan trọng phải bắt nguồn từ trái tim, khối óc và tình yêu, trách nhiệm với đất nước của các nhà khoa học và cả lãnh đạo địa phương”, ông Sỹ nói.

Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của tỉnh đến năm 2030, ngoài những chỉ tiêu khoa học - công nghệ cụ thể, thì tỉnh cũng mong muốn xây dựng một khu công nghệ cao. “Tỉnh Quảng Nam rất quyết tâm thực hiện mong muốn này. Hiện cả nước đã có 3 khu công nghệ cao, nên tỉnh sẽ tìm một hướng đi riêng. Tất nhiên, để xây dựng khu công nghệ cao, tỉnh phải nghiên cứu, thảo luận nhiều với các nhà khoa học để tìm ra mô hình phù hợp, xây dựng đề án khu công nghệ cao dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, chứ không viễn tưởng”, ông Thanh cho hay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top