Aa

Thủ tướng kỳ vọng Khu công nghệ cao TP.HCM thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Thứ Hai, 30/10/2017 - 03:20

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM tăng cường thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao vào xây dựng các cơ sở "nghiên cứu và phát triển", tạo thành điểm hội tụ các “tinh hoa trí tuệ, công nghệ cao” của thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mạnh của khu vực.

Sáng 29/10, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khu công nghệ cao TPHCM (2002-2017) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Tham dự còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đại diện một số tổ chức quốc tế, ngoại giao, DN.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM, đến nay, Khu CNC đã có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; thu hút 128 dự án công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD. Trong đó hơn 10 tập đoàn công ty công nghệ cao đã có mặt, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động.

Giá trị gia tăng của sản phẩm CNC của Khu CNC đã gấp khoảng 3 lần so với các khu công nghiệp bình thường. Điều này phản ánh lực lượng lao động chất lượng cao ngày càng chiếm tỷ lệ lớn.

Mức doanh thu năm 2017 dự kiến đạt gần 12 tỷ USD được coi là cột mốc đáng ghi nhớ và cũng là cơ sở để Khu CNC TPHCM phấn đấu doanh thu khoảng 20 tỷ USD vào năm 2020.

Khu CNC TPHCM đã dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là thu hút các tập đoàn đa quốc gia lớn như Intel, Microsoft, Samsung, Nidec, Schneider, Sanofi...

Đánh giá cao kết quả của Khu CNC, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ kỳ vọng về việc hình thành một khu đô thị sáng tạo phía đông Thành phố với các yếu tố gồm Khu công nghệ cao, Khu đô thị đại học quốc gia TPHCM, các khu công nghiệp đã và đang hình thành, khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi nhớ lại hình ảnh Khu CNC cách đây 10 năm còn rất hoang sơ. Các nhà máy, đơn vị nghiên cứu chưa nhiều. Đường xá, kết cấu hạ tầng còn hạn chế”. Ban quản lý Khu CNC còn khó khăn về nguồn vốn, hành lang pháp lý, về đầu tư xây dựng phát triển công nghệ cao còn rất thiếu, chưa được thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển công nghệ cao.

Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.  

“Hôm nay, tôi rất vui mừng trước những kết quả ấn tượng trong sự phát triển của Khu CNC 15 năm qua”, Thủ tướng nói và biểu dương kết quả đạt được của Khu CNC.

Thủ tướng cho biết, ước tính cứ 1 đồng vốn đầu tư cho khu CNC đã kích thích 21 đồng vốn khác đầu tư và sản xuất phát triển CNC và con số này còn tăng cao trong những năm tới. Đến nay Khu CNC TPHCM đã dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, bước đầu hình thành mô hình đô thị khoa học, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển công nghệ cao Thành phố và cả nước.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho các quốc gia nhiều cơ hội và thách thức, tạo sự thay đổi sâu sắc trong đời sống xã hội, Thủ tướng cho rằng, với trí tuệ con người Việt Nam, với lực lượng tinh hoa về khoa học công nghệ của đất nước, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với thế giới khi nắm bắt được những lợi thế mà cách mạng công nghệ lần thứ 4 đem lại. 

Trước yêu cầu đó, theo Thủ tướng, Ban Quản lý Khu CNC TPHCM cần đổi mới tư duy, năng động hơn nữa, có tầm nhìn phát triển theo kịp xu thế của thời đại, phấn đấu trở thành một thung lũng Silicon của khu vực và vươn lên tầm cỡ thế giới.

Khu CNC Thành phố phải là một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu về khoa học công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, vườn ươm công nghệ cao, DN công nghệ cao góp phần đưa TPHCM trở thành đô thị thông minh đầu tiên của nước ta.

Để đạt được mục tiêu quan trọng này Thủ tướng đề nghị Bộ KH&CN, UBND TPHCM trực tiếp là Ban Quản lý Khu CNC cần đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, sự phù hợp của mô hình quản lý và hoạt động hiện nay của Khu CNC của Thành phố. Từ đó xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của khu CNC trong những năm tới, phát huy lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp với mô hình, các xu thế phát triển các khu CNC trên thế giới, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.

Khu CNC TPHCM phải thực sự là khu kinh tế kỹ thuật đặc biệt, sản xuất được hầu hết các sản phẩm chủ lực về công nghệ cao. Không ngừng gia tăng nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu hoạt động, tăng số lượng sản phẩm và tỷ lệ đầu tư nghiên cứu và phát triển từ khu vực DN. Nâng cao năng lực trong nước, chuẩn bị bước sang giai đoạn sáng tạo công nghệ cao. 

Ban Quản lý cần rà soát đánh giá lại các dự án đầu tư, chỉ cấp phép đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về CNC, có năng lực tài chính, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, đúng mục đích. 

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, kể cả các nhà khoa học nước ngoài; tăng cường mối quan hệ giữa các trường đại học và DN về đào tạo nhân lực, hợp tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển; đầu tư phát triển các cơ sở và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ mới. 

Trong công tác đào tạo nghiên cứu, Khu CNC TPHCM cần phối hợp tốt với Đại học Quốc gia TPHCM và các trường đại học, các viện nghiên cứu trong vùng, hình thành khu đô thị khoa học công nghệ đông bắc Thành phố với hạt nhân là Đại học Quốc gia và Khu CNC, sớm đưa TPHCM trở thành trung tâm lớn về KHCN của khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Quản lý Khu CNC TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
 

Khu CNC TPHCM phải tạo ra được một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm của trí tuệ Việt Nam; ươm tạo DN khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Tăng cường thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao vào xây dựng các cơ sở "nghiên cứu và phát triển", tạo thành điểm hội tụ các “tinh hoa trí tuệ, công nghệ cao” của thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mạnh của khu vực. 

TPHCM và Khu CNC phải tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN. Thường xuyên trao đổi, lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tốt nhất cho các nhà đầu tư và DN, thực hiện tốt việc hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, nghiên cứu và phát triển các DN trong Khu CNC.

Thủ tướng hoan nghênh TPHCM đã chuẩn bị đề án thành lập khu công nghệ cao thứ hai với mô hình tiên tiến là Công viên Khoa học công nghệ; đồng thời đề nghị Thành phố lưu ý đầu tư hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa Khu CNC hiện hữu với Công viên Khoa học công nghệ. Đồng thời lãnh đạo TPHCM cùng với Bộ KH&CN cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp lý liên quanh việc xây dựng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển về CNC.  

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục thiết kế chính sách và ban hành chính sách pháp luật theo hướng tạo thuận lợi nhất để các khu CNC, sản phẩm CNC có giá trị cao phát triển. “Tôi tin tưởng rằng, Khu CNC TPHCM sẽ trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của Việt Nam và khu vực, là nơi hội tụ các “tinh hoa trí tuệ, công nghệ” của thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM và cả nước”, Thủ tướng nói. 

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Quản lý Khu CNC TPHCM. 

Nhân dịp này, Thủ tướng đã tham quan nhà máy Intel Products Việt Nam và trồng cây lưu niệm tại Khu CNC TPHCM.

Được biết, Trong những năm 1990, để đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế, Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng một số khu công nghệ cao (CNC), nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực về khoa học công nghệ, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất với nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự ra đời của khu CNC TPHCM cách đây 15 năm là một bước đi quan trọng triển khai thực hiện chủ trương quan trọng này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top