Chùa Hà Tân tọa lạc tại một khu đất cuối làng Hà Tân (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), nơi hợp lưu của hai con sông Vu Gia và sông Kôn (đầu nguồn của sông Vu Gia). Tại đây, hai dòng chia làm hai hướng, một hướng đổ về sông Thu Bồn, xuôi về biển Cửa Đại (TP. Hội An), nửa còn lại chảy vào sông Hàn (TP. Đà Nẵng) để ra biển lớn.
Ngôi chùa thờ phụng liệt sĩ
Ông Nguyễn Chánh, phật tử chùa Hà Tân cho biết ngôi chùa được hình thành vào thập niên 40 của thế kỷ trước do một phật tử tín tâm của làng là ông Lương Bá Châu cúng dường đất vườn xây dựng nên. Từ đó, chùa Hà Tân trở thành "nhà" của các phật tử trong làng, quanh năm hương khói, trùng tu, bảo dưỡng ngôi chùa qua năm tháng.
Tuy nhiên, thiên tai lũ lụt ập đến "nuốt chửng" khu vườn, chỉ còn lại ngôi chùa mà cổng Tam quan đã mấp mé bờ nước. Mãi về sau, khi Đại đức Thích Đồng Nhãn về làm trụ trì chùa Hà Tân với một lòng quy y tam bảo đã bắt tay trùng tu, bồi đắp ngôi chùa cũ. Cùng với sự giúp sức, hỗ trợ của các phật tử, chùa Hà Tân ngày càng khang trang, cân đối, hài hòa đẹp đẽ hơn.
"Chùa không lớn, nhưng thật uy nghi, linh thiêng, mang nét yên bình của làng quê Hà Tân. Hằng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh", ông Chánh chia sẻ.
Bên cạnh địa thế, kiến trúc đẹp, chùa Hà Tân còn là nơi ghi dấu đau thương của chiến tranh. Trận chiến với kẻ thù xâm lược năm 1974 đã khiến nhiều người lính trẻ hy sinh. Sau khi phục dựng, cải tạo, ngôi chùa là nơi quy tụ, thờ phụng những người lính ấy.
Hằng năm, thầy trụ trì Đại đức Thích Đồng Nhãn cùng với các phật tử luôn cúng bái, tôn tạo mộ phần để bày tỏ lòng thành kính với những anh hùng của dân tộc. Chưa dừng lại đó, vào mùa vu lan hằng năm, những thân nhân của các liệt sĩ đã tìm về chùa Hà Tân như để tìm lại hơi ấm của người thân. Lượng khách đến chùa thường rất đông, không có chỗ để tiếp, Đại đức Thích Đồng Nhãn phải nhờ gia đình các phật tử đón về nhà.
Ở đó, nhiều người đã tâm sự, được nghe người dân kể về những ngày ác liệt của chiến tranh. Họ dường như thấy gần hơn với nơi con em mình ngã xuống. Bởi họ cảm nhận được tấm chân tình của người dân Hà Tân: "Những người lính đã quên mình để giữ bình yên cho chúng tôi, thì đây là nhà của các anh ấy rồi. Chùa làng là nơi các anh an vị, trong khói nhang luôn có tấm lòng biết ơn của chúng tôi".
Chùa đứng trước nguy cơ bị "nuốt chững"
Đại đức Thích Đồng Nhãn, trụ trì chùa Hà Tân cho biết tình trạng sạt lở hai bờ sông Vu Gia và sông Kôn đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa, bão vào tháng 10/2023, khiến việc sạt lở bờ sông trở nên nghiêm trọng hơn. Nước lũ cuồn cuộn đổ về đã xâm thực sâu, gây sạt lở khoảng 10m với chiều dài cả trăm mét bờ sông, làm nhiều diện tích kè chắn tạm thời của chùa bị cuốn trôi.
Theo Đại đức Thích Đồng Nhãn, do chùa nằm ngay khu vực ngã ba sông nên khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về sẽ tác động mạnh vào hai bờ làm xói lở, đe dọa đến chùa cũng như diện tích đất của nhiều hộ dân khác.
"Sạt lở kéo dài nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng hơn. Mỗi lần vậy, thầy rất xót xa, luôn thấp thỏm lo âu. Nếu cứ để vậy, chỉ cần vài ba trận lũ lớn nữa, toàn bộ ngôi chùa và một số nhà dân nằm gần bờ sông có nguy cơ sẽ bị xóa sổ", Đại đức Thích Đồng Nhãn lo lắng.
Để bảo vệ chùa cũng như đất của người dân xung quanh, Đại đức Thích Đồng Nhãn đã viết đơn gửi các sở, ban, ngành từ tỉnh Quảng Nam đến địa phương quan tâm xem xét cho phép chùa Hà Tân được sử dụng nguồn kinh phí từ việc kêu gọi đóng góp của các mạnh thường quân thực hiện kè chống sạt lở hai bờ sông. "Những yêu cầu của các ngành chức năng như hồ sơ thiết kế kè, nguồn vốn… phía chùa đã hoàn thiện, chỉ chờ được cấp phép là sẽ triển khai thi công", trụ trì chùa Hà Tân nói thêm.
Liên quan đến sự việc này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã yêu cầu UBND huyện Đại Lộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xem xét, hướng dẫn, giải quyết đề nghị tại đơn theo quy định và trả lời cho chùa Hà Tân. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Thiết nghĩ, với việc chùa Hà Tân đảm bảo nguồn kinh phí, hồ sơ thiết kế kè theo đúng quy định của pháp luật, không vướng mắc gì thì các ngành chức năng có thẩm quyền nên quan tâm, xem xét tạo điều kiện để chùa thực hiện thi công kè đất giữ làng, bảo vệ cơ sở thờ tự./.