Dự án đường sắt 7.600 tỷ đồng "im lìm" gần 20 năm
Vào tháng 3/2023, tỉnh Quảng Ninh đã gửi đề nghị tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân do dự án chưa khởi động sau nhiều năm bị treo, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của hàng nghìn hộ dân.
Tại Công văn số 518/UBND-GT1 về việc giải quyết vướng mắc đối với Tiểu dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long do ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh gửi tới Bộ GTVT nêu rõ, việc sớm tái khởi động dự án sẽ góp phần giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng công trình đối với các hộ dân có diện tích nằm trong phạm vi thực hiện dự án, giúp người dân sớm được bồi thường giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống, tránh kiến nghị, khiếu kiện kéo dài; đồng thời để dần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh trong khu vực có tuyến đường đi qua.
Do đó, UBND Quảng Ninh kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm cho phép khởi động lại Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để giải quyết đứt điểm các thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong phạm vi Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long theo đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đưa ra phương án trong trường hợp dự án chưa được sớm khởi động lại, đề nghị Bộ GTVT xem xét, thu hồi chủ trương đầu tư để có cơ sở thu hồi, hủy bỏ các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất trên dự án giải phóng mặt bằng thuộc Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long.
Được biết, Dự án đường sắt Cái Lân có chiều dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), được phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2004 với tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Đây là công trình có vai trò quan trọng trong phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Năm 2005, công trình bắt đầu khởi công và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2012. Tuy nhiên, giai đoạn năm 2008 - 2011, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn đến dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tới nay, dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - Cái Lân); 3 tiểu dự án còn lại (Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long) mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến. Tới thời điểm hiện tại, tổng số vốn đã giải ngân cho toàn dự án là 4.342 tỷ đồng (đạt 56,7%). Tất cả đều là khối lượng dở dang, chưa thể đưa vào khai thác, vận hành.
Điều đáng nói, các gói thầu mua sắm ray, tà vẹt đã mua phục vụ tiểu dự án 2, 3, 4 là 771 tỷ đồng, nhưng mới lắp đặt với giá trị khoảng 105 tỷ đồng. Số ray, tà vẹt còn lại trị giá 666 tỷ đồng (ray 393 tỷ, tà vẹt 273 tỷ) chưa được đưa vào lắp đặt (hiện đang được trông coi bảo quản ở một số ga dọc tuyến và kho bãi nhà thầu) sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng và phát sinh kinh phí trông coi, bảo quản, bảo dưỡng.
Từ năm 2017, dự án không được bố trí kế hoạch vốn, nên không có kinh phí chi trả cho các đơn vị trông coi và thực hiện công tác bảo quản bảo dưỡng (trong đó nhà thầu trông coi các gói thầu ray của tiểu dự án 2, 3 đã nhiều lần đề nghị bàn giao lại toàn bộ vật tư do không bố trí được kinh phí).
Dự án hồ chứa nước Đồng Dọng
Dự án hồ chứa nước Đồng Dọng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt chủ trương đầu tư từ cuối năm 2015; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hồ trên núi 389 (Công ty 389) làm chủ đầu tư, với tiến độ hoàn thành ban đầu dự kiến vào năm 2017. Tuy nhiên, đến nay việc giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, hàng chục hộ dân trong vùng dự án đang phải sống trong lo âu, bất an và mong ngóng được nhanh chóng nhận tiền bồi thường để di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Dự án hồ chứa nước Đồng Dọng có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng và được thực hiện tại 2 xã Bình Dân và Vạn Yên (Vân Đồn). Dự án này có mục tiêu là sau khi xây dựng đập ngăn nước tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước để cấp cho đô thị Đoàn Kết - Bình Dân, khu đô thị Cái Rồng, các khu du lịch và khu cảng Vạn Hoa. Dự án hồ chứa nước Đồng Dọng thu hồi khoảng 688ha của 97 hộ dân, tổ chức; trong đó, số hộ dự kiến phải tái định cư là 43 hộ. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 161,4 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, để triển khai dự án hồ chứa nước Đồng Dọng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 63 hộ thuộc phạm vi dự án, gồm: 18 hộ do Công ty 389 chi trả tiền, 45 hộ do UBND tỉnh hỗ trợ bố trí vốn chi trả. Tổng kinh phí đã bồi thường, hỗ trợ cho các hộ là trên 122 tỷ đồng. Số còn lại nằm trong phạm vi dự án chưa được thực hiện bồi thường, di dời.
Nguyên nhân các hộ còn lại chưa được nhận bồi thường để di dời tới nơi ở mới là do chủ đầu tư là Công ty 389 gặp khó khăn trong việc huy động vốn, không bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tiếp tục đầu tư dự án. Dự án này có diện tích sử dụng đất rộng, chủ yếu là nhà ở, đất vườn tạp và đất rừng sản xuất. Do đó, việc dự án vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, đã khiến cho các hộ dân trong dự án gặp khó khăn.
Hiện tại, nhà ở của các hộ dân nằm trong dự án đã xuống cấp trầm trọng nhưng lại không được phép sửa chữa. Những cánh đồng, diện tích vườn đồi hàng nghìn héc ta trước đây được người dân trồng trọt, cây cối quanh năm xanh tốt, thì nay đã bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Để giải quyết những vướng mắc của dự án, ngày 15/7/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hồ chứa nước Đồng Dọng. Ngày 22/3/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 863/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đến tháng 7/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn và một nhà đầu tư đã thống nhất ký kết hợp đồng thực hiện dự án. Thời gian thực hiện là 30 tháng, bao gồm cả thời gian thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tích cực giải quyết những khó khăn của dự án.
Dự án Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông
Dự án Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông có diện tích 36,2ha; có ranh giới phía Bắc giáp cống Chín Cửa, phía Tây giáp đường sắt chuyên dụng TKV và khu dân cư hiện trạng, phía Nam giáp tỉnh lộ 334 và khu dân cư hiện trạng, phía Đông giáp biển. Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, quy mô dân số 4.850 người.
Dự án được tiến hành theo 3 giai đoạn gồm các hạng mục bãi đỗ xe trung tâm, hệ thống dịch vụ, bến tàu cao tốc kết hợp bến tàu du lịch, khu bãi tắm nhân tạo, khách sạn, chung cư, công viên ven biển, quảng trường trung tâm, khu biệt thự, trường mầm non…
Dự án Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông tại phường Cửa Ông được UBND TP. Cẩm Phả phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lần đầu vào ngày 17/3/2017 với tổng diện tích là 36,383ha với số vốn dự kiến ban đầu khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Đến ngày 05/9/2019, UBND TP. Cẩm Phả tiếp tục phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết dự án. Theo đó, diện tích thực hiện dự án là trên 36,23ha.
Dự án được thực hiện bởi liên danh nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Du lịch Thiên đường Hải đảo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tecco, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng và đất dự án bị bỏ hoang suốt 5 năm qua.
Theo đại diện liên danh nhà thầu, hiện tại mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu vẫn chưa xong, giấy phép xây dựng cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp dù phía nhà thầu đã sẵn sàng triển khai dự án. Tới thời điểm hiện tại, 27/30 hộ gia đình thuộc dự án đã được đền bù, diện tích bàn giao cho nhà đầu tư đạt 70,5% tổng diện tích dự án.
Trong buổi đối thoại ngày 26/10/2023, UBND TP. Cẩm Phả cho biết, đối với các hộ không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất được xác định nguồn gốc đất vi phạm trong khai hoang lấn chiếm mặt biển, sử dụng trên đất được giao cho một số đơn vị và xây dựng các công trình trên đất từ nhiều năm nay… Các hộ dân đề nghị được bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ công tôn tạo, tái định cư như những hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất./.