Aa

Thái Nguyên: Người dân khốn khổ vì loạt dự án "treo"

Thứ Tư, 10/01/2024 - 16:05

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh có hàng chục dự án với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng chậm tiến độ, dính vào các sai phạm..., làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Dự án khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy

Dự án khu B, Khu công nghiệp Điềm Thụy được phê duyệt và cấp phép lần đầu vào ngày 4/6/2009, do Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư gần 433 tỷ đồng.

Tuy nhiên đến nay, dự án mới giải phóng mặt bằng được 47ha, thu hút được 6 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy với diện tích cho thuê được gần 10ha, diện tích còn lại đang đầu tư hạ tầng.

Thái Nguyên: Người dân khốn khổ vì loạt dự án "treo"- Ảnh 1.

Dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy sẽ bị tỉnh Thái Nguyên thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác. (Ảnh: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến việc dự án này chậm tiến độ là do nhà đầu tư - Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group có năng lực yếu, không giải phóng được mặt bằng. Năm 2020, sau khi tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC Group đẩy mạnh thực hiện Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B.

Dù vậy, vào ngày 15/7/2021, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 1/1/2010 - 31/12/2018), kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, thu hồi dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B.

Tại thông báo Kết luận thanh tra số 1113/TB-TTCP, Thanh tra Chính phủ khẳng định, tiến độ của Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Ðiềm Thụy B chậm 75 tháng theo Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm Luật Ðất đai, thuộc trường hợp phải thu hồi đất của dự án; giá trị tiền cho thuê đất tính thiếu là hơn 4,6 tỷ đồng.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét điều chỉnh, thu hồi dự án này. Tuy nhiên, bất chấp những kiến nghị từ phía Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng nhiều hạng mục công trình hạ tầng, khu dịch vụ khu công nghiệp khi chưa có giấy phép xây dựng.

Theo văn bản, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên nhận được Quyết định chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Điềm Thụy và hồ sơ kèm theo của Công ty Cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.

Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư tại Nghị quyết số 08/NQ-ĐHĐCĐ-APECTN ngày 15/7/2022 của Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Đầu tư Apec Thái Nguyên, thời gian chấm dứt từ ngày 15/7/2022.

Do chậm tiến độ, hiện dự án đã bị thu hồi. Tuy nhiên 14 năm qua, người dân khu vực dự án phải sống trong khó khăn do dự án không bồi thường giải phóng mặt bằng như đã cam kết. Khi thực hiện dự án có khoảng 5ha lúa nước của người dân bị chặn dòng, gây nhiều thiệt hại cho người dân nhưng vẫn chưa được bồi thường suốt những năm qua.

Dự án Đài Bắc Hotel

Dự án Đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel tại phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) do Công ty Cổ phần Đầu tư Đài Bắc TNKS làm chủ đầu tư, sau hơn 10 năm vẫn "đắp chiếu".

Dự án có tổng diện tích đất 8.288m2. Tiến độ thực hiện dự án được triển khai từ quý I/2010, thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng dự kiến là quý IV/2011.

Thái Nguyên: Người dân khốn khổ vì loạt dự án "treo"- Ảnh 2.

Dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel sau hơn 10 năm vẫn luôn quây kín tôn, bên trong chỉ là khu đất trống. (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Quyết tâm là thế, nhưng cuối cùng không có dự án nào được cắt băng khánh thành trên lô đất theo dự kiến. 6 năm sau, ngày 16/8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định số 2070/QĐ-UBND về việc kiểm tra một số dự án đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel.

Tháng 9/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra kết luận chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế tại dự án như: Chậm tiến độ, chưa đi vào sử dụng trên 5 năm so với Giấy chứng nhận đầu tư; chậm so với thời điểm giao đất tại thực địa, chậm tiến độ trên 26 tháng; nhà đầu tư chưa lập hồ sơ kê khai quyết toán tiền thuê đất theo quy định.

Sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành kết luận kiểm tra, ngày 11/2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư Đài Bắc TNKS về việc điều chỉnh "Dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel" thành "Dự án Khu nhà ở Đài Bắc" đã có văn bản số 207/SKHĐT-ĐKKD gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị UBND tỉnh xem xét, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương điều chỉnh dự án. Tại văn bản này, chủ đầu tư cam kết sau khi điều chỉnh, dự án sẽ được hoàn thành sau 24 tháng kể từ ngày được cấp Quyết định điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư.

Ngày 17/2/2020, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có thông báo số 2952/TB-TU về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel. Ngày 24/8/2020, UBND TP. Thái Nguyên có Quyết định số 7590/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Khu nhà ở Anh Thắng - Đài Bắc.

Dù vậy, kể từ khi có thông báo việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Đài Bắc Hotel thành dự án Khu nhà ở Đài Bắc, dự án này vẫn "im lìm". Khu đất để thực hiện dự án vẫn được quây tôn kín mít, không có bất cứ động thái thi công nào tại đây.

Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng

Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng tại Khu dân cư số 2, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt từ năm 2009.

Thái Nguyên: Người dân khốn khổ vì loạt dự án "treo"- Ảnh 3.

Phản ánh của người dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên về những ảnh hưởng tiêu cực từ việc dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng bị chậm tiến độ suốt nhiều năm.

Năm 2011, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng (Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng) đã chính thức khởi công dự án với tổng vốn được công bố thời điểm đó là 550 tỷ đồng, với diện tích 16,6ha bao gồm khu nhà liền kề, khu biệt thự và khu thương mại dịch vụ.

Dự án có thiết kế và được phê duyệt gồm khu nhà liền kề có tổng diện tích trên 74.000m2, khu tái định cư trên 17.000m2, khu biệt thự khoảng 17.300m2 và khu thương mại - dịch vụ.

Bên cạnh đó, dự án này dành ra gần 50% tổng diện tích để xây dựng không gian bố trí các công trình công cộng, thể thao, văn hóa và hệ thống giao thông, cây xanh đồng bộ. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II/2013. Vào năm 2011, dự án được khởi công nhưng đến nay thì vẫn dang dở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nằm trong quy hoạch.

Nhằm giúp nhà đầu tư hoàn thiện dự án, ngày 12/9/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 2669/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng đến quý IV/2020.

Đến hết năm 2020 là thời điểm kết thúc dự án, thế nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, mới có khoảng 30% khối lượng công việc tại Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng được thực hiện.

Ngày 18/3/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục ban hành Quyết định số 684/QĐ-UBND điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng đến hết quý I/2023.

Thái Nguyên: Người dân khốn khổ vì loạt dự án "treo"- Ảnh 4.

Dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng vẫn không thể hoàn thành sau 3 lần gia hạn thời gian thực hiện. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, ngoài việc xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, thoát nước thải, san lấp mặt bằng khu tái định cư…, hơn 2 năm qua, dự án chưa có thay đổi gì nhiều so với trước thời điểm gia hạn lần 3.

Người dân nằm trong quy hoạch đã nhiều lần bày tỏ mong muốn chính quyền và các cơ quan thẩm quyền xem xét và có hướng giải quyết nhanh nhất cho dân cư đang sinh sống tại dự án treo này suốt hơn 10 năm qua. Theo phản ánh của người dân, do nằm trong quy hoạch nên người dân không được xây sửa nhà ở, đường giao thông đi lại toàn bùn đất, đất thổ cư không sang tên, không mua bán được... Nếu không thể đền bù thỏa đáng thì người dân tại đây mong muốn được "gỡ" quy hoạch để có thể trở lại cuộc sống bình thường như những khu vực khác.

Trách nhiệm và quyền lợi của người dân nằm trong khu quy hoạch dự án treo

Trao đổi với PV Reatimes về vấn đề này, ThS. Hoàng Ngọc Hưng, chuyên gia cấp cao Công ty Luật TNHH Đầu tư Lê Vũ nhận định, dự án "treo" hay quy hoạch "treo" là cách nói theo thói quen, với nghĩa nói đến trường hợp đất đai đã nằm trong dự án được công bố thu hồi đất nhưng trong một thời gian dài sau đó không được triển khai thực hiện theo kế hoạch, gây lãng phí trong khai thác, tận dụng giá trị đất đai và quyền lợi của người dân trong sử dụng đất.

Theo Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau: "Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật".

Như vậy, người dân có quyền sử dụng đất nằm trong khu quy hoạch cần xác định rõ 2 trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu quyền sử dụng khu đất của mình thuộc quy hoạch sử dụng đất đã được công bố, nhưng UBND cấp tỉnh (đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện) chưa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người có quyền sử dụng đất tiếp tục được thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 188 Luật Đất đai năm 2013).

Thứ hai, nếu quyền sử dụng khu đất của mình thuộc quy hoạch sử dụng đất đã được công bố đồng thời UBND cấp tỉnh (đối với kế hoạch sử dụng đất cấp huyện) đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người có quyền sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền sử dụng đất của mình, trừ nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình nếu được cho phép theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, nếu sau 3 năm cơ quan nhà nước chưa thu hồi đất thì người dân có thể làm đơn kiến nghị hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trong trường hợp đất đã bị thu hồi nhưng dự án đã nhiều năm chưa được triển khai, theo điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013: "Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng".

Như vậy trong trường hợp này, Nhà nước thu hồi đất đối với dự án mà chủ đầu tư không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Về nguyên tắc sau khi thu hồi đất, người dân không còn là chủ thể có quyền sử dụng đất được Nhà nước thừa nhận nên không được quyền đòi lại quyền tài sản này.

Còn ông Trần Vũ Nhiếp Đam, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Luật Vicin cho rằng, trong các trường hợp đất quy hoạch không thuộc tại khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai 2013, người dân có thể làm những bước sau để xin cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Thứ nhất, kiểm tra lại nguồn gốc đất, có nguồn gốc rõ ràng không vướng tranh chấp.

Thứ hai, kiểm tra thông tin liên quan đến dự án, bao gồm quy hoạch, chủ đầu tư, thông tin phê duyệt và tình trạng triển khai của dự án nếu dự án đã kéo dài mà không còn khả thi.

Thứ ba, liên hệ với UBND quận/phường để yêu cầu thông tin chi tiết về dự án. Việc này bao gồm thông tin quy hoạch, chủ đầu tư, dự án phê duyệt năm nào và tình hình hiện tại của dự án. Điều này giúp người dân có cái nhìn rõ ràng về tình hình và cơ hội lấy lại đất.

Thứ tư, sau khi có thông tin từ UBND quận/phường, người dân có thể xem xét nội dung và quyết định có nên gửi đơn khiếu nại về dự án quy hoạch "treo". Trong đơn khiếu nại, họ có thể kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất do dự án không triển khai trong thời gian dài. Sau đó, họ có thể đề xuất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

Quá trình này là một cách người dân có thể làm để bảo vệ quyền lợi và xác định tình hình của mình trong các dự án quy hoạch "treo", tuy nhiên đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức về quy định pháp luật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top