Tham dự lễ kỷ niệm, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và đại diện nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các vị khách quốc tế.
Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh; cùng các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động và hàng nghìn đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã trình bày diễn văn chào mừng lễ kỷ niệm. Diễn văn nêu rõ, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, 60 năm qua, Quảng Ninh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Trên nền tảng và đà phát triển đã được tạo dựng, Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước….
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, thời khắc lịch sử của tỉnh Quảng Ninh 60 năm về trước đã lựa chọn trao gửi, đặt lên vai các thế hệ cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm lớn lao và hôm nay chúng ta có nhiệm vụ viết tiếp những trang sử hào hùng, dựa vào nền tảng văn hóa, khí chất, phẩm giá con người Vùng Mỏ kiên cường, bất khuất, “Kỷ luật và Đồng tâm”, đoàn kết, sáng tạo, hào sảng, khí khái được chung đúc từ chiều dài của lịch sử, chiều sâu của văn hóa...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, bước vào giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, liên tục 8 năm liền, từ năm 2016 đến nay tăng trên 10%; thu ngân sách nhà nước luôn vượt chỉ tiêu và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Một trong những dấu ấn nổi bật là đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại...
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ, hài hòa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, với nhiều chủ trương, chính sách mang tính vượt trội so với nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt chú trọng khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Theo Chủ tịch nước, tỉnh Quảng Ninh đang bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức, như: năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cán bộ, đảng viên sai phạm, bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp. Hoạt động sản xuất - kinh doanh, lao động, việc làm của một số doanh nghiệp còn khó khăn…
Để xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; cùng việc thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý tỉnh Quảng Ninh một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó:
(1) Tỉnh Quảng Ninh cần thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đề cao sự gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng…
(2) Tỉnh cần đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân... Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Không ngừng chăm lo xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thực sự là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh, xứng đáng với truyền thống của Vùng mỏ Anh hùng.
(3) Tỉnh cần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa,...
(4) Quảng Ninh cần đặc biệt quan tâm phát huy các lợi thế cạnh tranh của tỉnh, trong đó có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại; đề cao giá trị văn hóa, con người để phát triển bền vững... Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cực tăng trưởng của khu vực phía bắc; tiên phong thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới.
(5) Quảng Ninh cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên vô cùng quý giá, gắn với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn, chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhân tài cho tỉnh. Thường xuyên chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; giải quyết tốt an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng trong tỉnh…
(6) Tỉnh cần đặc biệt coi trọng, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiên tai đối với người và tài sản của Nhân dân, của nhà nước. Chú trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường biển, các khu sản xuất công nghiệp, địa bàn khai thác than... Để góp phần thực hiện cam kết toàn cầu của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỉnh Quảng Ninh phải chủ động phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể góp phần thực hiện cam kết này; xác định đây là cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư phục vụ cho quá trình phát triển.
Do tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là tỉnh có đường biên giới quốc gia trên bộ và trên biển, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu, Quảng Ninh phải thường xuyên củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân”, bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chủ động nắm, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời xử lý tốt các vấn đề nảy sinh trên địa bàn; giải quyết từ gốc các vấn đề liên quan bảo đảm an ninh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên biên giới, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội…