Quay cuồng trong cơn sốt đất: Những cơn “sốt” lạ thường
Hàng loạt bất động sản từ nhà, đất ở khu vực thành phố, thị trấn cho đến vùng ven của các huyện, thành phố như Tây Ninh, Hòa Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành... bỗng dưng lên “sốt” giá. Những bờ ao, ruộng lúa ở tận vùng nông thôn xa xôi ít người lui tới cũng quay cuồng trong cơn sốt đất từng ngày. Đất đai được rao bán ồ ạt trên... hàng trăm fanpage Facebook, cả trong và ngoài tỉnh Tây Ninh.
Theo ghi nhận của PV, các hoạt động mua bán đất diễn ra sôi động chưa từng có. Nhiều giao dịch mua bán, đi xem đất diễn ra đến tận 20, 21 giờ.
Anh N.H.B, 31 tuổi, một “cò” đất lâu năm ở Tây Ninh, nói: “Bây giờ cứ ra ngõ gặp 'cò' đất ”. Anh B. lý giải, trước đây, để bán được một mảnh đất, giới “cò” đất như anh phải chạy đôn chạy đáo, dùng hết các mối quen biết, mới bán được một mảnh. Hơn 1 năm trở lại đây, đâu đâu cũng lên cơn sốt đất, dần dần chính người dân địa phương khắp nơi cũng trở thành “cò” để hưởng hoa hồng môi giới.
Ông N.T.C, 45 tuổi, một “cò đất” ngụ H.Hòa Thành, nói chính ông cũng ngán ngẩm với "ma trận" thông tin về đất đai đang... loạn cào cào.
“Không dễ dàng tìm được đất chính chủ vì giới “cò” bằng nhiều cách biến mình như chính chủ để thổi giá”, ông C. nói.
Lý giải thêm, ông C. cho biết: “Cò” đất hiện tại có rất nhiều loại, ngoài “cò” môi giới hưởng hoa hồng như tụi tui hồi giờ, thì dạo này có nhiều "cò" chuyên nghiệp hơn, dám "bung vốn" đi “săn” đất đẹp để trữ bán. Số đông “cò” còn lại với vốn ít hơn thì tranh thủ “đặt cọc” để chính danh là chính chủ, rồi thổi giá, được giá là sang tay liền. Thế nên, giá đất thực tế từ chính chủ cho đến người mua chênh lệch từ vài chục triệu đến cả trăm triệu/m ngang là thường”.
Tại Tây Ninh, các đội "cò" ngày đêm sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm, bươn ra tận ngoài ruộng xa, tìm mua đất. Giá đất vì thế tăng cao gấp từ 3 - 5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Đề xuất tăng thuế nơi có sốt đất chặn đứng thổi giá
Đây là một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng nêu ra trong Báo cáo gửi Quốc hội. Đánh giá từ thực tế, Bộ này nhận định hiện một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.
Bộ cũng dẫn chứng tình trạng này ở một số địa bàn, như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, TP HCM…
Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản. Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn.
Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện hệ thống thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ ra những tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay bất cập về giá như chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Thị trường phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Xem chi tiết tại đây.
Bất cập quy hoạch, nhìn từ dự án Ngoại giao Đoàn
Chưa bao giờ các vấn đề về quy hoạch và quản lý đô thị ở Việt Nam lại "nóng" với nhiều bất cập cần được nhìn nhận và giải quyết như 2 - 3 năm trở lại đây, khi nhiều khu chung cư cao tầng đi vào sử dụng.
Thực tế, trường hợp Khu Ngoại giao Đoàn, hay Khu Công viên Cầu Giấy chỉ là câu chuyện điển hình trong số hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ khác nhau liên quan đến những bất cập của quy hoạch và điều chỉnh tại Hà Nội đang diễn ra vào thời điểm hiện tại như khu vực hồ Linh Đàm, hồ Thành Công… và tại một số khu đô thị mới ở phía Nam Hà Nội.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, không phủ nhận trong thời gian vừa qua, sự hình thành các đô thị mang lại diện mạo mới cho Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh đó sự phát triển tự phát, phong trào, không theo quy hoạch hoặc phá vỡ quy hoạch vẫn phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Chính, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ. Bên cạnh đó, quá trình quản lý nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển. Hiện cả nước có 760 đô thị đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xây dựng xong quy hoạch.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị kiểu “phong trào” là do khâu tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém. Một thời gian dài, chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, điều này chính là sai lệch cơ bản vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau nó là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị...
"Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn lực dành cho phát triển đô thị bị phân tán, mất cân đối cung cầu và việc không thực hiện theo bộ công cụ quản lý đô thị dẫn đến tình trạng ‘nhìn mặt nhau để thỏa thuận’, Nhà nước không những dần mất vai trò định hướng quy hoạch mà còn trở thành người đi sau nhà đầu tư để hợp thức hóa các dự án", ông Chiến nhấn mạnh.
Chống nóng cho công trình: Cần quan tâm ngay từ khâu thiết kế
Những ngày qua, thị trường thiết bị làm mát tại Hà Nội tấp nập người đến tham quan, mua sắm. Đại diện siêu thị điện máy Nguyễn Kim (phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, khách hàng mua phổ biến nhất là dòng máy điều hòa có công suất 9.000BTU và 12.000BTU, mức giá dao động từ 7 - 14 triệu đồng/sản phẩm, tùy loại.
Đáng chú ý là năm nay, dòng máy điều hòa tiết kiệm điện (inverter) được các đơn vị kinh doanh bày bán chiếm đến 90%. Bên cạnh đó, các dòng điều hòa model mới (thuộc dòng máy cao cấp) tích hợp nhiều tính năng lọc không khí, khử mùi, diệt khuẩn, giảm tiếng ồn… được người tiêu dùng chọn mua nhiều.
Thời tiết nắng nóng cũng khiến nhiều chủ đầu tư, nhà thầu “giật mình” khi thừa nhận, họ chưa thực sự quan tâm đến việc làm mát cho ngôi nhà của mình. Thực tế cho thấy, khi làm nhà hoặc xây dựng các công trình kiến trúc, thường gia chủ hoặc các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến kiến trúc, hình dáng bên ngoài mà “quên” mất nhiều yếu tố tạo không gian sống xanh cho ngôi nhà của mình.
Theo KTS Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc xanh TP.HCM, để tạo nên công trình đạt chuẩn kiến trúc xanh, KTS phải thiết kế chuẩn từng chi tiết, không chỉ có bố cục, mà còn cả vật liệu. Vật liệu chống nóng là một lựa chọn tối ưu để hạn chế những tác hại của thời tiết đối với sức khỏe của con người và cả chính công trình xây dựng.
Thị trường vật liệu chống nóng hiện nay khá phong phú về chủng loại, giá cả và chất lượng, từ ngói lợp, đến gạch chống nóng, tấm cách nhiệt, túi nước cách nhiệt, trần thạch cao… Tuy nhiên, với các nhà riêng lẻ, người dân thường không mấy quan tâm đến công đoạn chống nóng.
Anh Vũ Tuệ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nêu quan điểm: “Nóng thì mình bật điều hòa, chứ chọn các vật liệu nọ kia cho mất thời gian”. Tuy nhiên, anh Tuệ không biết rằng, với những ngôi nhà có diện tích nhỏ, bao quanh bởi lớp bê tông và nằm trong ngõ nhỏ như nhà anh, thì những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong nhà có thể tăng lên từ 2 - 3 độ C. Ở những căn nhà này, các chuyên gia tư vấn nên sử dụng tấm ngăn cách nhiệt hoặc xốp bảo ôn. Đặc tính của loại vật liệu này là dễ sử dụng, thi công nhanh và có thể làm mát đáng kể cho ngôi nhà.
Độc giả có thể xem chi tiết.
Thị trường bất động sản TP.HCM hồi sinh, cán cân đầu tư đang nghiêng về khu Nam
TP.HCM được xếp vào đô thị có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh so với những thành phố khác trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, dân số TP.HCM đã vượt ngưỡng 13 triệu người. Dân số gia tăng tỉ lệ thuận với nhu cầu về nhà ở, gây sức ép lên quỹ đất thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm. Trước tình hình đó, TPHCM từ lâu đã tăng chi từ nguồn ngân sách và kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.
Với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện cùng tin vui loạt dự án mới được xây dựng, 2 khu vực này nhanh chóng trở thành thỏi nam châm với hấp lực lớn thu hút nhà đầu tư và tập trung dân cư trong vài năm trở lại đây. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù thị trường nhà ở TPHCM đang khan hiếm nguồn cung, nhưng hiện nay đang xuất hiện một làn sóng mới để chuẩn bị cho đợt bung hàng ra thị trường trong đầu quý 3/2019.
Về khu vực, phía Đông và Nam sẽ tiếp tục là điểm nóng của thị trường trong thời gian này, với nhiều dự án mới liên tục được đưa ra thị trường. Tại khu vực phía Đông, CBRE Việt Nam nhận định bên cạnh việc ngày càng hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông, trong năm 2019 khu Đông Sài Gòn sẽ tiếp tục đón sóng đầu tư mới, nhiều dự án tỷ đô được "rót" vào Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP.HCM… tạo cho thị trường BĐS khu vực này nhiều cơ hội bứt phá.
Tương tự, theo ông Trần Hiếu - Phó Tổng Giám đối Khối Tiếp thị & Kinh doanh DKRA Việt Nam, với hàng loạt cơ sở hạ tầng đột phá và quy mô trong thời gian tới, thị trường bất động sản khu Nam (quận 7, 8, Nhà Bè, Cần Giờ) sẽ luôn giữ vững đẳng cấp. Bằng chứng là hàng loạt các tên tuổi lớn trong giới địa ốc đã tung ra những dự án lớn để thu hút khách hàng, nguồn cung mạnh nhất trong những tháng tới vẫn là khu vực Phú Mỹ Hưng, quận 7. Nếu thời điểm trước khu Nam nổi lên với những dự án thuộc phân khúc cao cấp, thì năm 2017 - 2018 nhiều dự án chung cư tầm trung được các chủ đầu tư ưu ái.
Điểm danh bộ ngành còn "dây dưa" về nhà, đất
Một số bộ, ngành, cơ quan trung ương (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại cơ sở nhà, đất số 143/10 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM; Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại số 3 Phan Đình Giót, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa thực hiện nghiêm việc chấm dứt sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết.
Một số bộ ngành chưa thực hiện di dời các hộ gia đình bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đó là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ sở nhà, đất tại các địa chỉ số 116 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, Tp.HCM của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II; số 135 Pasteur , Phường 6, Quận 3, Tp.HCM và số 19 Hải Triều, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM của Văn phòng đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Tp.HCM).
"Dây dưa" ở phần này còn có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (cơ sở nhà, đất số 99 đường Man Thiện, Phường Hiệp Phú, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (số 3 Phan Đình Giót, Phường Phương Liệt, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho biết, một số bộ, cơ quan Trung ương đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới, do chưa xác định về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc sát với nhu cầu thực tế khi xây dựng trụ sở mới nên vẫn giữ lại trụ sở cũ để bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để tiếp tục sử dụng.