Đến ngày hôm nay, đọc trên các phương tiện truyền thông, lướt qua các hội nhóm facebook, người ta nhắc nhiều đến giá đất đang tăng chóng mặt. Cách đây hơn 2 tuần, khi thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được công bố, Đông Anh, Long Biên (Hà Nội) bất ngờ trở thành tâm điểm trên thị trường.
Đất tăng giá vù vù chỉ trong một ngày. Ngày hôm trước không mua, ngày hôm sau hàng đã lọt vào tay người khác. Ngày hôm nay không mua ngay với mức giá 20 triệu/m2 thì ngày mai, mức giá có thể lên tới 25 triệu/m2. Ngay cả người phụ nữ bán trà đá cũng phải ôm lấy dăm miếng đất để đợi sang tay chốt lời. Có những người tiết lộ, họ không dám bán đất và để đợi thêm thời gian cho giá đất tiếp tục lên. Cá biệt, có những khu đất sở hữu mức giá khủng, lên tới 80 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại Ba Vì (Hà Nội), sau hơn 1 thập kỷ ngủ đông, đất cũng sốt trở lại. Theo ghi nhận của PV Reatimes, những thửa đất nằm ở tuyến đường tỉnh lộ 84 tăng tới 150% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cá biệt, có những thửa đất trong làng dao động từ 150 - 200 triệu đồng/mét dài, trong khi 1 năm trước mức giá chỉ khoảng 45 triệu đồng/mét dài, tức tăng khoảng hơn 300%.
Cơn sốt đất tiếp tục lan tới Đà Nẵng khi thông tin phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được công bố. Tại khu vực miền Nam, đất vùng ven TP.HCM như Bình Dương, Cà Mau, Vũng Tàu… cũng nhộn nhịp thông tin điệp khúc “tăng giá, tăng giá và tăng giá”.
Trong cơn sốt đất, những câu chuyện về nhà đầu tư chốt lời trăm triệu trong ít ngày hay thu về tiền tỷ trong vài lần lướt sóng được môi giới truyền tai nhau như một minh chứng cho nhận định: “Đầu tư đất chắc chắn là tất thắng”.
Thế nhưng, trong cơn sốt đất quay cuồng, người kiếm lời tiền trăm, tiền tỷ để truyền tai nhau nhiều lần nhưng với những người chôn vốn vẫn “mãi là câu chuyện chìm trong lặng im”.
Theo lời kể của ông Nguyễn Minh, một nhà đầu tư hơn 10 năm, “Đất sốt chủ yếu do nhà đầu tư cá nhân sang tay qua lại nhiều lần. Và thực tế, người thắng có nhưng kẻ chôn vốn cũng chẳng ít. Họ có thể lướt sóng rồi kể như thành công rất lớn. Họ có thể chôn vốn ở nhiều khu vực khác, tồn hàng”.
Nhà đầu tư này cũng tiết lộ, năm 2018, ông lướt sóng thành công 2 thương vụ tại Vạn Ninh (Khánh Hoà) khi thông tin đặc khu Bắc Vân Phong xuất hiện. Nhưng đến hiện tại, dù cơn sốt đất đi qua, nhà đầu tư này vẫn tồn một lô đất chưa thể thanh khoản.
Trong khi đó, tại Láng Hoà Lạc, ông Nguyễn Minh kể, ngoài một lần giao dịch thành công, một lô đất khác cũng chưa thoát được hàng.
“Chẳng có nhà đầu tư hay môi giới nào khoe chuyện mình bị tồn hàng. Họ chỉ kể về những mảnh đất kiếm lời bao nhiêu, như thế nào. Như để nói chuyện thắng, thua trên thị trường bất động sản rất khó vì nhà đầu tư có thể thắng ở khu vực này, chôn hàng ở khu vực khác.
Một điểm khác nữa, đó là để đẩy giá đất lên, môi giới sẽ thường truyền tai nhau chuyện mua đất sinh lời. Có một chiêu tạo sốt của môi giới có thể kể tới như thuê 10 người để gọi cho người dân, hỏi mua đất với mức giá cao. Với việc truyền tai nhau, người dân sẽ vô hình trung tăng giá đất lên theo mặt bằng và neo giá ở mức cao. Chính lúc này, môi giới dễ dàng đẩy hàng đang có của họ với mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung được thiết lập ảo”, ông Minh tiết lộ.
Bà Ngô Hương (Hà Nội) dù môi giới thành công nhiều giao dịch nhưng chính mảnh đất bà xuống tiền 4 năm qua vẫn không tăng giá. “4 năm trước, tôi đầu tư một lô đất với vị trí khá đẹp ở Hà Nội, đường ô tô đi vào, giá 1,8 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, giá đất cũng chưa nhích lên, người hỏi thì nhiều nhưng người chốt tiền và mua ngay thì ít” bà Hương nói thêm: “Khi bạn có lô đất, môi giới hỏi rất nhiều nhưng kỳ thực người mua thật lại rất ít. Vì nhiều môi giới hỏi nên “sốt đất” xảy ra, nhưng để chốt lời không hề đơn giản”.
Hay như chia sẻ của chị Nguyễn Thuý (Hải Dương) cũng là ví dụ điển hình của việc chốt thành công một miếng đất không hề dễ dàng như quảng cáo của môi giới. Chị Nguyễn Thuý kể: “Trước đây, gia đình tôi có mảnh đất nằm ngay vị trí tuyến đường lớn. Dù thời điểm sau này, các con đường mở rộng quanh nhà, vị trí miếng đất trở nên đắc địa. Người ta đồn thổi về giá đất lên cao nhiều, người hỏi thăm rất nhiều. Nhưng để tìm được khách và chốt với mức giá ưng ý, gia đình tôi phải mất tới hơn 1 năm mới có thể chuyển giao mảnh đất. Giá trên thị trường đa phần đều là làm chênh dựa trên thông tin của môi giới còn thực tế để giao dịch thành công, mức giá phải hạ thấp 5 - 10% mới có thể đẩy được hàng”.
Trong bối cảnh đất sốt mọi nơi, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần tỉnh táo và cẩn trọng trước thông tin chốt lời tiền tỷ dễ dàng của môi giới. Bởi nếu không, khả năng chôn vốn kéo dài nhiều năm là điều khó tránh khỏi.