Aa

Quên đi dịch bệnh, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội

Thứ Bảy, 07/03/2020 - 06:30

Kỳ vọng từ sự hỗ trợ của Chính phủ, mức P/E của thị trường thấp và dòng vốn ETFs mới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội…

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bỏ qua viễn cảnh ảm đạm do Covid-19, mùa Đại hội cổ đông và IPO sắp tới của VN Diamond sẽ cân bằng triển vọng cho thị trường.

VDSC kỳ vọng với mức PE thị trường đang ở vùng thấp kể từ giai đoạn 2012 - 2013, có thể thu hút dòng tiền nội nhiều hơn trong những tuần cuối tháng 3. Do đó, các nhà đầu tư có thể phân bổ một phần danh mục đầu tư cho các cổ phiếu có triển vọng liên quan đến các yếu tố này vào thời điểm đó. VDSC khuyến nghị các nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.

Bên cạnh các cổ phiếu trên, VDSC còn khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi diễn biến Covid-19 để đưa ra đánh giá đối với cổ phiếu ACV, SCS, VHC.

Đánh giá thêm về thị trường, VDSC cho biết ảnh hưởng từ sự lây lan không mong đợi của Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đang làm tăng lên những lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến bán ròng tại thị trường chứng khoán và trái phiếu. Là một trong những thị trường cận biên có tính thanh khoản cao, thị trường chứng khoán Việt Nam rõ ràng cũng chịu chung áp lực bán ròng trong môi trường tâm lý thận trọng trước rủi ro.

Cho đến khi các quốc gia kiểm soát dịch ở một phạm vi nào đó, VDSC cho rằng diễn biến bán ròng của khối ngoại sẽ chưa dừng lại. Do đó, chưa nên tham gia bắt đáy ở những cổ phiếu được nắm giữ nhiều bởi khối ngoại là một ý tưởng không tồi trong giai đoạn này.

Theo dữ liệu của VDSC giai đoạn 2015 - 2018 cho thấy hơn 25% tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngành được ghi nhận trong quý IV hằng năm. Ngoại trừ nhóm dịch vụ tiêu dùng (hàng không, bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng và xuất bản) là những ngành có tỷ lệ doanh thu và lãi sau thuế cao trong quý I (trên 25%).

Dịp Tết Nguyên đán năm 2020 diễn ra trong tháng 1, trước thời điểm bùng phát Covid-19. Do vậy, VDSC cho rằng ảnh hưởng của dịch trong tháng 2 và tháng 3 sẽ quá mạnh đến kết quả kinh doanh của các ngành như hàng không, bán lẻ và du lịch. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang khiến Công ty chứng khoán này lo ngại về khả năng tổng cầu suy yếu trong các tháng tiếp theo trừ phi Chính phủ kịp thời đưa ra các gói hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát tốt lạm phát.

VDSC cho rằng việc nối lại chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào cho hoạt động của các ngành dệt may, giày dép, điện và điện tử là quan trọng trong giai đoạn này. Do phần lớn hàng hóa đầu vào của các nhóm ngành kia được cung ứng bởi Trung Quốc (trên 30%), việc quốc gia này kiểm soát được dịch bệnh (đã qua đỉnh điểm) và bắt khôi phục các hoạt động sản xuất sẽ rất quan trọng. Vì vậy, đây là vấn đề mà các nhà đầu tư cần liên tục theo dõi.

Liên quan đến diễn tiến Covid-19, trong kịch bản cơ sở, đa số kỳ vọng dịch bệnh sẽ từng bước được kiểm soát từ đầu quý II, và Trung Quốc sẽ khôi phục về mức hoạt động gần như bình thường trong cùng quý. 

Ảnh minh họa.

Riêng Việt Nam, dự kiến Chính phủ sẽ đưa ra thông báo hết dịch trong những tuần đầu tháng 3/2020 Tại Việt Nam, Chính phủ và các Bộ liên quan đã và đang đánh giá tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp và đề xuất những biện pháp hỗ trợ. Quy mô gói hỗ trợ chưa được chính thức công bố nhưng sẽ tập trung vào (1) Giảm lãi vay, giãn nợ và (2) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môi trường,…

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, nhằm tạo việc làm và kích cầu. Các chính sách tài khóa và tiền tệ nếu được áp dụng đúng cách, sự cộng hưởng của chúng sẽ phần nào bù đắp tác động tiêu cực của Covid-19 đối với kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, cho đến khi VDSC nhận thấy các dấu hiệu khôi phục hoạt động rõ ràng hơn, VDSC vẫn thận trọng đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, thực phẩm đồ uống, vận tải, dệt may, dầu khí và giáo dục.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top