Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực phụ trách với những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Quốc hội cũng cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng: Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các thành viên khác của Chính phủ tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Về lĩnh vực xây dựng, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị; thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sớm hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đô thị của 05 thành phố trực thuộc trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Nâng cao năng lực quản lý đô thị, sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các thành phố lớn, đặc biệt là tình trạng ngập úng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, chậm bàn giao hạ tầng các dự án nhà ở, khu đô thị, thiếu trường học, bệnh viện,...
Khẩn trương hoàn thiện pháp luật quản lý, điều chỉnh lĩnh vực bất động sản, nhà ở, nhất là dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, cân bằng; tăng tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đảm bảo chất lượng nhà ở tái định cư. Có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường bất động sản.
Kiểm soát chặt chẽ việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán... Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực thiếu hệ thống hạ tầng hoặc chưa được phép đầu tư...
Có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt, chất lượng, không để xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản, ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường, trục lợi bất hợp pháp.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm trong hoạt động giao dịch, huy động vốn kinh doanh bất động sản.
Sớm ban hành và thực hiện hiệu quả Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo quy định. Xác định danh mục trụ sở, cơ sở cần phải di dời, lộ trình, biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng sáng chế và áp dụng công nghệ mới trong ngành xây dựng. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng công trình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gom hàng, găm hàng, “thổi giá” vật liệu xây dựng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ
Đối với lĩnh vực thanh tra, cần khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật trong giai đoạn mới. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra, Kế hoạch thanh tra hằng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các Bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
Đề cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, khả thi, đúng pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản.
Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tăng cường kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Bộ, ngành trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ công, chức viên chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách
Đối với lĩnh vực nội vụ, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Khẩn trương tham mưu thể chế hóa, thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề lương, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học.
Đến năm 2026, giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, bảo đảm bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình, mô hình tổ chức bộ máy và từng địa bàn. Có giải pháp khắc phục tình trạng công chức, viên chức có năng lực xin nghỉ việc, thôi việc. Tập trung xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm; xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà soát cắt giảm tối đa các chứng chỉ không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm.
Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện Đề án; đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công, nhất là trong các lĩnh vực có điều kiện. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý cấp phát ngân sách nhà nước theo dự toán sang thanh toán theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng tăng cường tính công khai, thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào; xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích trong hoạt động nghề nghiệp để thay thế việc thi thăng hạng.
Năm 2023, hoàn thành Đề án chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chú trọng dựa trên kết quả công việc; sớm xây dựng bộ công cụ đánh giá bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn.