Aa

Quốc tộ

Chủ Nhật, 12/07/2020 - 07:00

Vận mệnh của đất nước như một bó, một rừng dây mây leo quấn quýt, đan cài vấn vít vào nhau, khó mà tách rời. Mỗi người dân, mỗi nhà, mỗi họ tộc… đều là những sợi dây mây cố kết nên nước Việt.

Quốc tộ: Vận nước - Đó là tên một bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận (914-990), đời tiền Lê. Bài thơ này của Thiền sư để trả lời câu hỏi của nhà vua Lê Hoàn (941-1005) khi mới lên ngôi, thù trong giặc ngoài đầy rẫy, trong lòng hoang mang lo lắng không biết mệnh trời ở đâu. Bèn hỏi Pháp Thuận vốn là bậc thiền sư uyên bác nhất nước Đại Cồ Việt khi ấy: “Vận nước thế nào?”

Nội dung bài thơ chữ Hán như sau:

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh”

Dịch ra nghĩa tiếng Việt có thể hiểu: “Vận mệnh của nước nhà vốn như dây mây leo quấn quýt vào nhau. Rút dây nọ sẽ động đến dây kia. Muốn để nước Nam ta được hưởng cảnh thái bình thịnh trị, người ngự trong cung điện (vua) chính sự phải thi hành theo lẽ vô vi của trời đất. Có được như vậy cảnh đao binh tranh giành các nơi lập tức sẽ chấm dứt”

Đây chính là bài thơ có tên tác giả đầu tiên của Việt Nam còn lưu lại. Nên có thể nói nó mở đầu cho nền văn học viết bằng chữ của nước nhà. Đã có nhiều người dịch bài thơ này ra tiếng Việt. Thế nhưng đọc lên vẫn không thấy chuyển tải được đầy đủ ý tưởng sâu xa của Thiền sư Pháp Thuận, muốn gửi đến bậc quân vương Lê Hoàn vừa lên ngôi trong cảnh nồi da nấu thịt của nhà Đinh. Để nguyên âm Hán Việt như trên, đọc bài thơ có lẽ ta cảm được những triết lý sâu xa của bậc thiền sư uyên bác gửi gắm qua câu chữ hơn nhiều…

“Quốc tộ như đằng lạc”, vận mệnh của đất nước như một bó, một rừng dây mây leo quấn quýt, đan cài vấn vít vào nhau, khó mà tách rời. Mỗi người dân, mỗi nhà, mỗi họ tộc… đều là những sợi dây mây cố kết nên nước Việt. Chặt một sợi, rút một dây ấy là cái sự động đến cả rừng cả nước chứ đâu riêng một cá nhân, một họ tộc nào. 

Mà cõi nhân sinh, trăm họ đều cũng chỉ mong mọi sự yên ổn, một đất nước thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền. Ấy là cái lý tưởng muôn đời của các nhà sĩ phu lẫn nông phu: “Nam thiên lý thái bình”, mong sao cho trời Nam được thái bình. Mà chỉ có thái bình thịnh trị thì vận nước mới dài lâu.

Nhưng cái lý lẽ để làm cho đất nước được thanh bình, mọi người được hoan ca, vua tôi trong ngoài trên dưới được hòa mục là gì? Thiền sư Pháp Thuận, vốn trong cuộc đời đã nhập thế, đã đóng vai như là một vị quân sư giúp cho Lê Hoàn trị nước đã nói ngay, nói rõ đó là cần phải có: “Vô vi cư điện các”. Trong cung điện tối cao, nhà vua thực hành “vô vi”, sẽ dẫn đến, “Xứ xứ tức đao binh”, mọi tranh giành chém giết vì lợi quyền sẽ chấm dứt. Và như thế non sông Đại Việt sẽ thanh bình, ngôi vua sẽ bền vững, vận nước sẽ dài lâu…

Vậy là, nói theo ngôn ngữ hiện đại, từ khóa của bài thơ này là “vô vi”. Mà vô vi, vốn đã là một khái niệm có từ ngàn năm trước khi câu chuyện của Thiền sư Pháp Thuận đối thoại cùng quân vương Lê Hoàn. Nguyên thủy “vô vi” là quan niệm, là triết lý sống của Lão Tử người Trung Hoa, được coi là ông tổ của Đạo giáo hay còn gọi là đạo Lão. Lão Tử chủ trương: “Vô vi phi vô bất vi”- Không làm gì mà không gì không làm! 

Có thể hiểu là Lão Tử và Đạo giáo khuyên con người ta sống thuận theo lẽ tự nhiên. Thuận thiên. Thuận theo các quy luật đã có của vũ trụ hằng sinh. Làm mọi việc theo đạo. Con người sống ở đời phải có đạo. Mà đạo ở đây chính là con đường thuận theo lẽ trời…

Sang nước Việt, trải mấy ngàn năm cho đến thời đó, tôn giáo nguyên thủy truyền vào nước ta gặp căn tính và tín ngưỡng bản địa của người Việt hình như cũng bị khúc xạ, biến dạng đi nhiều, “tam giáo đồng nguyên” “Lão - Phật - Nho” cùng thờ trong một nơi là ví dụ điển hình. Rất nhiều giáo lý kinh kệ của các bản môn đã bị Việt hóa đi, cho phù hợp với hoàn cảnh. 

Người Việt vốn rất mềm dẻo trong việc ứng dụng các lý thuyết ngoại lai vào đời sống của mình. Việt hóa nó đi. Tôn giáo cũng không là ngoại lệ. Bởi thế theo nhiều người, chữ “vô vi” của Thiền sư Pháp Thuận dùng ở đây không còn là nguyên nghĩa như của Lão Tử, mà nó thực ra đã nhuốm màu nhân sinh quan của Phật giáo nữa kia. Trong bài thi kệ nói về vận nước Đại Cồ Việt khi đó, chữ “vô vi” có thể hiểu là Thiền sư đã khuyên nhà vua trong thi hành chính sự đừng có sinh sự nhiễu nhương gì nhiều mà gây phiền mệt kinh động nhân dân. 

Thiền sư Pháp Thuận (Ảnh minh họa)

Mà hãy thi hành mọi việc theo đạo pháp, theo lẽ tự nhiên của đất trời. Hãy ban phát ân uy cho trăm họ. Hãy an cư lạc nghiệp cho muôn nhà. Hãy thương xót đến thập loại chúng sinh. Đó là kế chung hưởng thái bình, giữ vững cơ đồ, kéo dài vận nước…

Thực tế trong sự nghiệp của mình, Lê Hoàn đã tỏ ra là một bậc quân vương có chính đạo. Hơn hai mươi năm ngồi trên ngôi báu ông đã đánh Tống bình Chiêm, phát triển canh nông, mở trường học, trọng dụng nhân tài. Chiến công lừng lẫy chém tướng giặc Hầu Nhân Bảo, phá tan quân Tống trên sông Bạch Đằng của ông vĩnh viễn là một trang chói lọi trong sử Việt. 

Có thể nói đức ông Lê Đại Hành hoàng đế là một vị vua có “đạo pháp”, ông đã nghe theo lời của Thiền sư Pháp Thuận, thực hành lẽ “vô vi” trong chính sự. Vì vậy mà từ một nước Việt chia năm xẻ bảy cuối triều Đinh, trong một thời gian ngắn ông đã dựng lại được một vương quốc hùng cường, đủ sức đánh tan cường địch phương Bắc hung tàn.

Trong những ngày hè nóng bức này, đọc lại bài thơ xưa, “Quốc tộ: vận nước” của Thiền sư Pháp Thuận từ thế kỷ thứ 10, thấy nhiều điều còn nguyên giá trị. Có bậc quân vương sáng láng đứng đầu đất nước đã như là một cơ may cho dân tộc. Nhưng việc đề ra và thực hành một đường lối chính trị đúng đắn cho đất nước, cho dân tộc phát triển trường tồn vững mạnh dài lâu còn quan trọng hơn nữa. Theo người xưa, đó là thực hành lẽ “vô vi”. Còn ngày nay đó là gì?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top