Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để hướng tới mục tiêu thu hút nhà đầu tư, tạo niềm tin và sự yên tâm khi bỏ vốn vào các dự án có thời gian thu hồi vốn kéo dài, dự thảo này cần có quy định nội dung đặc thù đối với trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; pháp luật điều chỉnh hợp đồng dự án PPP, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực tư nhân
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được cơ quan soạn thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến để hoàn thiện. Theo đó, một trong những vấn đề nổi cộm mà đa số nhà đầu tư nêu ra là cần sự điều chỉnh về chính sách liên quan đến kiểm toán nhà nước, làm sao phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng hợp đồng, phát huy trí tuệ, sáng tạo của nhà đầu tư; đồng thời, cần có trách nhiệm chia sẻ rủi ro hợp lý nếu dự án bị ảnh hưởng doanh thu vì lỗi của cơ quan nhà nước.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án PPP không hoàn toàn là dự án đầu tư công cũng như không hoàn toàn là đầu tư tư nhân. Bản chất dự án PPP là dự án nhằm mục tiêu công, nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các quy định về PPP và pháp luật có liên quan.
Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước, khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ nên kiểm toán phần vốn nhà nước tham gia bởi phần vốn này chỉ chiếm 10%. Với 90% của nhà đầu tư nếu cần thì quy định nhà đầu tư phải thuê kiểm toán độc lập.
Với tinh thần làm Luật để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực tư nhân, dự thảo Luật PPP đã đề xuất cơ chế chia sẻ khi tăng, giảm doanh thu; trong đó, chỉ chia sẻ giảm thu nếu do lỗi của cơ quan nhà nước như: thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật. Nhà nước cũng chỉ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng, không phải chia sẻ hết phần giảm thu so với doanh thu trong phương án tài chính. Quy định này vừa đảm bảo tôn trọng nguyên tắc thị trường, củng cố niềm tin, sự yên tâm của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, vừa thể hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước.
Đồng tình với cơ chế này, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu giảm doanh thu do chính sách của Nhà nước thì Nhà nước phải bù đắp. Nếu do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất khả kháng, Nhà nước cũng nên chia sẻ. Còn do vận hành thì không được chia sẻ, nhà đầu tư phải tự tính toán.
Ngoài ra, ông Hải băn khoăn về nguồn lực dự phòng vốn đầu tư công trung hạn vì nguồn này phải sử dụng vào nhiều nhiệm vụ khác, nên tính ưu tiên để bố trí xử lý khi có rủi ro đối với dự án PPP không chắc chắn, khó đảm bảo.
Chia sẻ rủi ro nếu do lỗi của Nhà nước
Qua nhiều cuộc tham vấn cộng đồng nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức quốc tế về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu và hoạt động của kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm, kỳ vọng sẽ có thay đổi để tạo môi trường đầu tư PPP hấp dẫn, tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, dự thảo Luật mới xác định không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Theo đó, việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại Khoản 2 Điều 83 dự thảo Luật: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP, nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.
“Dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Về mức doanh thu bắt đầu chia sẻ rủi ro, hồ sơ dự án Luật không đề xuất giá trị này. Dự thảo Luật đang đề xuất tỷ lệ: khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, với những sửa đổi mới này, có ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo Luật quá chặt chẽ, có thể không khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Còn đối với hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về Kiểm toán nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.
Dự thảo Luật mới quy định các hoạt động kiểm toán gồm: kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Theo một chuyên gia về PPP, quy định hoạt động của Kiểm toán Nhà nước như vậy bao trùm được cả vòng đời dự án PPP, từ ngay bước lựa chọn nhà đầu tư, phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc đảm bảo dự án thực hiện minh bạch, đúng mục tiêu, hiệu quả; đồng thời phù hợp nguyên tắc thị trường, bản chất của dự án PPP.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Thời điểm này cần có Luật PPP để góp phần giúp Việt Nam đạt kết quả phát triển toàn diện hơn nữa. Một luật PPP tốt sẽ giúp nắm bắt được các cơ hội, thực hiện được dự án đầu tư hiệu quả, giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh. Luật PPP cần tổng hợp được những nội dung cần thiết để trở thành một luật tốt, được thực thi một cách hiệu quả…
Còn ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, nếu có Luật PPP rồi, khi có sự xung đột giữa các văn bản thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành và nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn. Các chính sách về thu hút đầu tư phải đồng bộ, nếu chỉ ra đời Luật PPP trong khi đó chưa điều chỉnh, giải quyết được mâu thuẫn với những luật khác thì sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam kỳ vọng, Luật PPP sớm ra đời kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá. Quy định của Luật phải cụ thể, rõ ràng mà không quy định một cách chung chung. Mối quan hệ đối tác Nhà nước - tư nhân cần được xác lập và bảo đảm thông qua thỏa thuận hợp đồng bình đẳng, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên. Luật PPP cần tạo ra cơ chế khuyến khích nhà đầu tư phát huy năng lực, trình độ khoa học công nghệ, khả năng quản lý, sáng tạo… khi thực hiện dự án.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ tiếp tục lấy thêm ý kiến đóng góp cho dự án Luật PPP. Theo tinh thần, dự án Luật cần bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong hệ thống pháp luật, có những quy định đặc thù để thu hút đầu tư. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, đảm bảo toàn diện ở mọi góc độ để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 tới đây.