Aa

Quy hoạch KKT Vân Đồn là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ Ba, 18/07/2017 - 02:01

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để thực hiện.

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập Quy hoạch theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng đồng ý UBND tỉnh Quảng Ninh được thực hiện cơ chế tự thỏa thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thanh toán với tư vấn nước ngoài về lập Quy hoạch.

Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.

Một góc huyện Vân Đồn - Quảng Ninh.

Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra đối với việc xây dựng Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là dựa trên lợi thế về vị trí, tiềm năng riêng có của Vân Đồn để xây dựng cơ chế, chính sách, bộ máy chính quyền hiện đại, gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, được phân cấp mạnh về thẩm quyền trong quản lý; thiết lập các thể chế hành chính, đầu tư, thương mại theo chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các mô hình tương tự trong khu vực và trên thế giới nhằm thu hút đầu tư, thương mại quốc tế, bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, phù hợp với cam kết quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam; các thể chế, chính sách này phải bảo đảm tính nhất quán, ổn định và lâu dài...

Trước đó, ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận “đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới, tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.

Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định”. Nắm chắc thời cơ, Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện để thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Có lẽ đến thời điểm này, chưa có đề án nào của tỉnh có sự chuẩn bị công phu, có chiều sâu như Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Đề án được chuẩn bị từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đối với Đề án; tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi.

Đến nay, dự thảo Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt đã cơ bản hoàn thiện, tỉnh đã mời Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), Công ty Tư vấn PricewaterhouseCoopers (Vietnam), Limited (PwC) tư vấn hoàn thiện chiến lược phát triển, cho ý kiến phản biện về dự thảo Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Đường băng sân bay Vân Đồn đang được thi công. Ảnh: Hùng Sơn.

Đường băng sân bay Vân Đồn đang được thi công. Ảnh: Hùng Sơn.

Bằng quyết tâm rất lớn, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Vì vậy, phải xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến.

Vân Đồn sẽ là nơi nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Dù xác định phải nổi trội, nhưng việc phát triển Vân Đồn sẽ được đặt trong quy hoạch tổng thể và mối liên kết phát triển của tỉnh Quảng Ninh với khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước, gắn với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, không xung đột lợi ích đối với các đặc khu kinh tế khác như: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà).

Theo dự thảo Đề án đã được hoàn thiện, thì tổ chức bộ máy chính quyền Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn sẽ được tổ chức một cấp hành chính, gồm có HĐND và UBND khu.

Cơ quan quản lý hành chính là UBND khu. Dưới khu có các tiểu khu trên cơ sở sắp xếp lại 12 xã, thị trấn hiện có. Cơ quan giúp việc cho UBND khu được sắp xếp, tổ chức các cơ quan tham mưu của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn của chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Các cơ quan tư pháp, nội chính và ngành dọc khác trên địa bàn Khu được nghiên cứu sắp xếp lại và được giao, phân cấp một số quyền. Các cơ chế đặc thù dành cho Khu được nghiên cứu kỹ lưỡng và thực sự là nổi trội, như: Đây là khu phi thuế quan, một số hàng hoá, dịch vụ được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, thuế thu nhập cá nhân được miễn đến 2030 và sau năm 2030 được giảm 70% số thuế phải nộp; được thiết lập thể chế tài chính, tiền tệ riêng, đa dạng hoá các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, tự do hoá luồng vốn; cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong Khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD; người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong Khu...

Ngày 14/4/2017, khi nghe tỉnh Quảng Ninh báo cáo xây dựng Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định, quyết tâm lớn của tỉnh Quảng Ninh không chỉ ở việc xây dựng Đề án để được phê duyệt mà trong suốt 5 năm qua, tỉnh đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó thu hút gần 20.000 tỷ đồng làm các công trình động lực, như sân bay, khu dịch vụ phức hợp cao cấp có casio, khu nghỉ dưỡng, trên 40.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông quan trọng kết nối đến Vân Đồn... Điều này càng củng cố sự tin tưởng những luận cứ mà Quảng Ninh đưa ra để tạo những cơ chế đặc thù, đặc biệt của đặc biệt cho Vân Đồn rất khoa học, thực tiễn và thành công./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top