Lời tòa soạn:
Ngày 22/3/2021, Hà Nội công bố các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng 2.709,75ha. Quy mô dân số theo số liệu điều tra năm 2019 khoảng 887.000 người. Đáng chú ý, theo quy hoạch, dân số tới năm 2030 và 2050 chỉ còn 672.000 người, tức sẽ giảm khoảng 215.000 dân, một con số rất lớn.
Về quan điểm bảo tồn và phát triển, Quy hoạch tuân thủ theo đúng định hướng Quy hoạch chung Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Riêng đối với khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia, khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và các công trình di tích, tôn giáo, danh thắng..., ngoài tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch đô thị và các nghị định có liên quan, việc quản lý, bảo tồn cần bám sát quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật có liên quan.
Là khu vực có giá trị về lịch sử và văn hóa nên câu chuyện bảo tồn khu vực phố cổ Hà Nội đã nhiều lần được đưa ra bàn luận và có các quyết sách trực tiếp liên quan đến việc giãn dân, bảo tồn các di tích, vùng thắng cảnh...
Tuy nhiên để hiện thực hóa được các mục tiêu này là không dễ dàng. Hơn 2 thập kỷ qua, số người dân bám trụ tại các khu phố cổ không giảm đi mà còn tăng lên, dù các khu nhà tái định cư phục vụ cho việc giãn dân đều đã sẵn sàng.
Việc giãn dân khỏi nội đô lịch sử nói chung và các khu phố cổ nói riêng có ý nghĩa như thế nào, cách thức triển khai ra sao, tính hiệu quả và khả thi đến đâu?
Để trả lời những câu hỏi này, trên tinh thần khảo sát, nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Giảm 215.000 dân ra khỏi nội đô lịch sử: Mục tiêu có khả thi?"
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Đồ án quy hoạch mới được công bố quy định kiến trúc cảnh quan, thiết kế riêng của khu vực nội đô lịch sử. Theo đó, khu phố cổ được phép cao từ 3 - 4 tầng (12 - 16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16m. Quy hoạch cũng nêu rõ, khu phố cũ được phép xây từ 4 - 6 tầng (16 - 22m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5 - 7 tầng (20 - 25m).
Tuy nhiên, cũng không phải đến bây giờ, người dân phố cổ mới biết đến việc không được phép xây dựng nhà cao quá 4 tầng. Từ năm 2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định 6398/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Bản quy chế dài tới 51 trang quy định rất rõ về chiều cao, màu sắc, mật độ xây dựng của từng khu vực trong đó có cả quy định về việc sửa chữa, xây mới.
Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, mọi nỗ lực thực thi bản quy chế này dường như chỉ mới nằm trên giấy khi có hàng loạt công trình xây dựng sai phép, vượt phép tại nhiều tuyến phố đang ồ ạt mọc lên, phá nát quy hoạch kiến trúc phố cổ Hà Nội.
Ở thời điểm hiện tại, bộ mặt phố cổ, phố cũ đã trở nên nhếch nhác, lộn xộn. "Hồn vía” của các khu phố cổ, phố nghề trước đây đã trở nên rất mờ nhạt. Hàng loạt công trình khách sạn “khủng”, có chiều cao vượt trội, sơn màu trắng sáng “nổi bần bật” đang ồ ạt mọc lên, phá nát quy hoạch của nhiều tuyến phố vốn đang được đóng khung để bảo tồn như: Khách sạn Lucky 3 Hotel tại 81 Hàng Bông, Silk Path Hotel tại 201 Hàng Bông, The Light Hotel 128-130 Hàng Bông, Hana Amazing Hotel tại 14 Ngõ Trạm, Golden Cycle Hotel tai 25-27 Ngõ Trạm...
Tại phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), câu chuyện về các công trình vượt tầng phá vỡ quy hoạch phố cổ cũng đã trở thành điểm nóng nhiều năm nay. Hàng loạt công trình vi phạm đã bị báo chí điểm tên, chỉ mặt, chính quyền thừa nhận nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả những nỗ lực xử lý vi phạm chỉ nằm trên… giấy tờ.
Các công trình “khủng” vẫn ngang nhiên tồn tại ở những vị trí đắc địa của khu phố cổ, như ở Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu… Đáng nói, các công trình sai phạm cũ chưa bị xử lý thì các sai phạm mới đã mọc lên. Nhiều con phố nay không khác gì những công trường xây dựng.
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển tại phố cổ.
Tuy nhiên, sự lem nhem của phố cổ hiện nay không chỉ do các công trình cao ngất ngưởng, băm nát quy hoạch nói trên. Dân số tại phố cổ ngày càng tăng, trong khi diện tích nhà ở, đất đai lại không thể “nở” ra. Vì nhu cầu sinh hoạt, các hộ dân không còn cách nào khác ngoài việc phải sửa chữa, cơi nới. Đây cũng là một trong những “thủ phạm” quan trọng.
Tại các con phố thuộc khu bảo tồn, tôn tạo cấp 1 của quy hoạch bảo tồn phố cổ như phố Hàng Gà, Hàng Bè, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Lò Sũ, Mã Mây, Gia Ngư…, hầu hết các căn nhà cũ đều đang bị người dân cơi nới, sửa chữa theo “muôn hình vạn trạng”. Đi dọc phố Lò Sũ, Mã Mây, không khó để nhìn thấy những căn nhà mặt phố đang “đeo ba lô” nhếch nhác; những “chuồng cọp”, “chuồng chim” bằng rào sắt, mái tôn kiên cố được dựng lên, bịt kín lối thoát hiểm của căn nhà.
Tất cả tạo nên một nếp sống ngột ngạt, khó hình dung. Những căn nhà ống xưa kia vốn là một nét kiến trúc đặc trưng, thì nay đã trở nên rất “thảm hại” trước sự chia năm xẻ bảy và cơi nới vô tội vạ.
Trao đổi với người dân tại khu vực này về việc sửa chữa, cải tạo nhà, họ đều cho rằng phải sửa chữa thì mới ở được. Tuy nhiên, việc sửa chữa, cơi nới của các hộ dân đa phần là không phép vì thủ tục hành chính về xây dựng phức tạp, phiền hà.
“Căn nhà này trông thế nhưng 20 người ở đấy. Trước có một thế hệ, giờ đến ba thế hệ cùng chung sống. Mấy chục năm, người thì ngày càng nhiều, nhưng nhà thì lại càng cũ và chật hơn. Không sửa, không cơi nới như thế này thì lấy đâu ra chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho từng ấy con người”, bà Lan, một người dân sống tại căn nhà số 60 Mã Mây chia sẻ.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại phố Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gà, Gia Ngư… Không khí ngột ngạt, bí bách buộc người dân phải nghĩ cách nới rộng không gian sống, nhưng lại “e ngại” xin phép chính quyền. Dẫn đến tình trạng kiến trúc mặt tiền phố cổ gần như đã bị phá nát, không còn nguyên vẹn. Và đây là lý giải của họ:
“Nhu cầu về chỗ ở, chỗ sinh hoạt với chúng tôi bây giờ là rất lớn nên tất yếu phải sửa chữa, xây mới. Nhưng xin giấy phép xây dựng thì cán bộ phường bảo không được, nên đa phần đều tiến hành cơi nới. Mà đã làm kiểu cơi nới thì nguyên vật liệu phải nhẹ, gọn và tính tiện dụng phải được đặt lên hàng đầu. Lúc đó làm sao có thể để ý đến mẫu kiến trúc thế nào cho đúng”.
“Diện tích nhà chỉ có thế, đã nhỏ lại còn đông người ở. Đó là chưa kể vôi vữa, vật liệu xây dựng cũng chỉ có tuổi thọ nhất định nên dẫn đến bị nứt nẻ, bong tróc. Vì thế mà chúng tôi buộc phải tiến hành sửa chữa, cơi nới. Mỗi nhà một nhu cầu, thẩm mỹ khác nhau, nên sửa chữa cũng không theo mẫu thống nhất nào".
“Do nhu cầu sinh hoạt nên buộc người dân ở đây phải sửa chữa, cơi nới nhà, nhưng đa phần đều tự ý. Khi sửa xong rồi thì chính quyền đến lập biên bản sai phạm và phạt cho tồn tại, tức là nộp tiền phạt xong thì vẫn được sử dụng mà không bị phá dỡ".
Việc sửa chữa, cơi nới một cách tùy tiện, thiếu định hướng “không theo mẫu thống nhất nào”, “không để ý đến mẫu kiến trúc nào cho đúng”, “đa phần đều tự ý” như trên đã khiến bức tranh phố cổ hiện tại không thể lộn xộn hơn.
Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nghịch lý trong bảo tồn phố cổ ở thời điểm hiện tại là một mặt, cơ quan Nhà nước đang bất lực trước sự thay hình đổi dạng của các con phố, một mặt thì người dân lại quá chủ động trong việc tự giải quyết nhu cầu cơi nới, mở rộng không gian sống.
“Về mặt quy hoạch, chúng ta chưa làm được việc ngăn chặn sự thay hình đổi dạng của phố cổ. Hiện nay, nhìn vào 36 phố phường của Hà Nội thì không còn nhận ra được những con phố cũ nữa. Có chăng chỉ giữ lại được 1 vài tuyến phố. Đó chính là thất bại đầu tiên của bảo tồn phố cổ. Thêm nữa, chúng ta chưa đưa ra một kế hoạch, một lộ trình cụ thể về mặt bảo tồn, dẫn đến việc người dân cứ tự làm theo ý mình, cơi nới hay xây nhà vượt tầng nhưng chúng ta cũng không quản lý được. Việc đập nhà cũ đi rồi xây mới hoàn toàn cũng vậy. Thậm chí, người dân có tinh thần giữ lại cái cũ nhưng lại không được định hướng, hướng dẫn sát sao là phải giữ như thế nào cho hợp lý”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Sự phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, ẩm thực cũng đã khiến cho các con phố ngày càng đông đúc và tấp nập. Nhưng đằng sau bức tranh đó, là sự mất dần hồn vía của phố cổ, là sự bất lực của những người dân đang chới với trong hành trình phát triển, đô thị hóa và cả câu chuyện bảo tồn.
Mặt khác, quá trình cải tạo và xây mới công trình liền kề một cách vô tội vạ xuất phát từ việc quản lý quy hoạch nửa vời - bảo tồn không được, phát triển cũng chẳng xong đã dẫn đến nhiều bài học đau lòng. Một trong số đó là tình trạng các căn nhà cũ, biệt thự cổ bị đổ sập.
Các biệt thự cổ cỡ 2 đến 3 tầng đều nằm trên các móng nông, sau rất nhiều năm, khả năng chịu tải của công trình có hạn, trong khi có những biệt thự hiện có cả chục hộ dân sinh sống, chỉ cần một tác động hay tháo dỡ cũng dẫn tới phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có. Và sau liên tiếp các vụ sập nhà, những người dân đang sinh sống tại phố cổ đều phải sống trong tình trạng bất an, lo lắng bởi không loại trừ khả năng, căn nhà mình đang sống cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là khi nhiều căn nhà đang rất báo động về chất lượng.
Với thực tế phát triển hiện tại, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử mới được công bố có đủ sức cứu vãn tình thế hay không? Nhất là khi, nội dung quy hoạch gần như nhắc lại bản quy chế quản lý quy hoạch phố cổ, phố cũ đã được ban hành cách đây gần chục năm?
Trao đổi với phóng viên Reatimes, nhiều người dân rất kỳ vọng vào bản quy hoạch phân khu, dù muộn nhưng vẫn hy vọng bản quy hoạch triển khai sẽ đem đến sự thay đổi cho người dân phố cổ sau 10 năm chờ đợi. Người dân mong chờ chính sách mới với các giải pháp cụ thể, hợp lý, tạo cơ hội cho người dân có cơ hội làm ăn sinh sống nếu chuyển đến nơi ở mới. Bản quy hoạch sẽ là căn cứ để triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Muộn còn hơn không, nhưng với điều kiện bản quy hoạch sẽ sớm đi vào thực tế, tránh trường hợp quy hoạch tầm nhìn 10 năm nhưng 10 năm sau mới thực hiện quy hoạch. Nhiều người dân chia sẻ, họ nghe đến quy hoạch từ lúc lập gia đình nhưng đến lúc có cháu, quy hoạch vẫn chưa triển khai, cũng như đề án giãn dân phố cổ, 2 thập kỷ qua vẫn chưa có sự chuyển đồng. Đó là thực tế rất đáng lo ngại.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, khu phố cổ Hà Nội không chỉ là đặc trưng của Hà Nội, của Việt Nam mà nó còn mang tầm thế giới. Vị thế của phố cổ đối với diện mạo, với danh hiệu Thủ đô là không thể thay thế.
Vị chuyên gia cho biết, Việt Nam đã thể chế hóa quản lý phố cổ từ năm 1993. Năm 1995, lần đầu tiên Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết khu phố cổ cùng với một số khu vực khác như Hồ Tây và trung tâm chính trị Ba Đình. Năm 1999, với sự giúp đỡ của rất nhiều cơ quan chuyên môn đến từ các nước trên thế giới, các tổ chức phi Chính phủ, đã có điều lệ quản lý khu phố cổ. Qua 10 năm thực nghiệm, đến 2013 đã có quy chế quản lý khu phố cổ Hà Nội.
“Nói như thế để thấy được, khu phố cổ đã nhận được sự quan tâm rất dài hơi. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp để bảo tồn khu phố cổ. Quy hoạch phố cổ đã đi vào cuộc sống nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ... Việc bảo tồn phố cổ không chỉ bảo tồn về mặt kiến trúc, khu phố cổ còn có giá trị về kinh tế, về văn hóa và đặc biệt là lối sống của người Thăng Long - Hà Nội cũ”, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh thêm.
Mặt khác, vị chuyên gia đặt câu hỏi, chúng ta nói rất nhiều đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ nhưng câu hỏi được đặt ra là bảo tồn cái gì trong khu phố cổ? Ông Nghiêm cho rằng, trước hết là bảo tồn hình dáng, không gian và kiến trúc cảnh quan phố cổ. Kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm trong quy hoạch phố cổ.
Thứ hai là tập trung quản lý và bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị. Cần nhận diện kiến trúc nào cần bảo tồn, những kiến trúc nào phải giảm bớt đi. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận và xem xét.
Vấn đề thứ ba là nguồn lực nào để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn hơn 200 công trình kiến trúc? Đây là ba nhiệm vụ dài hơi và quan trọng nhất trong công tác bảo tồn khu phố cổ./.