Aa

Quy hoạch sử dụng đất còn “điểm mờ”

Thứ Bảy, 23/11/2019 - 16:17

Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất cấp vùng sẽ tránh tình trạng các đơn vị hành chính cấp tỉnh xây dựng Quy hoạch sử dụng đất một cách cục bộ dẫn đến dư thừa các hạng mục đầu tư gây lãng phí.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, trong khi vấn đề quy hoạch sử dụng đất cấp vùng đang là một xu hướng phát triển thì nó lại được nhắc đến khá mờ nhạt trong hầu hết các bản quy hoạch gần đây.

Kinh nghiệm thế giới

Theo đó, tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất được phân theo các cấp: Quốc gia từ 30 - 50 năm, cấp huyện từ 20 - 30 năm. Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hằng năm.

Trước đó, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai.

Nhưng nhiệm vụ này chưa được triển khai thực hiện tốt nên một số quy hoạch chưa thống nhất và chưa bảo đảm tính tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây khó khăn cho triển khai. Việc triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với yêu cầu; kinh phí cho công tác này chưa được cấp đầy đủ, kịp thời.

Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ TN&MT có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đất đai là tài nguyên quý giá của không chỉ Việt Nam mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Do đó, Việt Nam cần học tập nhiều quốc gia phát triển khác.

Điển hình như Nhật Bản, quy hoạch tổng thể phát triển đất quốc gia ở Nhật Bản được xây dựng theo quy định của Luật tổng thể phát triển đất quốc gia (1950). Quy hoạch tổng thể phát triển đất quốc gia có 3 cấp: Cấp Quốc gia được quyết định bởi Thủ tướng; cấp vùng được quyết định bởi Thủ tướng với sự tham vấn Hội đồng phát triển quỹ đất quốc gia; cấp cơ sở được Tỉnh trưởng trình Thủ tướng xem xét quyết định sau khi có ý kiến tham vấn của Hội đồng phát triển đất quốc gia và các Bộ trưởng liên quan.

Trung Quốc: Hệ thống Quy hoạch sử dụng đất được tổ chức tương đối giống quy hoạch sử dụng đất hiện nay ở nước ta, tuy nhiên giữa cấp tỉnh và cấp huyện Trung Quốc còn xây dựng Quy hoạch sử dụng đất cấp vùng - hạt là cấp liên kết giữa cấp tỉnh và cấp huyện, định hướng quy hoạch cho các địa phương. Đặc biệt, Trung Quốc trong mỗi lần triển khai thực hiện lập Quy hoạch sử dụng đất đều có mục tiêu và chủ đích rõ ràng về việc tập trung giải quyết nội dung quy hoạch đất đai cụ thể của loại đất nào và lĩnh vực nào.

Cụm công nghiệp (CCN) Nguyên Xá, Thái Bình thành lập năm 2015 với diện tích gần 12ha đến nay vẫn chưa được triển khai gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.

Tại Việt Nam, Quy hoạch sử dụng đất các cấp đã có những đóng góp nhất định tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại. Việc phân cấp trong quản lý quy hoạch còn bất cập. Quy hoạch sử dụng đất được lập theo đơn vị hành chính không bảo đảm tính liên kết nối liền vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng và bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà mới chỉ chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất.

Một số địa phương phê duyệt kế hoạch sử dụng đất chậm so với quy định, dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch bị ảnh hưởng. Nhiều dự án xây dựng dở dang, không sử dụng.

Điển hình, hàng loạt dự án khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long khu đô thị phía Đông thành phố Hải Phòng, Khu đô thị Từ Sơn Bắc Ninh, Khu đô thị Đồng Nai, nhiều dự án ven biển của Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất cấp vùng

Với đặc điểm nền kinh tế của nước ta được chia thành 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh mà không có đơn vị hành chính cấp vùng nên các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đều từ trung ương đến thẳng địa phương. Điều này làm cho các địa phương có nhiều quyền quyết định tự chủ. Tuy nhiên, chính sự tự chủ của các tỉnh dẫn đến việc các tỉnh đều nỗ lực phát triển địa phương mình mà xem nhẹ các yếu tố bảo đảm tính liên kết và phát triển hài hòa, cân bằng trong vùng.

Xây dựng Quy hoạch sử dụng đất cấp vùng sẽ tránh tình trạng các đơn vị hành chính cấp tỉnh xây dựng Quy hoạch sử dụng đất của đơn vị mình một cách cục bộ dẫn đến sự tập trung quá nhiều một hạng mục như sân bay, cảng, khu chế xuất, khu công nghệ cao… gây lãng phí, dư thừa hoặc bố trí ở các vị trí không phù hợp, không bảo đảm tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng.

Phân vùng là công cụ mạnh và hữu hiệu cho việc phân khu chức năng sử dụng đất, tránh tình trạng trùng lặp về mục đích sử dụng đất và bao quát được phạm vi không gian; đánh giá những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến việc sử dụng đất của từng vùng lãnh thổ trong tương lai.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, theo mô hình tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm công khai, minh bạch. Các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai chuyển dần sang giao dịch điện tử.

Để quy hoạch và quản lý tốt đất đai cần có sự tham gia của nhiều bên: chính quyền, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn và cộng đồng người dân. Trong đó, chính quyền có vai trò quan trọng và phù hợp nhất để mời các bên nói trên cùng nhau bàn thảo, tham vấn, lập các đề xuất, ra quyết định và cam kết cùng thực thi quy hoạch (riêng khâu ra quyết định thì vai trò của chính quyền là lớn nhất).

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Trí - Giảng viên Luật Trường Học Viện chính trị quốc gia TP.HCM

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top