Aa

Quy mô vốn tối thiểu thực hiện dự án PPP không thấp hơn 200 tỷ đồng

Thứ Ba, 17/09/2019 - 07:53

Chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Luật PPP).

Trình bày tại phiên này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn.

Cũng theo ông Dũng, nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công. 

Do đó, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài, bền vững.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách mới. Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan, dự thảo quy định theo hướng: các nội dung thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan (đầu tư công, ngân sách Nhà nước, xây dựng...) được dẫn chiếu cụ thể; các nội dung cần sửa đổi của Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ môi trường được nêu rõ về điều, khoản, điểm cụ thể tại Điều 101 dự thảo Luật.

Ngoài ra, để đảm bảo tính đặc thù đối với dự án PPP, dự thảo Luật quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác về trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án PPP; luật áp dụng; bảo đảm đầu tư; cơ chế quản lý vốn nhà nước áp dụng trực tiếp cho dự án PPP thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Về phạm vi áp dụng trong lĩnh vực đầu tư, dự thảo được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hoặc đã triển khai ổn theo các phương thức đầu tư khác (xã hội hóa, đầu tư tư nhân; liên kết 4 nhà trong lĩnh vực nông nghiệp). Tuy nhiên, để xử lý linh hoạt trong thực tiễn, trường hợp phát sinh về lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương được đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về quy mô thực hiện dự án PPP (Khoản 2 Điều 5), dự thảo Luật đang quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP - theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh - Quản lý O&M là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PPP, khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng Luật, cụ thể việc điều chỉnh các hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam và rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định quy định những nội dung đặc thù đối với đầu tư PPP ngay tại dự thảo Luật hay sửa đổi, bổ sung các luật liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, để bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất về lĩnh vực đầu tư, Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định rõ hơn về các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP ngay tại dự án Luật, cũng như phải làm rõ nguyên tắc chỉ bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.

Liên quan đến quy mô đầu tư của dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top