3 nguyên nhân chính khiến giá bất động sản tăng cao
Chiều 7/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.
Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi đến Bộ Xây dựng liên quan đến giá nhà ở các thành phố lớn tăng cao, có dấu hiệu ảo và giải pháp của Bộ để đưa bất động sản về đúng giá trị.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến giá bất động sản tăng cao hoặc đột biến, bao gồm: Lệch pha cung cầu, cầu lớn hơn cung quá nhiều; việc thổi giá, đẩy giá cao xong bỏ cọc; chi phí đầu tư đầu vào của bất động sản tăng cao, đầu tư xây dựng và tiền sử dụng đất.
Theo ông Hùng, để kiểm soát 3 nguyên nhân chính này, về xử lý hành vi thao túng thị trường, thổi giá, đã có quy định rất rõ tại Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Cạnh tranh và đặc biệt là Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trong đó, Luật Kinh doanh bất động sản có quy định cấm hành vi thao túng thị trường, đẩy giá, thổi giá, trong đó bao gồm việc giả mạo tài liệu, có ý làm sai lệch thông tin (nhằm tăng giá trị của bất động sản không minh bạch); không công khai thông tin về bất động sản; gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản (làm nhiễu loạn thị trường); điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (Điều 9); trách nhiệm về việc cung cấp thông tin (Điều 56, Điều 62…); hoạt động môi giới bất động sản (Điều 61 - 65).
"Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã đề ra những điều khoản rõ ràng, mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát các hành vi thổi giá và lũng đoạn thị trường bất động sản", ông Hùng nói.
6 nhiệm vụ, giải pháp
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, để kịp thời chấn chỉnh hiện trạng bỏ cọc trong đấu giá quyền sử dụng đất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện, với các yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh và các cơ quan liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản về việc "phân tích cơ cấu giá thành, giá bán, nguyên nhân tăng giá bất động sản và đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá nhà ở, đất ở và ổn định thị trường bất động sản".
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị các bộ, ngành, các tỉnh thành triển khai 6 nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công điện 82 của Thủ tướng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến các dự án, chủ đầu tư, đơn vị môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
Đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất… nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường (nhằm cân bằng cung cầu tại một số thành phố lớn đặc biệt như tại Hà Nội và TP.HCM).
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố phải thường xuyên tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường bất động sản, các chương trình, kế hoạch phát triển khu đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản được phê duyệt, các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật, nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng gian lận, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý" nhằm hạn chế rủi ro về giá và pháp lý cho người mua.
Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu thuế phù hợp nhằm hạn chế tình trạng nhà, đất đã được mua, bán, nhưng bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí nguồn lực xã hội.../.