26 tác phẩm được chọn để trao giải từ hơn 2.700 tác phẩm
Lễ trao giải "Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023" được tổ chức trọng thể tối ngày 10/12 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Tham dự Lễ trao giải có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan tham gia chỉ đạo Giải: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên của đông đảo cơ quan báo chí; đặc biệt là sự có mặt của các tác giả, nhà báo đã đoạt 26 giải thưởng có ý nghĩa.
Đồng chí Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam cho biết: “Giải báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 là giải được tổ chức lần đầu tiên, mang tính bao quát, toàn diện về cả 3 mảng quan trọng hiện nay.
Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một hoạt động quan trọng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm chào mừng Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023- 2028. Đây cũng là một hoạt động cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, tạo sự lan tỏa, đồng thuận tới toàn xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước".
Theo thống kê, chỉ sau hơn 7 tháng phát động giải, đã có 2.769 tác phẩm; trong đó 1.521 tác phẩm gửi về để đăng tải trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt và 1.248 tác phẩm do hơn 100 cơ quan báo chí gửi tham dự. Ban tổ chức đã họp và chọn ra được 55 tác phẩm, bài viết tốt nhất lọt vào vòng chung khảo. Trong số này có 26 tác phẩm được trao các giải thưởng cao nhất và chuyên đề, với tổng giải thưởng 320 triệu đồng.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo - là những chuyên gia nông nghiệp, nhà báo uy tín trong lĩnh vực tam nông, các tác phẩm tham dự giải phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại, sáng tạo về phong cách trình bày. Các bài viết, tác phẩm trải dài trên nhiều thể loại, từ: Chính luận, phản ánh, phóng sự đến phản biện được đăng tải trên loại hình báo in và báo điện tử. Trong đó, các chủ đề về nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới, gương nông dân Việt Nam xuất sắc… được nhiều nhà báo, tác giả tập trung viết nhất.
Tuyến bài về du lịch nông nghiệp, nông thôn được vinh danh
Tác phẩm “Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế” nhóm tác giả gồm nhà báo Nguyễn Thị Liên (bút danh: Thảo Liên, Nguyên Hà) và nhà báo Bùi Thị Hương (bút danh: Yên Trung) đăng tải trên Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã đoạt giải khuyến khích tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023.
Theo chia sẻ của nhóm tác giả, tác phẩm đoạt giải gồm 6 bài viết được đăng tải trên chuyên mục Đối thoại của Reatimes, nội dung chính khẳng định: Sức mạnh nội sinh của Việt Nam chính là nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là “chìa khóa” vạn năng để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn, trở thành ngành kinh tế tuần hoàn mang lợi thế chiến lược của quốc gia và để kinh tế nông thôn trở thành động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cũng là giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Theo đó, thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Thông qua phỏng vấn các chuyên gia du lịch, chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia pháp lý, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, và qua nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, tuyến bài viết đã tập trung làm rõ nhu cầu, tiềm năng của du lịch nông nghiệp; các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả, sự thay đổi trong bức tranh kinh tế nông thôn và đời sống nông dân tại các địa phương đang phát triển du lịch nông thôn; những hạn chế và rào cản khiến cho bức tranh du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vẫn còn tình trạng tự phát, nhỏ lẻ; sự cần thiết của việc xây dựng đầy đủ hệ thống quy định pháp lý thúc đẩy, hình thành phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp một cách chính danh, từ đó thu hút đầu tư có chất lượng, bài bản vào lĩnh vực này.
Tuyến bài sau khi đăng tải đã có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy, hành động, hướng tới hiện thực hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Nhà báo Thảo Liên chia sẻ, nhóm tác giả rất vui mừng, xúc động và tự hào khi tác phẩm “Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế” được ghi nhận tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhà báo Thảo Liên đánh giá, "tam nông" là lĩnh vực rộng lớn, có nhiều dư địa để các nhà báo phát huy năng lực của ngòi bút và trên thực tế, các tác phẩm báo chí viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa các thông điệp nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân, gia tăng sinh kế, hướng tới sự chuyên nghiệp, văn minh hơn; đồng thời thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, tích hợp đa giá trị, khơi dậy tiềm năng của nguồn lực đất đai, khí hậu..., qua đó, nâng tầm diện mạo nông thôn Việt Nam, ngày một hiện đại hơn.
"Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là đề tài rất hấp dẫn nhưng không dễ viết, đòi hỏi các tác giả phải kiên trì, nỗ lực và dành nhiều tâm huyết. Việc có một giải báo chí lớn, chuyên nghiệp và uy tín về nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ tạo ra động lực và khuyến khích các cây bút tích cực dấn thân và sáng tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng cao, khơi gợi và đưa ra lời giải cho các vấn đề bao trùm từ thực tiễn đến chính sách, lan tỏa những mô hình hiệu quả, những gương điển hình... mà còn nhấn mạnh, đề cao vai trò, tầm quan trọng của thông tin báo chí, truyền thông về một lĩnh vực mang sức mạnh nội sinh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia", nhà báo Thảo Liên khẳng định.
Đánh giá về công tác tổ chức giải, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì chỉ đạo tổ chức giải đã tạo ra sân chơi bổ ích, chuyên nghiệp không chỉ cho các nhà báo và còn giành có tất cả những người quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu không có giải báo chí này thì rất khó để có những bài viết được tôn vinh, rất khó có những tác giả được trân trọng, đề cao trong một lĩnh vực cũng rất quan trọng, sinh động, rộng lớn nhưng cũng rất khó khăn, vất vả".
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
Giải thưởng Cuộc thi gồm có: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba, Khuyến khích và các giải thưởng phụ với cơ cấu cụ thể, gồm:
+ 01 Giải Nhất trị giá: 50.000.000 đồng
+ 02 Giải Nhì trị giá: 30.000.000 đồng, mỗi giải
+ 03 Giải Ba trị giá: 20.000.000 đồng, mỗi giải
+ 10 Giải Khuyến khích trị giá: 10.000.000 đồng, mỗi giải.
+ 10 Giải chuyên đề, trị giá: 5.000.000 đồng, mỗi giải