Hiện nay ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tình trạng mua bán bất động sản tại các dự án có dấu hiệu sai luật.
Chủ đầu tư "lật kèo"
Chị Lê Thùy Trang (ngụ TP. Nha Trang) cho biết gia đình ở thị xã Ninh Hòa vào Nha Trang mua căn hộ tại dự án "Tòa nhà hỗn hợp trung tâm thương mại - nhà ở Quang Minh" của Công ty CP Tập đoàn Vật tư nông nghiệp K-Homes (gọi tắt dự án K-Homes) với giá 15 triệu đồng/m2 (khoảng hơn 816 triệu đồng/căn) vào tháng 4-2018.
Thời điểm đó, dự án chưa được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai nên chỉ có thể mua bằng hình thức "thỏa thuận ký quỹ" thông qua sàn giao dịch Nha Trang Real. Cuối tháng 11 vừa qua, chị tá hỏa khi chủ đầu tư thông báo tăng giá bán căn hộ lên 20-22 triệu đồng/m2 tương đương gần 1,15 tỷ đồng.
Ông Võ Minh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Nha Trang Real (Nha Trang Real) - đơn vị phát triển dự án K-Homes, cho biết công ty cũng bị "vạ lây" vì hàng trăm khách hàng kéo đến sàn yêu cầu đứng ra giải quyết. Từ tháng 4-2018, chính chủ đầu tư đã gửi văn bản yêu cầu Nha Trang Real bán căn hộ theo hình thức "thỏa thuận ký quỹ" với giá khoảng 15 triệu đồng/m2 từ tầng 3 đến tầng 19 với gần 200 căn hộ.
"Chúng tôi là đơn vị phát triển dự án cũng bức xúc vì chủ đầu tư "lật kèo" làm mất uy tín công ty chúng tôi. Khi ký thỏa thuận cũng chính chủ đầu tư đứng ra ký với khách hàng. Phải đấu tranh với chủ đầu tư không để tạo tiền lệ xấu cho thị trường. Không thể ký thỏa thuận một đằng rồi khi đầy đủ thủ tục thì muốn bán sao thì bán" - ông Khoa bức xúc.
Trong thông báo điều chỉnh giá bán căn hộ của mình, chủ đầu tư cho biết do tình hình thực tế thi công cũng như cân đối chi phí phát sinh nên điều chỉnh giá bán để phù hợp với chất lượng thi công. Chúng tôi đã liên lạc với chủ đầu tư dự án K-Homes nhưng đại diện công ty chỉ cho biết đang làm việc lại với sàn giao dịch và người mua để giải quyết sự việc.
Ở một vụ việc khác, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết sau gần 1 năm truy nã, đơn vị tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan báo chí hỗ trợ việc đăng tải thông tin truy nã ông Nguyễn Việt Hùng (SN 1974, ngụ TP HCM), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Nhân II, chủ đầu tư dự án khu biệt thự Ocean View Nha Trang, vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua các giao dịch bất động sản thuộc dự án.
Dự án này có diện tích 7,2ha ở phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) dù chưa được phép mua bán nhưng ông Hùng đã bán các lô đất, huy động vốn với hình thức "hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở" với bên mua là những khách hàng ở TP HCM, Hà Nội, Khánh Hòa… Khi khách hàng phát hiện cùng 1 lô đất, ông Hùng ký hợp đồng góp vốn với nhiều người và còn đem cầm cố tại ngân hàng nên đã đồng loạt tố cáo.
Lộn xộn, khó kiểm soát
Hiện nay, tại TP. Nha Trang có rất nhiều dự án đang triển khai chưa đủ điều kiện mua bán đang theo hình thức "hợp đồng góp vốn". Thiệt hại luôn rơi về phía các khách hàng, như trường hợp ông P.V.Q (ngụ TP. Nha Trang) ký hợp đồng góp vốn mua hơn 100 m2 tại dự án khu dân cư cồn Tân Lập (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) với giá 3,4 tỷ đồng từ tháng 10-2014, đến nay sau 4 năm, dự án này còn chưa xây móng. "Tôi rất bức xúc vì số tiền lớn bỏ ra mà không biết khi nào đất mới là của mình. Rủi chủ đầu tư ôm tiền bỏ trốn thì không biết kêu ai" - ông Q. bày tỏ.
Tương tự, bà Nguyễn Thúy Vy (ngụ TP. Nha Trang) cho biết: "Tôi mua căn hộ tại dự án D.F thông qua một sàn giao dịch bất động sản với giá gần 2 tỷ đồng/căn. Đến nay gần cả năm vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán mà chỉ có "hợp đồng đặt chỗ căn hộ" ký trước đó. Tôi đề nghị giải thích nhưng chủ đầu tư giải quyết không thỏa đáng cũng không trả lại tiền. Bây giờ cũng chỉ biết chờ".
Ông Trần Nam Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận việc các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mua bán đang huy động vốn theo các hình thức góp vốn, ký quỹ diễn ra lộn xộn, rất khó quản lý. Sở đang yêu cầu các chủ đầu tư dự án bất động sản có báo cáo về việc mua bán. Dự kiến tuần sau sẽ có báo cáo tổng hợp tham mưu UBND tỉnh, Bộ Xây dựng để có hướng chỉ đạo.
Cũng theo ông Bình, sở đang có kế hoạch cho thanh tra, kiểm tra các chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm để xem xét, theo mức độ sẽ hướng dẫn, điều chỉnh hoặc xử phạt. "Chúng tôi đã có nhiều văn bản khuyến cáo người dân tìm hiểu thông tin cũng như yêu cầu các sàn giao dịch bất động sản chỉ nhận bán các dự án đủ điều kiện giao dịch. Nhiều dự án sở cũng yêu cầu chủ đầu tư phải giải chấp ngân hàng trước khi bán cho khách", ông Bình cho biết.
72 hồ sơ dự án thế chấp ngân hàng Đề phòng người dân mua phải các lô đất đã bị chủ đầu tư cầm cố ngân hàng, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết thường xuyên cập nhật các dự án đang thế chấp để người dân được biết. Đến cuối tháng 11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có đến 72 hồ sơ dự án đang thế chấp với hàng trăm lô đất. Khách hàng có thể vào website của sở để truy cập, tìm hiểu để tránh những tranh chấp, thiệt hại đáng tiếc. |