Vùng Kinh Bắc hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa. Gọi là chùa làng. Dân trong làng thì hay nói với nhau là, chùa nhà.
Theo như sử sách chép lại, Phật giáo được truyền vào nước ta khoảng hơn hai nghìn năm nay. Nơi Phật giáo đến đầu tiên chính là chùa Dâu, bên cạnh ngôi thành cổ Luy Lâu. Ngày ấy thành Luy Lâu bên dòng sông Dâu là lỵ sở của Giao Chỉ (tên cũ của nước ta khi bị phương Bắc đô hộ), trên bến dưới thuyền tấp nập lắm. Thuyền buôn từ mãi bên Ấn Độ sang có cả các nhà sư đi cùng để làm lễ và truyền đạo, thế là đạo Phật cắm rễ đất này đầu tiên, rồi từ đây truyền đi các nơi. Có lẽ vì thế mà dân vùng này theo đạo Phật nhiều. Theo Thiên Chúa giáo cũng có nhưng ít và cũng mãi sau này chứ hàng ngàn năm trước dân Kinh Bắc hầu như chỉ theo đạo Phật.
Khắp vùng Kinh Bắc nay còn lại nhiều ngôi chùa lâu đời nổi tiếng: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, chùa Tiêu, chùa Bổ, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Dạm, chùa Nôm... Khách thập phương đến vãn cảnh và lễ bái nhiều. Thế nhưng người trong vùng ít khi đến những chùa đó. Bởi thường thì họ đi lễ ngay chùa làng.
Dân gian có câu, “Bụt chùa nhà không thiêng”.
Dân vùng này thì lại hay truyền: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Nghe cũng có lý. Bởi giáo lý nhà Phật luôn dạy người ta ăn ở hiền lành đức độ, tu nhân tích đức để phúc cho con cháu, nhân nào quả ấy, từ bi hỉ xả... Vậy ngay trong gia đình cứ sống thiện lành yêu thương nhau đã là một sự tu tập mộ đạo lớn lao. Ra chợ đời buôn bán làm ăn hẳn hoi tử tế, lấy chữ tín làm đầu, ấy lại là một sự tu nữa. Còn như lên chùa tu nhiều khi chỉ là trốn việc đời. Chả thế mà người ta có câu: “Trốn việc quan đi ở chùa”!
Chùa làng thường nho nhỏ be bé, vài gian nhà gỗ ẩn mình dưới tán cây cổ thụ cuối làng. Làng nào giàu có thì làm bằng gỗ tốt, chạm trổ đẹp, lợp ngói mũi hài... Làng nào nghèo, dân làng cũng cố bảo nhau đóng góp xây ngôi chùa cho cao ráo sáng sủa chút, lấy chỗ cho các bà vãi già tối tối tụng kinh niệm Phật.
Các tay đàn ông vùng này hầu như ít khi lên chùa. Họ thường ngấm ngầm coi việc lên chùa thắp hương thờ Phật là của các bà lớn tuổi, khi đã “sạch sẽ”, không còn tơ vương gì mùi trần sẽ ra hầu Phật! Còn đàn ông, thường chỉ ra đình bàn việc làng việc nước. Vả lại ra đình thì hai kỳ sóc vọng, hay có rượu thịt để các ông chén với nhau, chứ chùa có gì? Xôi chuối oản quả vốn không phải là món cánh đàn ông hâm mộ.
Chùa ai cũng nghĩ, đương nhiên phải có tượng Phật. Tượng Đức ngài Thích Ca Mâu Ni ở tam thế: hiện tại - quá khứ - tương lai. Phật pháp bao trùm vũ trụ! Và một bức khi ngài vừa sinh đã tay chỉ trời, tay chỉ đất mà phán: “Duy ngã độc tôn”! Ngoài ra còn một số tượng của các ngài khác mà kẻ này cũng không dám chắc ngài nào vào với ngài nào. Thế nhưng ở chùa Dâu thì nổi tiếng nhất lại là tượng bà Pháp Vân cùng cái khán đựng “phật thạch quang” trứ danh của bà. Chùa Bút Tháp thì có tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Chùa Dạm lại nổi tiếng ở cái cột đá ngoài trời tạc hình cái linga khổng lồ đẹp tuyệt. Bạn nào có dịp nên qua chùa Dạm ngắm, có khi còn "phê" hơn đi xem hình tượng trên đảo tình yêu bên Hàn Quốc!
Thế nhưng lại có ngôi chùa không có tượng Phật! Mà cũng tuyệt chả có bức tượng thờ một ngài nào khác nữa kia. Chỉ có ban thờ đơn sơ và cái bát hương. Ngôi chùa này ở xã Liên Chung bên bờ sông Thương. Dân tình vẫn thờ cúng quanh năm. Chùa vẫn thiêng. Nhân dân vẫn thiện lành đức độ. Thì đã có câu, “Phật tại tâm” mà lại!
Chùa Cống Phường (xã Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) không có tượng Phật. Ảnh: Internet
Thế mà dịp gần đây, nước mình từ Nam chí Bắc chả biết tiền đâu ra mà xây những ngôi chùa khổng lồ, toàn rộng hàng trăm, hàng ngàn héc-ta. Nhất thế giới! Tôi đã đến một vài ngôi chùa như thế. Chả thấy gì, chả cảm nhận được gì ngoài cái cảm giác choáng ngợp bởi cái sự tiền của vô biên đổ vào nơi đây. Thế nhưng tôi vẫn tự hỏi, trong dòng người nườm nượp ra vào sì sụp cúng lễ và hân hoan cung tiến kia, có ai cảm thấy mình đã đến gần được với những ấm áp tình thương của đức Phật không? Tôi thì chả thấy gì. Lạnh lẽo. Chỉ mỗi khi bước chân vào những ngôi chùa làng, nhỏ bé khiêm nhường nơi làng quê tôi, tôi mới thấy ấm áp. Lúc ấy tôi hay nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh:
“Có đi lễ khắp chùa xa
Thì ta mới biết chùa nhà rất thiêng.”
Chùa nhà, là chùa làng mình đấy!