Thị trường mở cửa trong tâm lý bi quan khi chứng khoán thế giới ghi nhận thêm 1 phiên giảm điểm. Các chỉ số chứng khoán thế giới vẫn theo xu hướng tiêu cực. Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm. Sự lo lắng của nhà đầu tư không chỉ thể hiện trên điểm số mà còn ở thanh khoản của thị trường.
Trong khi giá dầu thế giới bứt phá mạnh nhờ các yếu tố như nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh và nguồn cung tại Libya, Canada bị gián đoạn, giá dầu WTI giao tháng 7 tăng 3,2% lên 72,76 USD/thùng, có lúc giá WTI chạm 73,06 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 28/11/2014, giá dầu Brent tăng 1,42% lên 77,22 USD/thùng. Tuy nhiên nhóm dầu khí vẫn giao dịch không mấy tích cực. GAS giảm 1% còn 87.300 đồng/cổ phiếu, PVD và PVS cũng giảm lần lượt 1,5% và 1,7%.
Nhóm ngân hàng vẫn chịu áp lực bán mạnh khi BID giảm 3,4% xuống 25.900 đồng/cổ phiếu, HDB giảm 4,4% còn 34.600 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 2,8% và TCB giảm 1,5%. Đây là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Ngoài ra, những mã vốn hóa lớn khác cũng chìm trong sắc đỏ như VNM giảm 2,9% xuống 170.000 đồng/cổ phiếu; VJC, MSN giảm trên 2,5%; HPG, SAB giảm trên 1,5%… thậm chí PNJ còn ở trạng thái dư bán sàn.
Nhóm bất động sản – xây dựng nổi bật nhất có LDG và VGC đều đóng cửa dư bán sàn, đây cũng là ngày đầu tiên đăng ký bán hơn 80,5 triệu cổ phiếu VGC của Bộ Xây dựng nhằm thoái vốn nhà nước.
Ở chiều ngược lại một số cổ phiếu lớn như VIC, NVL, ROS… là trụ đỡ hiếm hoi của thị trường trong phiên hôm qua. VIC tăng 3,9% lên 107.500 đồng/cổ phiếu. ROS bất ngờ đảo chiều tăng 0,3% lên 43.100 đồng/cổ phiếu. NVL cũng tăng 0,2% lên 50.700 đồng/cổ phiếu. Hôm qua cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 21% bằng cổ phiếu của VIC.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Vn-index giảm 11,56 điểm (1,19%) về mức 957,35 điểm; Hnx-index giảm 2,6 điểm (2,38%) xuống còn 107,06 điểm và Upcom-Index giảm 0,31 điểm xuống 51,65 điểm. Thanh khoản của thị trường đã có sự cải thiện so với phiên trước đó khi tổng khối lượng giao dịch đạt 220 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Trong đó có gần 1.300 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.
Như vậy, thanh khoản của Vn-index vẫn ở mức thấp với 130,32 triệu cổ phiếu được giao dịch trên sàn, đạt 3.178 tỷ đồng. Số mã đỏ vẫn chiếm ưu thế với 206 mã đỏ/85 mã xanh.
Điểm tích cực cho thị trường là khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 30 tỷ đồng trên toàn thị trường, chủ yếu tập trung vào YEG, DXG, BMP, PVS, ACV…
Đáng chú ý, dù thị trường vẫn đang có những diễn biến rất xấu nhưng BBT có phiên tăng trần thứ 13 liên tiếp lên 15.600 đồng/cổ phiếu, YEG cũng tăng lên 343.000 đồng/cổ phiếu sau 3 phiên từ mức giá chào sàn 250.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào báo cáo tài chính thì sẽ có nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi tại sao cổ phiếu YEG lại có mức giá cao như thế?
Trước diễn biến này công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam đề xuất nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường. Công ty cổ phần chứng khoán BSC cũng nhận định cần thêm thời gian và động lực rõ ràng hơn để dòng tiền quay trở lại. Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần theo dõi thêm và không sử dụng margin trong danh mục.