Aa

Sập bẫy đa cấp bất động sản: Lòng tham biến nạn nhân thành tội đồ

Thứ Bảy, 28/09/2019 - 06:30

Với miếng mồi là lời hứa lãi suất béo bở, Alibaba hay nhiều công ty “ma” khác đã làm loá mắt khách hàng, đánh vào "tử huyệt" lòng tham khiến không ít người từ nạn nhân trở thành tội đồ, tiếp tay cho những thương vụ ảo

ALIBABA VÀ  MÔ HÌNH LỪA ĐẢO ĐA CẤP BẤT ĐỘNG SẢN

6.700 khách hàng bị lừa với số tiền lên tới 2.500 tỷ đồng là những kết quả điều tra sơ bộ ban đầu trong vụ án Công ty Alibaba. Tính đến ngày 24/09, hơn 900 người đã gửi đơn tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo với số tiền lên tới 500 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thái Luyện đã cùng em trai thành lập Công ty Alibaba. Với quy mô 2.600 nhân viên, Alibaba đã thu mua 600ha đất nông nghiệp. Và chỉ với 600ha đất đó, Alibaba cùng đội ngũ nhân sự vẽ ra 43 dự án ma, tập trung tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận. Điều đáng nói, có dự án ma được Công ty Alibaba rao bán tới 4 lần. Những dự án mà Công ty Alibaba vẽ ra đều không nằm trong quy hoạch, không có cơ sở pháp lý. Nhưng diệu kỳ lượng khách hàng tham gia vào mạng lưới này lên tới con số hàng nghìn.

Vụ việc của Alibaba khiến người ta nhớ tới vụ lừa đảo bằng mô hình đa cấp bất động sản “đình đám” của thế giới. Vào một ngày tháng 4/2019, môi giới bất động sản Woodbridge cho giới ngôi sao và nghệ sĩ nổi tiếng ở Los Angeles (bang California, Mỹ) bị bắt vì lừa đảo 1,3 tỷ USD. Cũng như vụ việc của Công ty Alibaba, con số nạn nhân rơi vào bẫy đa cấp không phải ở mức vài chục, mà có đến ít nhất 2.600 người.

Chiêu thức của Woodbridge được nhận định là thủ thuật lừa đảo dựa trên mô hình Ponzi: Huy động tiền từ nhà đầu tư bất động sản thông qua dự án “ma”.

Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Người vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, người vay sẽ có nhiều những khoản tiền lớn hơn.

“Vì sao mô hình Ponzi lại thu hút nhiều người lao vào như con thiêu thân như vậy? Lý do đơn giản: Lợi nhuận. Động lực tham gia Ponzi nói tóm gọn lại trong hai chữ: Lòng tham và cơ hội”, đây là những nhận định mà tác giả Mark J. Perry - Surendranath R. Jory đưa ra khi bàn về mô hình Ponzi này.

Quay trở lại với vụ án Alibaba, bằng mô hình Ponzi, với sự nâng cấp chiêu thức lừa đảo, những người đứng đầu công ty địa ốc này đã vẽ ra mộng tưởng với lợi nhuận khủng. “Thành công” của Alibaba đó là con số người rơi vào bẫy và khoản tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn.

LÒNG THAM + THIẾU HIỂU BIẾT = NẠN NHÂN CỦA LỪA ĐẢO

Cà phê cuối tuần xin giới thiệu những chia sẻ của luật sư Nguyễn Đăng Thái, luật sư điều hành Công ty luật TNHH BLACKSTONE.

PV: Vụ việc Alibaba vẫn khiến dư luận xôn xao bởi số người và của kéo vào “ma trận” lừa đảo lên tới hàng nghìn. Theo luật sư, điều gì khiến Công ty Alibaba có thể lừa tới 6.700 khách hàng với 2.500 tỷ đồng trong thời gian hơn 3 năm như vậy?

LS. Nguyễn Đăng Thái: Với kinh nghiệm hành nghề của mình, đồng thời cũng là người có quan tâm, tìm hiểu về mô hình kinh doanh đa cấp, tôi nhận thấy mô hình kinh doanh của Alibaba không thực sự mới, nhưng là sự vận dụng khéo léo những mánh khóe cũ, có thể kể đến như:

Thứ nhất, đánh vào sự thiếu hiểu biết của người dân: Những sản phẩm của Alibaba đều rất mập mờ, thiếu căn cứ pháp lý nghiêm trọng nhưng nhiều người vẫn tham gia mua sản phẩm. Theo nhận định chủ quan của tôi, có lẽ hầu hết những người tham gia vào dự án của Alibaba không có học thức cao.

Thứ hai, đánh vào lòng tham của người tham gia: Việc hứa hẹn, cam kết lợi nhuận hấp dẫn là một chiêu bài hiệu quả để dụ dỗ khách hàng. Tất nhiên, việc tin tưởng vào mức lợi nhuận hấp dẫn cũng do sự thiếu hiểu biết của khách hàng bởi một người có tư duy, kiến thức tài chính, kinh tế cơ bản sẽ thấy lợi nhuận của Alibaba đưa ra là không tưởng.

Thứ ba, biến khách hàng thành nhân viên, ràng buộc lợi ích kinh tế: Sau khi giao kết hợp đồng với Alibaba, khách hàng có thể sẽ bình tĩnh hơn để suy xét và nhận thấy mình đã tham gia một giao dịch bất lợi. Lúc này, khách hàng có một số lựa chọn: (a) từ bỏ hợp đồng, chấp nhận thiệt hại hoặc (b) bán lại hợp đồng, lôi kéo khách hàng mới cho Alibaba để thu lại tiền và lợi nhuận.

Về mặt tâm lý thông thường, dễ hiểu vì sao họ lại lựa chọn phương án (b) nêu trên. Đây cũng là lý do Alibaba có tới 2.600 nhân viên, và hầu hết nhân viên này cũng chính là khách hàng đã mua đất nền của Alibaba.

Ngoài những chiêu trò của Alibaba, không thể không xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi hành vi phân lô bán nền trái pháp luật của Alibaba diễn ra một cách công khai nhưng lại không bị xử lý quyết liệt ngay từ ban đầu.

PV: Theo thông tin báo chí từng đăng tải, một dự án ma của Alibaba có tới 4 lần bán lại. Và điều ngạc nhiên ở điểm, nhiều người biết lừa những vẫn lao vào vì tham lãi suất cao. Ông nghĩ sao về điều này?

LS. Nguyễn Đăng Thái: Như tôi đã phân tích ở trên, một trong các biện pháp Alibaba sử dụng là đánh vào lòng tham của người dân.

Lòng tham, tùy từng góc nhìn có thể là xấu hoặc tốt, nhưng lòng tham cũng là một bản năng cố hữu của con người, vì vậy khó có thể đổ hết tội lỗi cho nó.

Có chăng, chúng ta cần “tham lam” một cách nhân văn hơn, thông minh hơn. Điều thúc đẩy con người đi tới trước là lòng tham. Điều dẫn dắt con người là kiến thức, là nhân văn. Nhiều người vẫn tham gia vào Alibaba vì lãi suất cao bất thường, có thể vì họ thiếu kiến thức nên không hiểu tiền đó đến từ đâu, có thể vì họ thiếu nhân văn vì biết sẽ lừa được người khác bỏ tiền vào làm giàu cho mình.

Tôi xin làm rõ, tôi không quy chụp cho ai ở đây, tôi cũng tin rằng phần lớn mọi người tham gia vì thiếu hiểu biết. Đối với những trường hợp nhận thức được hành vi kinh doanh của Alibaba là lừa đảo nhưng vẫn tham gia và lôi kéo người khác tham gia hoàn toàn có thể bị coi là đồng phạm và phải bị xử lý nghiêm khắc.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đây là mô hình kinh doanh đa cấp bất động sản có biến tấu. Thưa luật sư, so với mô hình kinh doanh đa cấp thông thường thì điểm khác biệt của mô hình này trong lĩnh vực bất động sản là gì?

LS. Nguyễn Đăng Thái: Nếu so sánh với các mô hình kinh doanh đa cấp trước Alibaba, chúng ta có thể thấy một số điểm khác biệt như sau:

Thứ nhất là về đặc tính của hàng hóa.

Hàng hóa trong các mô hình kinh doanh đa cấp trước đây hầu hết là động sản (đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…) hoặc đôi khi là tài sản “ảo” (gian hàng trên mạng internet).

Những hàng hóa này thường có giá trị không quá lớn (so với “hàng hóa” của Alibaba. Nhưng nếu so với tài sản tương đương thì giá hàng hóa trong mô hình đa cấp thường cao gấp nhiều lần).

Đối với Alibaba, hàng hóa ở đây là “quyền sử dụng đất” – bất động sản nên có giá trị cao hơn rất nhiều so với những hàng hóa thông thường nêu trên.

Thứ hai là về tính hợp pháp của hàng hóa.

Những hàng hóa trong mô hình đa cấp trước đây hầu hết đều hợp pháp, được sản xuất và đưa ra lưu thông phù hợp quy định của pháp luật.

Riêng đối với Alibaba, việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vẽ dự án ma trên đất là hành vi trái pháp luật. Những diện tích đất này cũng không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Alibaba, do đó hàng hóa mà doanh nghiệp địa ốc này rao bán là bất hợp pháp.

Theo tôi được biết, đây là lần đầu tiên bất động sản được sử dụng như một hàng hóa trong mô hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam. Việc bất động sản khó trở thành hàng hóa kinh doanh đa cấp là do tính hạn chế về số lượng, giá trị cao và yêu cầu pháp lý khắt khe.

Để biến bất động sản thành hàng hóa kinh doanh đa cấp, Alibaba đã bất chấp quy định của pháp luật, sẵn sàng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp.

PV: Thưa luật sư, với vụ việc Alibaba thì những khách hàng có quyền khởi kiện được không? Và nếu có thì những hỗ trợ mà họ nhận được sẽ là gì?

LS. Nguyễn Đăng Thái: Trước hết, giao dịch giữa khách hàng với Alibaba là một giao dịch dân sự, do đó, khách hàng có thể khởi kiện Alibaba tại tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc khởi kiện trên thực tế lại là việc khác, khách hàng cần có các tài liệu, chứng cứ hợp lệ chứng minh giao dịch giữa khách hàng và Alibaba. Tôi chưa được tiếp cận hồ sơ mua bán giữa Alibaba và khách hàng nên khó có thể trả lời cụ thể. Tôi sẽ ví dụ như sau:

(i) Khách hàng ký hợp đồng/ có chứng từ giao dịch với người có thẩm quyền của Alibaba (hợp đồng, chứng từ giao dich được ký, đóng dấu đầy đủ của Alibaba) thì khách hàng có thể khởi kiện trực tiếp doanh nghiệp này.

(ii) Khách hàng ký hợp đồng/ có chứng từ giao dịch với công ty con của Alibaba thì khách hàng có thể khởi kiện công ty con và có thể (nhưng rất khó xảy ra) khởi kiện Alibaba nếu công ty này có cam kết liên đới chịu trách nhiệm.

(iii) Khách hàng ký hợp đồng với cá nhân không rõ nhiệm vụ, quyền hạn; khách hàng có chứng từ giao dịch không hợp lệ: trường hợp này chỉ có thể khởi kiện cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng, hoặc không thể khởi kiện do không có tài liệu hợp lệ.

Ngoài việc khởi kiện dân sự, khách hàng cũng có thể liên hệ với cơ quan điều tra đề nghị giải quyết tranh chấp dân sự trong tố tụng hình sự. Đây có thể là điểm lợi đối với những khách hàng không nắm rõ quy định pháp lý hoặc không có các chứng từ, tài liệu hợp lệ bởi họ sẽ được tư vấn, hỗ trợ bởi cơ quan điều tra.

Tôi đánh giá rằng khả năng thắng kiện (đòi lại tiền) của khách hàng tương đối cao. Nhưng số tiền thực nhận là một quan ngại do phần lớn số tiền thu được, Alibaba đã thanh toán cho những người bán lại đất và chi trả cho chi phí hoạt động của mình. Khách hàng sẽ chỉ được nhận những gì còn lại của Alibaba và khả năng tài chính của anh em Nguyễn Thái Luyện (nếu anh em Luyện bị tòa án tuyên có tội và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại).

PV: Có ý kiến cho rằng, không chỉ có một Alibaba của anh em Nguyễn Thái Luyện mà có nhiều vụ Alibaba khác trong việc vẽ dự án ma, bán đất nền. Ông suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

LS. Nguyễn Đăng Thái: Thực tế việc vẽ dự án ma, bán đất nền như tôi đã đề cập từ đầu là không có gì mới. Alibaba chỉ khác ở chỗ chính họ tổ chức việc mua đi, bán lại và cam kết lợi nhuận đối với các giao dịch này.

Việc những hành vi sai phạm như trên diễn ra phổ biến, tôi phải thẳng thắn rằng lỗi nằm nhiều ở cơ quan quản lý nhà nước bởi những vụ việc này được thực hiện rất công khai, dấu hiệu vi phạm rất rõ ràng nhưng theo một cách nào đó, cơ quan chức năng rất dửng dưng trong vấn đề xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, không ít dự án ma sau một thời gian sai phạm, cơ quan chức năng lại khắc phục bằng cách hợp pháp hóa nó, dẫn tới sự coi thường pháp luật của cả kẻ bán lẫn người mua.

Tôi hy vọng đồng thời với vụ Alibaba, các cơ quan có thẩm quyền sẽ rà soát, xử lý triệt để những dự án ma, bán đất nền trái pháp luật khác.

Chúng ta đã nói quá nhiều về sự thiếu hiểu biết, sự tham lam của người dân khi bị dụ dỗ vào những dự án lừa đảo. Tuy nhiên, chúng ta không thể không nhắc tới sự thiếu trách nhiệm của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và đâu đó, có thể lòng tham của chính họ là thứ khiến cho người dân dễ bị "sập bẫy" .

- Cảm ơn chia sẻ của luật sư?


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top