Điều kiện IPO theo phương thức dựng sổ
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ.
Theo đó, việc bán cổ phần theo phương thức dựng sổ là hình thức bán cổ phần của doanh nghiệp công khai cho các đối tượng có sự cạnh tranh về giá trên cơ sở tham khảo nhu cầu của thị trường.
Tổ chức bảo lãnh phát hành theo phương thức dựng sổ là một hoặc một nhóm các công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Sở Giao dịch Chứng khoán là tổ chức quản lý sổ lệnh, thực hiện việc cung cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ để quản lý sổ lệnh khi thực hiện bán cổ phần theo phương thức dựng sổ.
Đại lý dựng sổ là các công ty chứng khoán tham gia vào việc tổ chức bán cổ phần theo phương thức dựng sổ.
Phương án bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ là một phần trong phương án cổ phần hóa, trong đó khoảng giá dựng sổ được xây dựng nhằm phản ánh nhu cầu thị trường về cổ phần được chào bán; đồng thời là cơ sở để xác định giá mở sổ, khoảng giá dựng sổ tối đa không quá hai mươi phần trăm (20%) tính từ giá khởi điểm.
Điều kiện để thực hiện dựng sổ, tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu được xác định như sau:
Trường hợp áp dụng nguyên tắc ưu tiên xác định giá phân phối theo nhà đầu tư công chúng: tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu (tỷ lệ %) bằng khối lượng cổ phần đặt mua của nhà đầu tư công chúng trên tổng khối lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư công chúng; số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu là số lượng nhà đầu tư công chúng tham gia đặt lệnh mua.
Nếu áp dụng nguyên tắc ưu tiên xác định giá phân phối theo nhà đầu tư chiến lược: tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu (tỷ lệ %) bằng khối lượng cổ phần đặt mua của nhà đầu tư chiến lược trên tổng khối lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược; số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu là số lượng nhà đầu tư chiến lược tham gia đặt lệnh mua. Số lượng nhà đầu tư chiến lược tối thiểu đặt lệnh mua trong trường hợp này không được ít hơn hai (02) nhà đầu tư.
Tỷ lệ khối lượng đặt mua cổ phần tối thiểu và số lượng nhà đầu tư đặt mua cổ phần tối thiểu phải được xác định rõ trong phương án bán cổ phần.
Bên cạnh đó, tổ chức quản lý sổ lệnh phải mở sổ lệnh cho từng đối tượng là nhà đầu tư công chúng và nhà đầu tư chiến lược. Sổ lệnh bao gồm các nội dung như: mã số nhà đầu tư, số lượng cổ phần đặt mua, giá đặt mua, thời gian đặt mua. Thông tin chung về sổ lệnh phải có nội dung khối lượng cổ phần đặt mua theo từng mức giá.
Thời gian mở sổ lệnh: 05 phiên giao dịch liên tiếp. Thời gian mỗi phiên từ 9h30 – 11h30 hàng ngày.
Từ 9h00 – 9h30 trước mỗi phiên giao dịch, Tổ chức quản lý sổ lệnh có trách nhiệm công bố thông tin về kết quả đặt mua.
Doanh nghiệp và nhà đầu tư được “mặc cả” giá mua bán
Ðây là văn bản được nhiều thành viên trên thị trường chờ đợi, bởi nó tạo ra một phương thức bán mới, cho phép cung - cầu vốn lớn gặp nhau. Hiện cả nước có 53 doanh nghiệp nhà nước chưa được cổ phần hóa và hàng trăm doanh nghiệp cần thoái vốn nhà nước.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phương thức dựng sổ được áp dụng phổ biến tại nhiều thị trường chứng khoán như Mỹ, Anh, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ…, với trên 70% hoạt động IPO sử dụng phương thức này.
Ðây là một quá trình, trong đó tổ chức bảo lãnh phát hành chính phối hợp với tổ chức phát hành tạo lập tiếp nhận và ghi lại nhu cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm xác định mức giá hiệu quả khi chào bán.
Phương thức này cho phép phía bên bán (doanh nghiệp) và bên mua (nhà đầu tư) cùng ở thế chủ động trong việc tìm hiểu nhau và trả giá. Các tổ chức tài chính chuyên nghiệp sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc xác định giá cổ phiếu và điều này khuyến khích họ tham gia đầu tư với mục tiêu dài hạn. Ðây là điểm các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu khi trên thị trường vốn, đại đa số nhà đầu tư vẫn là các cá nhân, mua nhanh, bán nhanh.
Tại Việt Nam, phương thức dựng sổ được Chính phủ đưa vào Nghị định 126/2017/NÐ-CP. Bên cạnh ưu điểm thì thách thức lớn nhất của phương thức này là làm sao để cuộc bán vốn diễn ra công khai, minh bạch, đảm bảo cạnh tranh về giá?
Trước vấn đề này, Thông tư số 21/2019/TT-BTC đã đưa ra nhiều quy định, trong đó, đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp phải mời tối thiểu 30 nhà đầu tư tổ chức tham gia buổi giới thiệu chào bán cổ phần.
Cùng với đó, thông tin về phương án bán phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (3 số báo liên tiếp của một tờ báo phát hành toàn quốc và một tờ báo địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính) và công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Các thông báo của doanh nghiệp phải thực hiện cả bằng tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và không bỏ lỡ cơ hội tham gia cuộc đấu giá…
Thông tư số 21/2019/TT-BTC có hiệu lực từ tháng 3/6/2019.