VCB bất ngờ bị khối ngoại bán mạnh
Trong tuần trước, trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 410 tỷ đồng (gấp 4 lần so với phiên trước đó), tương ứng khối lượng bán ròng đạt hơn 28 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng mạnh mã VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, đạt hơn 214 tỷ đồng. Đây là điều làm nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi trước đó, một số CTCK cho rằng VCB sẽ được mua vào mạnh trong đợt cơ cấu danh mục lần này của hai quỹ ETF.
Được biết, ngày 29/9 tới đây (VCB) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2016 bằng tiền với tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 800 đồng. Thời gian thanh toán vào 16/10/2017. Như vậy VietcomBank sẽ chi khoảng 2.878 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông. Với quyết định chia cổ tức bằng tiền này, Ngân hàng Nhà nước, đơn vị sở hữu 77,11% vốn điều lệ của VietcomBank, sắp sửa nhận về hơn 2.000 tỷ đồng cổ tức từ VietcomBank.
Sắt thép, xi măng "được mùa" xuất khẩu
Năm 2017, ngành xi măng đặt mục tiêu xuất khẩu 17 triệu tấn, nhưng mới qua 8 tháng đầu năm nay đã đạt trên 12 triệu tấn.
Bangladesh và Philippines vẫn là 2 thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam, trong đó, thị trường Bangladesh dẫn đầu với sản lượng xuất khẩu đạt 4,9 triệu tấn, trị giá 144 triệu USD. Thị trường Philippines đứng thứ 2, với 3,15 triệu tấn, trị giá 141 triệu USD; Đài Loan đạt 661 triệu tấn, với kim ngạch 19,5 triệu USD…
Kim ngạch xuất khẩu sắt thép trong 8 tháng qua mang về lượng ngoại tệ tới 1,835 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 43% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Sang tên sổ đỏ cũng bị đánh thuế: “Có chăng chỉ dễ cho cơ quan thuế và Nhà nước”
Dự thảo Luật của Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế GTGT để chuyển sang chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách Nhà nước đang gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cũng như giới nghiên cứu về luật.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng, nếu điều luật này được thông qua và đi vào thực tế, thì khi chuyển quyền sử dụng đất thì phải nộp 10% thuế GTGT và 2% thuế TNCN là mức trách nhiệm quá lớn đè nặng đến những người chưa có nhà, người có thu nhập thấp.
Đừng “chôn tiền” vào đất nền vì không biết những điều này
Thời gian vừa qua, tình trạng đất nền sốt ảo đã kéo theo nhiều dự án còn mập mờ pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn bán ra cho người mua, khiến nhiều người bị thiệt hại nặng. Để tránh rủi ro, người mua cần thận trọng hơn khi giao dịch đất nền.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi toạ đàm “Thị trường bất động sản Đồng Nai: Nhận diện cơ hội và rủi ro” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh sáng 14/9.
Theo đó, để đề những phòng rủi ro trong giao dịch nhà đất, luật sư Lâm Đăng Phúc, Phó giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho biết, khi mua bán nhà đất thông qua giấy viết tay, nếu chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) là sai luật. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt hại hết khi xảy ra tranh chấp.
Đình chỉ hoạt động tầng hầm của tòa chung cư CT11 Kim Văn Kim Lũ
Theo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PC&CC) thành phố Hà Nội, công trình chung cư CT11 tại Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư đã vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng. Nghiêm trọng nhất khi chủ đầu tư đã đưa công trình vào hoạt động, vi phạm quy định tại điều 17 Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Trước hàng loạt vi phạm trên, Cảnh sát PC&CC Thành phố đã tham mưu UBND TP.Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3742/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 đối với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên về hành vi vi phạm “đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” theo quy định tại khoản 6 điều 36, Nghị định 167/2013/NĐ-CP với số tiền 80.000.000 đồng.