Aa

SCB và con đường phía trước

Thứ Tư, 04/10/2017 - 07:02

Tăng vốn thêm bao nhiêu mới khiến SCB chấp nhận xử lý nợ xấu tiềm ẩn?

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 170,5 triệu cổ phiếu với giá bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) để tăng vốn thêm 1.705 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng.

16.000 tỷ là mức vốn điều lệ SCB phải đạt được trong lộ trình tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo lộ trình trên, đến năm 2019, SCB phải hoàn tất nâng vốn điều lệ lên 18.000 tỷ đồng.

“Đến khi nào SCB mới hết giai đoạn tái cơ cấu?”, câu hỏi của một vị cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên SCB diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, cũng là tâm tư của hầu hết các cổ đông nhỏ lẻ.

Từ khi hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB cuối năm 2011 đến nay, cổ đông SCB chưa nhận được đồng cổ tức nào. Nguyên nhân, theo lý giải của ban lãnh đạo SCB, là ngân hàng phải giữ lại lợi nhuận để thực hiện tái cơ cấu.

SCB sắp tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ, hoàn thành một phần lộ trình tăng vốn theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2.

SCB sắp tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ, hoàn thành một phần lộ trình tăng vốn theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2.

Chí ít từ nay đến năm 2019, khi SCB chưa hoàn thành đề án tái cơ cấu giai đoạn 2, nhiều khả năng cổ đông SCB sẽ tiếp tục không nhận được cổ tức.

Thực tế, nhìn vào tình hình tài chính của SCB, việc chia cổ tức cho cổ đông là điều hết sức khó khăn. Sau gần 6 năm hợp nhất và thực hiện tái cơ cấu, SCB vẫn còn đó các khoản phải thu và lãi dự thu khổng lồ.

Số liệu từ báo cáo tài chính nửa đầu năm 2017 cho thấy, đến hết 30/6/2017, các khoản phải thu của SCB lên đến 19.861 tỷ đồng, trong khi lãi dự thu lên đến 38.057 tỷ đồng.

Nếu đánh giá lại đúng quy định các khoản phải thu trên, đồng thời thực hiện thoái lãi dự thu, SCB khó mà gồng gánh được kết quả kinh doanh có lãi như những năm qua. Một khi kết quả kinh doanh tiêu cực, niềm tin bị ảnh hưởng, SCB sẽ “khó chồng thêm thêm khó”.

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực từ 15/8 là cơ hội cho những ngân hàng có nợ xấu thực tế cao như SCB, thế nhưng cũng đặt ngân hàng này vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tổng các khoản phải thu và lãi dự thu lên đến gần 60.000 tỷ cho thấy lượng lớn nợ xấu của SCB vẫn còn ở dạng tiềm ẩn, đồng nghĩa chưa được trích lập dự phòng đúng quy định.

Nếu SCB bắt tay xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn này, nghĩa là ngân hàng buộc phải ghi nhận tổn thất khi hoàn tất xử lý nợ xấu (vì đa phần nợ xấu sẽ không thu hồi được 100% vốn ban đầu), điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận ngân hàng, niềm tin của người gửi tiền theo đó cũng ảnh hưởng.

Đây có thể coi là tác động kép, một mặt làm tổn thương vốn chủ sở hữu (do lợi nhuận bị ảnh hưởng tiêu cực), mặt khác có thể gây mất an toàn hoạt động (cả về thanh khoản và nguồn vốn kinh doanh) nếu thực sự tâm lý người gửi tiền bị ảnh hưởng.

Ngân hàng càng có hệ số an toàn vốn thực tế thấp, khả năng chống đỡ với các rủi ro này càng mỏng manh.

Với SCB, tăng vốn ngân hàng để cải thiện an toàn vốn là phương án duy nhất để hạn chế tác động từ việc xử lý các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Trước mắt, nếu tăng vốn thành công lên 16.000 tỷ và 18.000 tỷ vào năm 2019, SCB đã có thể bắt tay vào xử lý một phần nợ xấu tiềm ẩn, vấn đề là ngân hàng này có đủ “dũng khí” để chấp nhận các tổn thương từ việc xử lý nợ xấu tiềm ẩn hay không.

Tuy nhiên, với lượng phải thu và lãi dự thu khổng lồ hiện có, việc tăng vốn thêm vài nghìn tỷ dù có thành công thì vẫn khó lòng trị dứt điểm tình trạng nợ xấu của SCB, nếu xét cả nợ xấu tại VAMC thì càng khó.

Bán trên 50% vốn cho đối tác ngoại, như chia sẻ của Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, là phương án triệt để nhất, nhưng không hề dễ dàng, đặc biệt là rào cản về giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top