Aa

Số liệu kinh tế tháng 5: Xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo!

Thứ Sáu, 08/06/2018 - 06:01

Bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 5 tăng 10,4% và 5 tháng tăng 10,1% (theo năm). Nếu loại trừ lạm phát, tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng tăng 8,3%, mức thấp nhất 12 tháng. Nguyên nhân ngành bán lẻ giảm tốc một phần đến từ hoạt động du lịch.

Nông nghiệp, thủy sản khởi sắc nhờ lúa gạo và cá tra

Hưởng lợi từ diễn biến thời tiết và thị trường xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp tiếp tục có tăng trưởng khả quan trong tháng 5. Năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước tính đạt 68.9 tạ/ha, tăng 6.3 tạ/ha so với vụ đông xuân 2017, trong đó Kiên Giang tăng cao nhất, 10.5 tạ/ha, tiếp đến là Đồng Tháp 9.9 tạ/ha, Long An 5.3 tạ/ha. Năng suất tăng đã giúp sản lượng lúa đông xuân của Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10.8 triệu tấn, tăng 954 nghìn tấn (9.7%) trong khi diện tích lúa giảm nhẹ do xâm nhập mặn vùng cuối nguồn.

Xuất khẩu gạo tháng 5 đạt 600 nghìn tấn và 460 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu gạo 5 tháng lên 2.8 triệu tấn và 1.56 tỷ USD, tăng 20% theo năm về lượng và 51% theo năm về giá trị. Giá gạo xuất khẩu của Việt nam cuối tháng 5 với loại 5% tấm đã tăng lên 460-465 USD/tấn, mức cao nhất 4 năm một phần nhờ nhu cầu nhập khẩu tăng và một phần nhờ chất lượng gạo xuất khẩu đã cải thiện sau một thời gian chuyển đổi giống lúa. Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu gạo nhưng giá trị xuất khẩu giảm nhẹ, bù lại, một thị trường lâu nay không nhập khẩu là Indonesia lại mở cửa mua gạo.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt nam sang Indonesia 4 tháng tăng vọt, gấp 333 lần so với cùng kỳ (từ 0.5 triệu USD lên 180 triệu USD). Một số thị trường khác cũng có mức tăng cao là Iraq tăng 16 lần, Malaysia 3 lần, Gana 42%. Gần đây Việt nam tiếp tục trúng thầu 300 nghìn tấn gạo cho Indonesia, 130 nghìn tấn cho Philippines và 50 nghìn tấn gạo chất lượng cao cho Hàn Quốc, hứa hẹn một kết quả khả quan của sản xuất lúa gạo trong quý 2.

Tương tự như lúa gạo, thị trường xuất khẩu ổn định đã giúp thúc đẩy ngành thủy sản, cụ thể là nuôi trồng, chế biến tôm và cá. Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm lên 3.1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 4 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (60%), Trung Quốc (27%), Anh (27%), Đức (26%) và Hàn Quốc (21%).

Giá cá tra duy trì ở mức cao (giữa tháng 5 đạt mức kỷ lục 32-33.000đ/kg) đã kích thích nguồn cung. Sản lượng cá tra tháng 5 ước tính 104 nghìn tấn, tăng 11,6% theo năm, cao nhất nhiều năm (cùng kỳ 2017 chỉ tăng 3.8%). Khu vực có sản lượng tăng cao là An Giang, +33%, Cần Thơ, +10%. Trung Quốc vẫn là thị trường chính của cá tra Việt nam, chiếm ~30% tổng giá trị xuất khẩu.

Nuôi tôm nước lợ thuận lợi về thời tiết nên sản lượng tôm sú tháng 5 ước tính đạt 23 nghìn tấn, tăng 7% theo năm, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 32 nghìn tấn, tăng 16.4%. Tuy nhiên giá tôm lại đang giảm liên tục. Vào cuối tháng 5 giá tôm thẻ chân trắng đã giảm 20%-30% so với đầu năm và hiện ở mức thấp nhất 2 năm.

Nguyên nhân của giá tôm giảm được cho là do cung tăng và áp lực cạnh tranh từ tôm Ấn độ, Thái lan. Sang quý 3, khi lượng thả nuôi và nguồn cung của Ấn độ, Thái lan giảm trong khi nhu cầu tôm ở các thị trường chính vẫn ổn định, giá tôm có thể tăng trở lại, tạo tăng trưởng tốt hơn cho ngành tôm.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp chậm lại do điện tử, điện thoại

Chỉ số công nghiệp tháng 5 tăng 7.1%, là tháng 5 có tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây. Tuy vậy, nhờ các tháng đầu năm có tăng trưởng cao nên tính chung 5 tháng, tăng trưởng công nghiệp vẫn đạt +9.7%, là 5 tháng có mức tăng cao nhất nhiều năm.

Sỡ dĩ chỉ số công nghiệp tăng chậm lại là do ngành điện tử chỉ tăng +2.2%. Cùng kỳ 2017 là mùa cao điểm sản xuất Samsung Galaxy S8 trong khi năm nay Galaxy S9 đã ra mắt sớm hơn và tạo ra tăng trưởng rất cao trong quý 1. Xuất khẩu Điện thoại trong tháng 5 đạt 3.4 tỷ USD, giảm 17.6% theo năm trong khi xuất khẩu điện thoại của quý 1 tăng 62.3% theo năm. Cộng gộp 2 tháng 4 và 5, tổng xuất khẩu điện thoại là 6.8 tỷ USD, giảm 19% YoY. Do nền cao của cùng kỳ, tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu điện thoại trong quý 2/2018 sẽ thấp, từ đó kéo giảm tăng trưởng GDP.

Xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy vi tính đạt tăng trưởng khả quan hơn, 20.1% theo năm trong tháng 5 và 4.2% trong 5 tháng. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều mức tăng của 5 tháng 2017 là 48.8%. Số lượng tivi sản xuất trong tháng 5 là 925 nghìn chiếc, giảm 1.7% theo năm, kéo giảm tăng trưởng từ đầu năm xuống 12.7% (cùng kỳ tăng 42.8%).

Chính sách thuế mới của Donald Trump rất có thể đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp điện tử trong đó chủ lực là Samsung và LG, buộc các hãng này phải mở nhà máy tại Mỹ, đồng nghĩa giảm quy mô sản xuất tại Việt nam. Đây là rủi ro mới phát sinh cần theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ khiến GDP của Việt nam khó giữ được đà tăng như 4 quý vừa qua.

Bù lại cho ngành điện tử, điện thoại tăng chậm lại, một số ngành khác thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo có tăng trưởng khả quan trong tháng 5 như dệt may, kim loại, xe có động cơ và dược liệu. Chỉ số công nghiệp dệt và may mặc tháng 5 tăng lần lượt 12.6% theo năm và 17% theo năm, kéo tăng trưởng của 5 tháng lên 12.1% theo năm và 10.8% theo năm (cùng kỳ tăng 10.5% và 9.1%). Sản lượng vải dệt từ sợi tổng hợp 5 tháng tăng mạnh 25% theo năm trong khi cùng kỳ chỉ tăng 3.9%.

Chỉ số công nghiệp ngành sản xuất kim loại tháng 5 tăng 22.2% và 5 tháng tăng 17.4%, dù thấp hơn so với mức tăng 36.2% của 5 tháng 2017 nhưng vẫn là một con số tích cực bởi năm 2017 có sự đóng góp mới của dự án Formosa làm sản lượng sắt thép tăng đột biến.

Trong các sản phẩm kim loại, sản lượng sắt thép thô tăng ấn tượng nhất, 39.7% theo năm, cao hơn cùng kỳ là 29.7% theo năm. Tiếp đến là thép thanh, thép góc tăng 15.1% (cùng kỳ tăng 5.3%). Ngược lại, thép cán chỉ tăng 3.1% trong khi 5 tháng 2017 tăng tới 27.7%.

Tính chung, sản lượng thép thô, thép thanh và thép góc đạt 8.6 triệu tấn, gần gấp 4 lần sản lượng thép cán là 2.2 triệu tấn. Xuất khẩu sắt thép trong tháng 5 vẫn giữ được mức cao, 357 triệu USD, tăng 46% theo năm. Tổng xuất khẩu sắt thép 5 tháng đạt 1.7 tỷ USD, tăng 58.4% theo năm. Với việc Trung Quốc giảm sản lượng thép vì lý do môi trường và Mỹ áp thuế cao với thép có nguồn gốc Trung Quốc, ngành thép Việt nam có cơ hội để giành thêm thị phần và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng tới.

Chỉ số sản xuất xe có động cơ cải thiện rõ rệt trong tháng 5 với mức tăng 13.7% theo năm, cao nhất 15 tháng. Sự cải thiện này có thể xuất phát từ nền thấp của năm 2017 khi thị trường ô tô trầm lắng chờ đợi giảm thuế vào 1/1/2018. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô, tổng lượng xe lắp ráp trong nước 4 tháng đầu năm đạt 67.9 nghìn chiếc, tăng 4.7% theo năm (cùng kỳ giảm 1.8%).

Sự “nhúc nhích” này của sản xuất xe trong nước đối lập hoàn toàn sự sụt giảm mạnh của xe nhập khẩu, từ 24.4 nghìn chiếc xuống chỉ còn 12.7 nghìn chiếc. Mặc dù thuế nhập khẩu xe 9 chỗ ngồi từ các nước ASEAN đã giảm về 0%, các rào cản kỹ thuật mới được quy định trong Nghị định 116/2017 đã khiến việc nhập khẩu ô tô về Việt nam chậm hơn so với kỳ vọng, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước.

Cùng câu chuyện sản xuất trong nước gia tăng trong khi nhập khẩu giảm là nhóm ngành dược. Chỉ số công nghiệp sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tháng 5 tăng 19.5% theo năm và 5 tháng tăng 9.5% trong khi cùng kỳ giảm 0.6% và tăng 3.1%. Nhập khẩu dược phẩm vào Việt nam 5 tháng giảm 3% xuống 1.04 tỷ USD. Sự ấm lên của sản xuất dược phẩm có thể xuất phát từ sự tham gia tích cực hơn của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các dự án FDI mới và M&A các doanh nghiệp dược nội địa.

Ngành khai khoáng không có cải thiện dù giá dầu tăng lên mức cao nhất 2.5 năm. Tổng sản lượng dầu thô khai thác tháng 5 là 1.02 triệu tần, xấp xỉ bằng trung bình năm và giảm 13% theo năm. Sản lượng khí và than cũng giảm 9.1% và 0.5%. Như vậy, việc tăng huy động khai thác khí đốt để sản xuất điện năng không thể kéo dài bởi chi phí cao, nhất là khi mùa mưa đã đến.

Do cả 3 nguồn khai khoáng là dầu, khí và than đá cùng có xu hướng giảm, chỉ số công nghiệp khai khoáng tháng 5 giảm 7.6%, trong đó dầu thô và khí giảm 11.2%, xấp xỉ bằng mức giảm của cùng kỳ 2017 là 11%. Khai khoáng sẽ là ngành kéo giảm tăng trưởng GDP trong quý 2, đảo ngược vị thế nâng đỡ GDP của ngành trong quý 1.

Lĩnh vực dịch vụ cũng có tín hiệu giảm tốc

Bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 5 tăng 10.4% theo năm và 5 tháng tăng 10.1% theo năm, nếu loại trừ lạm phát, tổng bán lẻ hàng hóa dịch vụ 5 tháng tăng 8.3%, mức thấp nhất 12 tháng. Nguyên nhân ngành bán lẻ giảm tốc một phần đến từ hoạt động du lịch. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 tăng 8.9%, thấp nhất 15 tháng và mảng du lịch lữ hành tăng 23%, thấp nhất từ đầu năm.

Lượng khách quốc tế đến Việt nam trong tháng 5 đạt 1.16 triệu lượt, tăng 19.4% theo năm (cùng kỳ tăng 26.8%). So với tháng 5/2017, tăng trưởng khách từ các thị trường lớn đều thấp, điển hình như Nga, giảm 12.7% trong khi cùng kỳ tăng 22.9%. Tính chung 5 tháng, lượng khách quốc tế đạt 6.7 triệu lượt khách, tăng 27.6% (cùng kỳ tăng 29.6%). Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng khách đến Việt nam đều có xu hướng giảm, rõ nhất là Trung Quốc.

Tổng lượng khách Trung Quốc đến Việt nam 5 tháng đầu năm là 2.1 triệu lượt khách, bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt nam và tăng 37% theo năm, mức tăng thấp nhất nhiều năm (ngoại trừ giai đoạn tết nguyên đán). Khách Hàn Quốc dù có tăng trưởng cao, 62% nhưng đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Rất có thể khi với làn sóng FDI từ Hàn Quốc hạ nhiệt, tăng trưởng khách Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới. Điều này đặt ra sự cần thiết phải phát triển nhanh các đường bay mới gắn liền với các địa điểm và sản phẩm du lịch phù hợp để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở các thị trường nhiều tiềm năng này.

Chỉ số lao động công nghiệp trong ngành chế biến chế tạo tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng cũng có thể là một nguyên nhân khiến sức tiêu dùng yếu đi. Chỉ số lao động ngành công nghiệp Điện tử, động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm, giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm, 5.4% (cùng kỳ tăng 16.8%). Trong báo cáo tháng 3 chúng tôi đã đưa ra cảnh báo về rủi ro sụt giảm sức cầu tiêu dùng xuất phát từ chỉ số lao động và đến tháng 5 các tín hiệu này đã thể hiện rõ nét.

Ngành dịch vụ có tín hiệu tích cực có thể nói đến là vận tải. 5 tháng đầu năm, vận tải hành khách tăng 11.2% tính theo giá trị luân chuyển. Trong đó vận tải hàng không tăng cao nhất, 12.8%. Vận tải hàng hóa cũng tiếp tục xu hướng cải thiện, tăng 6.4%, trong đó đáng nói nhất là vận tải đường biển, tăng 4.1%, dù thấp hơn tăng trưởng chung nhưng vẫn cải thiện đáng kể so với cùng kỳ (2.6%).

Tựu chung lại, các số liệu kinh tế tháng 5 đang đưa ra một số tín hiệu cảnh báo về tăng trưởng trong quý 2 cũng như thời gian còn lại của năm 2018. Nổi lên rõ nhất rủi ro từ những cuộc chiến thương mại. Chính sách bảo hộ đang có tác động ngày một rõ đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử trong khi đây lại là nhóm tạo động lực tăng trưởng chính cho Việt nam. Hệ quả có thể nhận thấy là sự sụt giảm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của khối FDI, kéo theo tăng trưởng việc làm và sức cầu tiêu dùng chung.

Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là những điểm sáng trong quý 2, tạo ra hy vọng về những hướng đi mới giúp cân bằng các động lực tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của một vài ngành công nghiệp trong nước là kết quả của chính sách bảo hộ hoặc may mắn hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn. Các doanh nghiệp Việt nam vì vậy cần phải tận dụng nhanh thời cơ để chiếm thị phần trước khi luật chơi lại thay đổi.

Sau quý 1 khởi đầu thuận lợi, lực cản cho tăng trưởng kinh tế Việt nam đã xuất hiện nhiều hơn khiến tăng trưởng của quý 2 giảm tốc và có thể xuống dưới 7%. Bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh trong khi sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và đầu tư trong nước chưa theo kịp có thể làm nhỡ nhịp tăng trưởng trong một vài quý. Điều này càng cho thấy nhu cầu cấp bách phải phát triển nhanh “đàn sếu lớn”, những doanh nghiệp nội địa mạnh, sức cạnh tranh cao để làm hạt nhân, từ đó tạo được thế tăng trưởng cao và bền vững hơn cho kinh tế Việt nam trong dài hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top