Aa

Sớm ban hành chính sách thuế để ngăn "vấn nạn" đầu cơ, đẩy giá bất động sản

Thứ Năm, 22/08/2024 - 10:17

Trước thực trạng đầu cơ gia tăng tại các cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đề xuất cần mở lại dự án Luật Thuế bất động sản để ngăn chặn dòng tiền đầu cơ tiếp tục đổ vào đất, tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Đất đấu giá tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang trở thành "điểm nóng" trên thị trường bất động sản khi liên tiếp các cuộc đấu giá đất thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia và mức giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, thậm chí được đánh giá cao hơn giá trị thực tại khu vực.

Mới đây nhất, huyện Hoài Đức đã tổ chức phiên đấu giá 19 thửa đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên thu hút khoảng 500 nhà đầu tư và hơn 700 bộ hồ sơ đăng ký. Sau 19 giờ đấu giá khốc liệt, với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, phiên đấu giá kết thúc với mức giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm; giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2, tăng 12,5 lần giá khởi điểm. Theo số liệu thống kê tại phiên đấu giá, tổng số tiền huyện thu được lần này đạt gần 190 tỷ đồng, chênh hơn 11 lần so với giá khởi điểm.

Trước đó, tại Thanh Oai cũng đã diễn ra buổi đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao với giá trúng đấu giá cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m2. So với mức giá khởi điểm 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, mức giá trúng cao gấp 5 - 8 lần.

Đáng chú ý, khu vực xung quanh các lô đất đấu giá này chưa có chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng. Sau cuộc đấu giá, mặt bằng giá mới có dấu hiệu được thiết lập khi nhiều môi giới và nhà đầu tư lấy mức giá trúng đấu giá để làm căn cứ tăng giá rao bán bất động sản khu vực lân cận. Bên cạnh đó, tại các cuộc đấu giá, khoảng 70% người tham gia là nhà đầu tư từ nơi khác đến, các chuyên gia nhận định đó là những dấu hiệu rõ ràng của tình trạng đầu cơ và thiếu các công cụ quản lý hiệu quả. Tình trạng này có thể làm cho giá bất động sản Hà Nội tăng "ảo" và tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Trước những biến động phức tạp về tình trạng giá đất tăng chóng mặt trong các phiên đấu giá gần đây, các chuyên gia cho rằng, việc khởi động Dự án Luật Thuế bất động sản đang trở thành một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững.

Sớm ban hành chính sách thuế để ngăn "vấn nạn" đầu cơ, đẩy giá bất động sản- Ảnh 1.

Phiên đấu giá 19 thửa đất tại Hoài Đức thu hút hàng trăm người tham gia. (Ảnh: Thảo Bùi)

Nghị quyết 18-NQ/TW ban hành năm 2022 đã đưa ra những đổi mới về công cụ thuế bất động sản với các nội dung chủ yếu như: Xây dựng chính sách thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với Việt Nam với lộ trình hợp lý; đánh thuế cao với người nhiều nhà, đất, đầu cơ, bỏ hoang đất; ưu đãi thuế đối với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người có công, địa phương bảo vệ rừng...

Tại một tọa đàm gần đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, cần thể chế hóa nội dung này của Nghị quyết 18 để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả hơn. Theo ông Hiếu, Luật Đất đai không giải quyết được toàn diện vấn đề giá trị sử dụng đất. Nếu chỉ bỏ khung giá đất, thực hiện cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường của Luật Đất đai, thì giá đất có khả năng chỉ tăng chứ không giảm. Do đó, cần có những biện pháp để có thể siết lại. "Nếu Chính phủ không sớm khởi động lại việc nghiên cứu, xây dựng chính sách về thuế này thì không thể xử lý toàn diện các vấn đề về thị trường đất đai, thị trường bất động sản", ĐBQH Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định, việc triển khai Luật Thuế bất động sản là cần thiết để kiểm soát tình trạng giá đất bị thổi phồng một cách không hợp lý. Điều này không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế - xã hội, cần nhanh chóng triển khai để Luật sớm đi vào thực tiễn. Lý giải thêm, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, việc giá đất tăng đột biến không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn đe dọa đến sự ổn định của thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến bong bóng bất động sản.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, cần thiết có một công cụ pháp lý cụ thể như Luật Thuế bất động sản để tạo ra sự công bằng và minh bạch trong việc đấu giá và sử dụng đất. "Làn sóng "giá ảo" không chỉ làm rối loạn thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thiếu một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh các hoạt động đấu giá đất là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này", ông Đính nói.

Về Luật Thuế bất động sản, việc xây dựng chính sách đã được đề xuất và bàn luận nhiều lần. Theo văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Bộ Tài chính cho biết, hiện vẫn đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật thuế bất động sản (trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống), đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.

Bộ Tài chính khẳng định, việc đề xuất xây dựng chính sách thuế bất động sản sẽ được nghiên cứu đánh giá kỹ khi dự án Luật được đưa vào chương trình và sẽ được gửi xin ý kiến rộng rãi các Bộ ngành, địa phương theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về tiến độ, Bộ Tài chính dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Tuy nhiên, các đề xuất vẫn chỉ dừng lại ở dự kiến./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top