Chính sách tín dụng cho BĐS sẽ có tác động rõ rệt
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, việc kiểm soát tín dụng BĐS ở mức an toàn là cần thiết để thị trường BĐS ngày càng tăng trưởng bền vững. Năm 2016, dư nợ cho vay BĐS tăng trở lại khi thị trường hồi phục nhẹ trong quý III/2016. Đến giữa tháng 11/2016, tổng dư nợ cho vay cả nền kinh tế ước tính đạt khoảng 5,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,81% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, tín dụng trong BĐS của toàn hệ thống chiếm khoảng 10%.
Trong năm qua, nhiều chính sách về quản lý rủi ro tín dụng BĐS cũng đã kịp thời được ban hành. Có thể kể đến như tháng 5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06 theo hướng tăng tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tháng 10/2016, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ra văn bản số 7586/NHNN-TD yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS; đặc biệt là các dự án ở phân khúc cao cấp, dự án nghỉ dưỡng và cảnh báo về việc cấp tín dụng tập trung đối với một số chủ đầu tư lớn. Do vậy, về lâu dài, các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát cho vay BĐS theo hướng tích cực.
Theo VCBS, chính sách tín dụng chặt chẽ sẽ có những tác động rõ rệt vào các thời điểm cuối năm 2016 và 2017. Mặc dù việc giãn lộ trình siết chặt tín dụng BĐS đã giúp thị trường giảm áp lực tiêu cực trong thời điểm hiện tại nhưng càng về thời điểm cuối năm, chính sách này sẽ càng thể hiện những tác động rõ hơn khi các tổ chức tín dụng phải đưa các tỷ lệ quản lý rủi ro về đúng quy định. Những thay đổi trong chính sách tín dụng sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư, và người mua nhà khi việc vay vốn qua kênh tín dụng ngân hàng sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể, chính sách kiểm soát tín dụng an toàn là cần thiết để thị trường khó có khả năng xảy ra tình trạng bong bóng BĐS trong năm 2017.
Nguồn cung dồi dào sẽ khởi nguồn cho sức cạnh tranh mạnh mẽ tại phân khúc cao cấp
Với chính sách về tín dụng mới ban hành, dự báo trong năm 2017, thị trường sẽ tiếp tục phát triển ổn định. Thêm cơ sở để nói như vậy là nền kinh tế trong nước tăng trưởng đều, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh khi hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại và được đầu tư mở rộng. Trong khi về dài hạn, nhu cầu BĐS vẫn cao và tiếp tục tăng lên ở tất cả các phân khúc khi thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng đều hàng năm.
Tổng số lượng giao dịch BĐS năm 2017 có thể giảm nhẹ, các phân khúc sẽ có những diễn biến trái chiều. Triển vọng thị trường có thể chững lại đối với phân khúc cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng nhưng sự hồi phục từ phân khúc trung cấp và bình dân sẽ giúp tổng thể thị trường vẫn sẽ được duy trì ổn định.
Thị trường BĐS sẽ có sự cạnh tranh gay gắt hơn trong năm 2017. Các doanh nghiệp hiện nay liên tiếp sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau để kéo khách hàng về phía mình như: tạo cơ hội cho người mua cùng đầu tư (các ông lớn trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đang áp dụng hình thức này), liên kết với ngân hàng cho vay lãi suất thấp (hầu hết các dự án đều có chính sách hỗ trợ vay). Hay doanh nghiệp tự bỏ một khoản tiền lớn cho người thu nhập thấp mua nhà vay trong lúc chờ một gói 30.000 tỷ khác,...
Dự báo, tại phân khúc căn hộ cao cấp và hạng sang, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt nhất, đặc biệt hơn giữa các chủ đầu tư khi nhiều dự án được chào bán lần đầu. Trong khi đó, nhu cầu mua tại phân khúc này đang giảm sút do giá giao dịch thứ cấp đang giảm dần và nhu cầu mua để cho thuê đã có thể đạt mức bão hòa trong ngắn hạn.
Trong năm 2017, một số công ty BĐS được kỳ vọng sẽ có được tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh khả quan chủ yếu nhờ vào việc hạch toán các dự án đang hoàn thiện và bàn giao. Tuy nhiên, tốc độ pha loãng nhanh và không tương xứng với tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố cản trở sự bứt phá của đa số các công ty trong ngành. Đây cũng là năm của cạnh tranh gay gắt hơn khi sức mua có tín hiệu chững lại và sự phân hóa khi các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh về tài chính, quỹ đất lớn và sản phẩm phù hợp với nhu cầu “thật” sẽ chiếm ưu thế trong điều kiện tín dụng được quản lý chặt chẽ hơn.
Cũng theo đánh giá của VCBS, phân khúc BĐS trung cấp sẽ có tổng lượng tiêu thụ chiếm tỷ trọng cao hơn trong năm 2017 do các sản phầm phù hợp với nhu cầu luôn cao của đa số người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM. Phân khúc nhà bình dân có cơ hội hồi phục mạnh do giá bán phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người mua nhà có thu nhập hạn chế. Bên cạnh đó, việc Vingroup ra mắt thương hiệu nhà ở bình dân VinCity cùng kế hoạch phát triển 200.000-300.000 căn hộ giá rẻ trong 5 năm tới đang là một tín hiệu tích cực cho riêng phân khúc bình dân và nhiều người người mua nhà. Trong khi phân khúc nhà biệt thự, liền kề và shophouse tiếp tục giao dịch sôi động nhờ nguồn cung tiếp tục tăng, đáp ứng đúng nhu cầu mua cao về nhà ở gắn liền với sở hữu đất của đa số người dân.