Aa

Sóng ngầm vẫn diễn ra với thị trường đất nền, nhà phố

Thứ Tư, 26/09/2018 - 14:01

Sóng ngầm vẫn diễn ra với thị trường đất nền, nhà phố; Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có diện mạo mới từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn”; Đề xuất mở lại giao dịch chuyển nhượng đất tại Bắc Vân Phong;... là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Sóng ngầm vẫn diễn ra với thị trường đất nền, nhà phố

Liên tục trong nhiều năm qua, thị trường đất nền tại TP.HCM không ngừng tăng mạnh, đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay. Trước việc giá đất nền nhiều nơi tăng nóng, mới đây, UBND TP,HCM đã ban hành Văn bản 4307/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát tình trạng tăng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện các đơn vị liên quan kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư công khai, minh bạch thông tin về tiến độ dự án bất động sản, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Giao Công an phối hợp với UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát, sàng lọc các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản để xử lý theo quy định.

Theo phân tích của giới chuyên môn, thực tế thời gian qua có chuyện một số khu vực, nhất là khu vực xa trung tâm, sản phẩm không phục vụ nhu cầu sử dụng, mang yếu tố đầu cơ bị “thổi giá” là có thật.

Song đối với đất nền trong các khu dân cư, có sự kết nối tốt về hạ tầng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu an cư tăng giá là do quy luật của thị trường.

Báo cáo thị trường của DKRA cho rằng, các dự án đất nền đáp ứng nhu cầu thật luôn thanh khoản cao và đa số khách hàng, chiếm khoảng 70 - 80% là nhà đầu tư, vì kỳ vọng tăng giá.

Đất nền luôn là loại hình được người Việt ưa chuộng do tính ổn định và bền vững, nhưng do tình trạng khan hiếm, nên thị trường này càng được nhiều khách hàng mua ở và khách đầu tư đặc biệt quan tâm, từ đó thúc đẩy giá đất nền tăng lên.

Xem chi tiết tại đây.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có diện mạo mới từ cuộc đổ bộ của các “ông lớn”

Nhận diện được tiềm năng phát triển thực sự của Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, địa phương này đã chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này với dòng vốn lên đến hàng tỷ USD.

Chẳng hạn, vừa qua, Công ty TNHH Hồ Tràm đã được chấp thuận cho phép xây dựng Sân bay Lộc An, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Diện tích dự kiến xây dựng sân bay là 244,33 ha.

Trong đó, có 47,55ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Kinh phí khoảng 4.250 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho phép xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm, với diện tích 164ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký 4,23 tỷ USD, có kinh doanh Casino.

Với những tiềm năng đó, các “ông lớn” bất động sản nhanh chóng có mặt. Điển hình, Hưng Thịnh Corp vừa rót cả ngàn tỷ đồng để thực hiện 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu.

Tập đoàn Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển cũng đề xuất dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400 ha, với mong muốn đầu tư xây dựng dự án lớn tại tỉnh này.

Trước đó, Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã nhanh chân “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi.

Tọa lạc tại vị trí vàng trong trung tâm hành chính của tỉnh, giáp với 3 mặt tiền đường Trường Chinh (Quốc lộ 55), đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Văn Cừ, dự án còn được định vị bằng môi trường sống xanh, sạch và sang cộng hưởng với nhiều thiết kế độc đáo, hiện đại được bố trí một cách bài bản thêm nhiều tiện ích nội khu đẳng cấp, đa dạng.

Đây là dự án nhà phố và biệt thự cao cấp đầu tiên tại TP. Bà Rịa. Nhằm khẳng định đẳng cấp của dự án này, mới đây Công ty Danh Khôi đã chọn Công ty Anabuki NL Housing Service Vietnam (Anabuki) của Nhật để quản lý, vận hành.

Xem chi tiết tại đây.

Đề xuất mở lại giao dịch chuyển nhượng đất tại Bắc Vân Phong

Mới đây, UBND huyện Vạn Ninh có văn bản trình UBND tỉnh và Sở Tài Nguyên và Môi trường Khánh Hòa xem xét cho huyện tiến hành tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa theo các quy định của Luật Đất đai.

Đầu năm 2018, các thông tin liên quan tới Luật đặc khu đã khiến giao dịch đất đai và giá đất Bắc Vân Phong tăng đột biến. Để kiểm soát tình trạng giá đất leo thang và ổn định thị trường, ngày 7/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh về việc tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt tại Bắc Vân Phong.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo UBND huyện Vạn Ninh, xét trên thực tế hiện nay, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện được tăng cường, để tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, UBND huyện Vạn Ninh trình UBND tỉnh và Sở Tài Nguyên và Môi trường Khánh Hòa xem xét cho huyện tiến hành tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa theo các quy định của Luật Đất đai.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Phát hiện 287 công trình xây dựng không phép

Đây là số liệu được công bố tại hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2018 của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra mới đây.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các vi phạm tồn đọng đã có chuyển biến tích cực.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 100% các công trình xây dựng (15.299 công trình) và lập hồ sơ vi phạm 824 trường hợp (tương ứng tỷ lệ 5,39% trên tổng số công trình). So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp vi phạm đã giảm 51,27% (giảm 867 trường hợp).

Đáng chú ý, lực lượng chức năng phát hiện 287 trường hợp xây dựng không phép (giảm 55,57%) và xây dựng trên đất nông nghiệp là 308 trường hợp (giảm 55,81% so với cùng kỳ).

Xem chi tiết tại đây.

Dự án trụ sở công ty thành chung cư cao cấp

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gọi tắt là Công ty TDC) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1997. Đến năm 2004, công ty chuyển sang hình thức công ty cổ phần và xin UBND tỉnh cho phép tìm đất để lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới vì không có chỗ làm việc.

Năm 2006, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi khu đất mặt tiền đường 3-2, phường 8, TP Vũng Tàu bàn giao cho TDC.

Ông Kiều Anh Mận, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TDC, cho biết: Thời điểm đó công ty cần trụ sở làm việc khoảng ba, bốn tầng nhưng nhu cầu nhà ở của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) công ty rất lớn. Do vậy công ty xin điều chỉnh chức năng khu đất, lập dự án trụ sở làm việc kết hợp chung cư. Việc điều chỉnh được Sở Xây dựng và tỉnh đồng ý. Công ty TDC ký hợp đồng thuê đất 50 năm, tính từ năm 2008 và trả tiền thuê đất hằng năm.

Dự án Ruby Tower. Ảnh: TK

Dự án Ruby Tower. Ảnh: TK

Ông Mận cho biết đến khoảng năm 2014, dự án nằm trong diện chậm triển khai và UBND tỉnh dự kiến thu hồi lại đất. Lúc này, Công ty Cổ phần DIC số 4 (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng-DIC Corp) cũng đang có nhu cầu về trụ sở làm việc, nhà ở cho CBCNV, lại có năng lực tài chính, xây dựng. “Vì vậy chúng tôi hợp tác đầu tư, tiếp tục triển khai dự án. Công ty TDC góp bằng tiền thuê đất đã đóng, lo thủ tục giấy tờ, còn lại toàn bộ kinh phí xây dựng là của DIC4. Mục đích vẫn là đáp ứng nhu cầu trụ sở làm việc và nhà ở cho CBCNV cả hai công ty” - ông Mận giải thích.

Đến tháng 5/2016, dự án văn phòng kết hợp chung cư-TDC (Ruby Tower) được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án có quy mô 15 tầng nổi và một tầng hầm, trong đó năm tầng làm văn phòng và 54 căn hộ được thiết kế theo phong cách châu Âu sang trọng. Tổng mức đầu tư hơn 100 tỉ đồng do DIC4 bỏ ra.

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM muốn xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến đặt tại KĐT mới Thủ Thiêm

Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà hát này được xây dựng với quy mô 1.700 chỗ, có hai khán phòng gồm khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ, tại quận 2.

Được biết từ năm 1999, TP.HCM đã dự kiến xây nhà hát hiện đại tại số 23 Lê Duẩn, Quận 1. Nhưng sau đó địa điểm này được cho là không phù hợp. Đến năm 2012, địa điểm xây nhà hát được chọn là công viên 23.9, và theo kế hoạch sẽ hoàn công, đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. 

Xem chi tiết tại đây.

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều thiếu sót trong quy hoạch tại Cần Giờ

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra số 363/KL-TTr về công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch được duyệt; công tác cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép và công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn huyện Cần Giờ, TP.HCM.

 

Cụ thể, từ năm 2012 - 2016, UBND TP.HCM và UBND huyện Cần Giờ không bố trí vốn cho quy hoạch xây dựng; năm 2017 có bố trí vốn nhưng giá trị giải ngân thấp (đạt 37% kế hoạch vốn trong năm).

Thời gian lập, thẩm định và phê duyệt đồ án còn chậm, chưa đảm bảo theo quy định; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ có một số ô đất có mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010.

Một số đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trong số ô đất có mục đích sử dụng đất và chỉ tiêu tầng cao công trình không phù hợp với đồ án quy hoạch chung của huyện đã được phê duyệt.

Một số đồ án có nội dung thuyết minh và bản vẽ thể hiện chưa đầy đủ theo quy định; quyết định phê duyệt nhiệm vụ, quyết định phê duyệt đồ án của một số đồ án thiếu nội dung theo quy định…

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top