Aa

Sốt đất đi qua, nỗi đau ở lại

Thứ Ba, 24/04/2018 - 20:20

6 tháng đầu năm 2017, cơn sốt đất nền càn quét qua tất cả các quận, huyện tại TP.HCM. Ở cơn sốt đất năm đó, người dân đổ xô đi buôn đất, đầu tư đất nền… để rồi cơn sốt đất đi qua có không ít người trắng tay, nợ đầm đìa…

Cơn "địa chấn" 2007

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM lâm vào cảnh sốt đất, năm 2007, khi người dân TP.HCM quay cuồng với sốt đất, người dân đổ xô đi mua đất bất chấp giá cả tăng thế nào, cũng không mấy ai quan tâm đất đó có pháp lý rõ ràng hay chưa.

TP.HCM người dân đang say đắm trong cơn sốt đất.

Nhiều người dân TP.HCM đang say đắm trong cơn sốt đất.

Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cơn sốt đất nguội dần thì thị trường xuất hiện những dự án không người ở, cỏ mọc um tùm. Đơn cử như khu Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), ở thời điểm những năm 2007, giá đất ở đây được đẩy lên đỉnh điểm là 36 triệu/m2, thế nhưng sau cơn sốt đất giá đất tại đây được hạ xuống còn 20 đến 24 triệu đồng/m2 nhưng chào bán không ai mua. Những căn biệt thự, nhà phố xây dựng phần thô thì bỏ hoang, không ai thèm ở…

Cũng từ đây, sau khi thị trường lao dốc, nhiều người dân lâm vào cảnh nợ nần, bán nhà trả nợ vì lỡ chạy theo cơn sốt đất. Bà Nguyễn Thị Tú (ngụ quận 2) kể lại, khi đó giá đất đẩy lên cao, chỉ cần đặt cọc 50 triệu đồng mua nền đất, chưa kịp làm thủ tục thì 2 ngày sau nền đất đó đã tăng từ 100 - 200 triệu đồng. Lúc đầu bà lời được hơn 1 tỷ đồng tiền đầu tư đất, nhưng vì ham lời, bà cầm cố nhà cửa, vay thêm tiền của bạn bè người thân để gom thêm tiền rãi ra đầu tư đất khắp TP.

Thế rồi cơn sốt đất nhanh chóng đi xuống, bà Tú lâm vào cảnh mất khả năng trả nợ, ngân hàng thu hồi đất, bà cầm cố nhà nhưng vẫn không đủ. Bán cắt lỗ đất trả nợ bạn bè rồi cũng không xong…

Kịch bản cũ lặp lại

Thế rồi kịch bản cũ đã ăjp lại vào năm 2017, 6 tháng đầu năm, toàn TP.HCM sốt đất, có những khu vực như quận 9, Bình Chánh một tuần đất tăng 3 giá. Kể lại câu chuyện buồn về việc chạy theo cơn sốt đất nền của mình. Ông Lê Văn Hưởng, ngụ quận 2 cho biết, tháng 2/2017, ông mua lô đất tại đường Lò Lu với giá hơn 1 tỷ đồng. Sau khi ôm lô đất được hơn 1 tuần, ông bán lại và lời được 150 triệu đồng, chỉ sau 2 tháng đầu tư một lô đất nền tại quận 9, thấy thị trường đi lên, ông quyết định cầm cố căn nhà mình đang ở cho ngân hàng để đầu tư mua một nền đất nữa ở quận 9. Sau đó 2 tháng ông bán nền đất này và lời thêm hơn 200 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao, ông Hưởng quyết định cầm cố nhà, vay thêm bạn bè, người thân được hơn 5 tỷ đồng để mua thêm 3 lô đất nền tại huyện Bình Chánh. Nhưng rồi tới tháng 5, thị trường đất nền đi xuống, 3 mảnh đất ông Hưởng mua chỉ là giấy viết tay, và nằm ngay vào khu quy hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc trên cao Long An – Đồng Nai nên giá đền bù của ông chỉ được chưa tới 2 tỷ đồng.

“Khi mua, thấy đất tại đây sôi động, chủ đất làm hạ tầng đường nội khu đẹp, giá đất cũng như cảnh mua bán đất tấp nập nên tôi cứ nghĩ đất pháp lý đầy đủ, không vướng quy hoạch thì người dân mới mua bán tấp nập như vậy. Thế là xuống tiền mua. Giờ đây ra phường làm thủ tục cấp sổ thì mới biết là đất này nằm trong quy hoạch cấm sang nhượng, mua bán, giá đền bù cho đất mua bán giấy viết tay như của tôi là gần 2 tỷ đồng. Vậy là đất không thể bán, nợ ngân hàng đầm đìa, từ người gửi tiền ngân hàng bỗng chốc thành con nợ khi hàng tháng phải trả lãi hơn 10%/năm”, ông Hưởng nói.

Câu chuyện người dân và nhà đầu tư hưởng lợi lớn từ đất nền nhưng rồi lại bị trắng tay với đất nền là câu chuyện xuất hiện khá nhiều ở TP.HCM. Ông Nam (ngụ quận 7) kể, năm 2016 ông mua một nền đất tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với giá hơn 300 triệu đồng. Thời điểm ông Nam mua, giá đất tại đây sôi động bởi thông tin TP.HCM sẽ xây cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch. Tuy nhiên, tới nay thị trường huyện Nhơn Trạch đi xuống, dự án ông Nam mua không thể bán ra thị trường, giá cũng xuống khi một người mua nền đất cạnh nền của ông Nam mua bán chỉ với giá hơn 220 triệu đồng.

Ngày 16/4, Phóng viên Reatimes được một nhân viên môi giới bất động sản tên Duyên của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba giới thiệu dự án tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

“Dự án có giá từ 300 triệu đồng/nền 100m2. Công ty bảo đảm chỉ cần bỏ tiền ra mua 3 tháng rồi bán lại. Cam kết lợi nhuận 3 tháng là 8%, 6 tháng lời 18%, 9 tháng lời 28% và 12 tháng lời 18%. Mức lời này cao hơn ngân hàng rất nhiều lần”, nhân viên tên Duyên nói.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi việc hiện nay tỉnh Đồng Nai không cho phép phân lô bán nền tại khu vực này vì nằm trong khu vực xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành. Duyên cho biết, dự án bên mình đã có giấy phép phân lô từ lâu và khách hàng cứ an tâm về pháp lý. Đây cũng là chiêu mà khách hàng sẽ “đổ gục” khi nghe cam kết lợi nhuận của dân môi giới khi chào hàng người dân. Với mức lãi suất quá cao này, nhiều người không ngần ngại “xuống tiền” mua đất mà không cần nghĩ tới rủi ro.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding cho rằng, thực chất giá đất nền và những sự sôi động của TP.HCM không hề sốt như thị trường đang diễn ra.  

“Giá đất tăng phải hội tụ đủ nhiều yếu tố như quy hoạch, giá đất TP áp dụng cho khu vực đó, tiện ích và kể cả quy hoạch quận hiện nay. Không thể đường vùng ven, cách trung tâm TP cả vài chục km, không tiện ích, đường kết nối hư hỏng, quanh khu đất là cỏ cây um tùm và không có người ở nhưng chỉ cần chủ đầu tư làm đường đi nội khu bằng ít đá sỏi mà đẩy giá đất lên 20 đến 40 triệu đồng/m2, xa hơn giá thực sự của khu đất gần vài trăm lần mà được cho là sốt đất”, ông Hậu nói.

Cũng theo ông Hậu thì câu chuyện sốt đất của TP.HCM hiện nay cũng giống như hình thức kinh doanh đa cấp, ai bỏ tiền đầu tư trước và bán sản phẩm ra nhanh thì sẽ lời, còn ai đến sau thì sẽ chịu cảnh "tiền mất tật mang" vì giá đất sốt cũng như người bị bệnh, sốt nhưng chỉ cần có tác động là cơn sốt sẽ đi qua rất nhanh. Giống như năm 2017, chỉ cần TP.HCM ra chính sách siết tình trạng sốt đất, tức khắc giá đất đi xuống, thị trường lại trở về lúc giá thấp, vắng kẻ mua nhưng nhiều người bán.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top