Bao giờ Bộ Tài Chính sẽ có câu trả lời chính thức?
Cuối tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực từ 1/5/2017 với mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Thế nhưng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã khiến hầu hết doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mắc kẹt. Cụ thể, theo Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).
Ngay khi nghị định này ra đời đã vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã lên tiếng kiến nghị Bộ Tài Chính sửa đổi, đặc biệt vào cuối tháng 12/2018, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”. Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc của Nghị định 20/2017/NĐ-CP đang làm khó cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.
Phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp khi đó, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chỉ trả lời chung chung rằng “đang tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của người nộp thuế liên quan đến áp dụng Nghị định 20 và thực hiện nghiên cứu, báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ để có hướng dẫn thực hiện đúng quy định”.
Tiếp đến, vào giữa tháng 5/2019, tại một hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp cho rằng với khoản 3 điều 8 Nghị định 20, chi phí lãi vay tính vào chi phí tính thuế không quá 20% lợi nhuận thực tế cộng với khấu hao. Do đó quy định chỉ tiêu lợi nhuận lãi vay khi vay vốn là một trong những giải pháp công bằng để đảm bảo người vốn ít cũng như vốn nhiều có công bằng khi vào cùng thị trường, làm một dự án.
Một điều đáng chú ý là nghị định được áp dụng với cả doanh nghiệp FDI và trong nước, nhưng tiếng kêu thời gian qua chủ yếu đến từ doanh nghiệp trong nước, do đó ông Phụng bày tỏ ý kiến rằng phải xem xét lại nếu có vướng mắc.
Ông Phụng cũng khẳng định: “Tôi đồng tình với việc cần điều chỉnh lại thông tư nếu như doanh nghiệp phản ánh. Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại.
Trong 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ có thông tin báo cáo về Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 lên Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 để tránh bị phạt sai phạm 20%, không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, thời gian 2 tuần đã trôi qua từ lâu những vẫn không có câu trả lời chính xác là có sửa đổi Nghị định 20 hay không. Mới nhất là tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính Xem xét sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật mà đang có vướng mắc. Trong đó, Phó Thủ tướng nhắc đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Nghị định 20.
“Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, vẫn có câu trả lời không hề mới: Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Tư pháp trình Chính phủ 5 nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế, trong đó có Nghị định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Ông Cao Anh Tuấn cho hay: “Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp có ý kiến và chúng tôi lắng nghe tất cả các ý kiến để rà soát, trên cơ sở đó có đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Bao giờ cũng vậy, khi xây dựng Nghị định cần phải có báo cáo đánh giá quá trình thực hiện, từ đó xem có gì phù hợp thông lệ quốc tế, có gì phù hợp quy định pháp luật nói chung thì báo cáo Chính phủ để hướng dẫn”.
Trước câu trả lời này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Nếu chúng ta chờ sửa đổi bổ sung theo Luật quản lý thuế thì rất chậm. Vướng đâu phải sửa đấy. Quy định này lại liên quan đến chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế, được điều chỉnh tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp là chính, chứ không phải trong Luật quản lý thuế. Thời gian tới Văn phòng Chính phủ sẽ có thẩm định cùng với các bộ các ngành để có ý kiến. Rõ ràng việc này các doanh nghiệp kêu rất nhiều mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết được”.
Doanh nghiệp tiếp tục chịu thêm nhiều hậu quả
Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, những quy định bất hợp lý của Nghị định 20 đã tồn tại hơn 2 năm, gây ra rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho doanh nghiệp. Chỉ vì Nghị định này, có doanh nghiệp thuế tăng hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư; các nguồn vốn vay ngoài giao dịch liên kết bị đánh đồng để áp trần chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp khốn khổ.
Hơn nữa, sau hàng loạt những kiến nghị đòi tháo gỡ khó khăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp nhưng Bộ Tài Chính vẫn chậm trễ, chưa có sự thay đổi hoặc lên tiếng chính thức đến bao giờ Nghị định 20 được sửa đổi, hoặc có sửa đổi hay không? Kể cả Chính phủ cũng đốc thúc và các doanh nghiệp “kêu cứu” nhưng những lời này dường như đang rơi vào hư không. Cũng không ai trả lời được vì sao lại có sự chậm trễ này? Phải chăng hành động của Bộ Tài Chính đang cho thấy một sự thờ ơ, tắc trách khiến cộng đồng doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi?
Thậm chí, điều này đang tạo ra sự bất an, rủi ro trong môi trường kinh doanh nói chung, đi ngược lại mục đích “Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp phát triển”. Bởi phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ kiến tạo. Nhưng chỉ bằng một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20, nhiều doanh nghiệp chẳng còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển.
Về Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi 4 lý do.
Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.
Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp, đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.. sẽ gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”.
Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20.
Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Đồng quan điểm với ông Nam, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng việc áp dụng Nghị định 20 là không hợp lý. Về thực chất, Nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết” và Khoản 1, Điều 11 về “Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết" của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
“Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam. Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật”, ông Đức nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định: “Tôi cho rằng mục tiêu của Nghị định 20 thì đúng nhưng chúng ta làm chưa trúng, chưa đạt mục tiêu đề ra, 20 doanh nghiệp lớn nhất niêm yết trên sàn đều dính Nghị định 20 này. Chúng ta chống chuyển giá nhưng tỷ lệ 20% không phù hợp với doanh nghiệp trong nước của chúng ta. Tỷ lệ này tại các nước EU là 30%, trong khi thị trường vốn của họ rất phát triển, có thể huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu và họ chỉ dựa 35% vào vốn từ ngân hàng. Trong khi đó, tại Việt Nam thì chủ yếu vốn vay từ ngân hàng với 60 - 65%, rồi thị trường vốn chưa phát triển, phát hành cổ phiếu chưa được. Tôi cho rằng tỷ lệ 20% phải được điều chỉnh, ít ra phải cao hơn 30% và thực hiện có lộ trình”.