Vì thế, Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng
Theo Bộ Xây dựng, việc sửa đổi luật nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Dự thảo đề xuất sửa đổi 46/168 điều của Luật Xây dựng.
Các nội dung chủ yếu của dự thảo luật sửa đổi theo các nhóm vấn đề: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan như pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, đầu tư công, quảng cáo, an toàn vệ sinh lao động...
Dự thảo luật lần này đề xuất việc đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống 20 ngày; mở rộng đối tượng được cấp phép theo giai đoạn và phân cấp việc cấp phép cho chính quyền địa phương…
Sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo hướng tăng quyền chủ động cho người quyết định đầu tư, giảm đối tượng dự án bắt buộc phải quản lý dự án theo hình thức ban quản lý chuyên ngành, khu vực… Đặc biệt, dự thảo tập trung sửa đổi một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Hoàng Quang Nhu, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thể hiện rõ trong dự thảo sửa đổi Luật Xây dựng lần này.
Cụ thể, sẽ rút ngắn thời gian thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn về xây dựng, giảm đối tượng phải thẩm định thiết kế, đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách tích hợp công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng…
Cần thêm chế tài
Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) phân tích, vấn đề quy hoạch xây dựng, có sự không đồng nhất giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư về thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong giai đoạn hình thành dự án.
So sánh quy định tại Điều 46 của Luật Xây dựng với quy định tại Điều 33 của Luật Đầu tư cho thấy, nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Quy định như vậy chẳng khác nào “đánh đố” nhà đầu tư.
Đặc biệt, theo ông Thịnh, Luật Xây dựng 2014 đang thiếu chế tài xử lý vi phạm quy định về quy hoạch, mặc dù đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý theo quy hoạch xây dựng, nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương nhưng vẫn xảy ra tình trạng quy hoạch chậm trễ, xây dựng xong công trình mới hoàn thành quy hoạch. Sự chậm trễ này khiến nhiều công trình đặt sai vị trí hoặc sai quy hoạch, khi xây dựng xong không có chế tài xử lý mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Luật Xây dựng bất cập là quy trình cấp giấy phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật. Thực tế, theo pháp luật xây dựng hiện nay thì việc cấp phép lại tách thành 3 quy trình gồm quy trình thẩm định thiết kế cơ sở; quy trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và quy trình cấp giấy phép xây dựng. Giấy phép xây dựng phải qua nhiều cấp, từ Bộ Xây dựng đến sở xây dựng phê duyệt.
Theo ông Châu, Bộ Xây dựng nên tập trung vào việc ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng; xây dựng hệ thống định mức, đơn giá, suất đầu tư xây dựng; quy chuẩn kỹ thuật xây dựng; tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình...
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 78 Luật Xây dựng 2014 theo hướng tích hợp “quy trình cấp giấy phép xây dựng” bao gồm trong đó cả quy trình thẩm định thiết kế cơ sở.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), trình thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). |