Hôm qua tôi đi lên thị trấn Hải Lăng, thật ngạc nhiên trước bàn tay lao động.
Hai tuần trước tôi đi qua thị trấn vào làng cổ Phước Tích, cánh đồng tấp nập nào là người đang gặt, người thì phơi lúa, xe chờ ngay trên đường chở lúa. Cảnh ngày mùa ngỗn ngang. Còn có cả một thửa ruộng trắng màu lông vịt. Lúa khi vừa được gặt xong là lúc các nhà nuôi vịt tận dụng khoảng trống thời gian này để thả vịt xuống đồng kiếm ăn.
Vậy chỉ sau hai tuần, những cánh đồng đã ngập màu mạ non. Mọi người đứng nhìn cánh đồng trước mắt mãn nguyện. Dưới đồng thì hình ảnh những người đi dặm lúa. Nhìn họ, tôi chợt thoáng suy tư..
Những người kia, bàn tay như có phù phép trước cánh đồng của họ. Đúng là, nếu bớt nhiều chi phí không trực tiếp liên hệ sinh mệnh sự sống, thì với sản xuất này, họ no đủ.
Thế rồi, tôi lại lan man nghĩ, trước màu xanh sự sống mà họ vừa tạo ra trên những thửa ruộng kia, có thực sự đây là bàn tay những người yêu cỏ cây và thiên nhiên không???
Ngoài cánh đồng, cây lúa là thứ trực tiếp cho miếng ăn, không một bóng cây.
Trong khuôn viên nhiều nơi thờ tự, là đình, là nhà thờ họ dọc đường, đất để trống. Những hàng cây bên đường, những hàng rào quanh lối làng ngõ xóm thiếu vắng hẳn bàn tay con người tạo dựng vun vén từ tình yêu thiên nhiên.
Tôi quyết định dừng lại chụp bức hình cây ngô đồng bên sân chùa. Nhiều lần đi ngang qua đây lòng tôi cứ vương vấn: Tại sao họ lại đối xử như vậy với cây ngô đồng?!
Cây ngô đồng đã bao năm tôi để ý bên con đường này. Thế mà khi làm sân, mà là sân trước cổng tam quan, chứ không phải sân bên trong, họ đổ bê tông bao ôm sát thân cây. Ngay cả một khoảng đất nhỏ cho cây phát triển người ta cũng không chừa ra. Mỗi lần đi ngang qua đây, nhìn cây ngô đồng như vậy, lòng tôi lại thêm những băn khoăn.
Tôi nghĩ, làm sân chùa, phải là người có trọng trách, là những người đã lớn tuổi. Sao họ làm vậy? Với họ, họ hành xử rất tự nhiên, họ để cây lại vì thấy cần bóng mát. Thế thôi, họ không có tình yêu với cây. Từ rất sớm, khi lớn lên, họ không được (hay không cần) học bài học tôn trọng cây, tôn trọng thiên nhiên.
Họ tồn tại rất tự nhiên trong sự trưởng thành khi biết cày cấy, biết tìm cách tồn tại nhờ trồng trọt. Và cây lúa, cây khoai, cây sắn, một vài loại cây như ngô, đậu và dưa hay mướt rau. Họ nhận biết rất sớm những thứ rất gần, rất cần cho cái ăn trước mắt. Họ nắm rất chắc kỹ thuật để tạo ra miếng ăn nhanh như một sự phù phép.
Bao nhiêu người gắn bó với làng quê và ruộng đồng hôm nay truyền trao cho nhau rất chắc kỹ thuật trên đồng ruộng, nhưng họ không trao truyền được tình yêu từ nơi ấy.
Nhận biết thiên nhiên là một nhận biết vô cùng quan trọng đối với con người khi sinh ra và lớn lên.
Thiên nhiên bao la. Chính thiên nhiên đem lại sự sống chung cùng cho vạn loại. Thiên nhiên, trong mắt rất số đông, là vô tận, là để phục vụ nhu cầu của con người.
Nhưng thiên nhiên không chỉ là để khai thác, khám phá, thụ hưởng. Thiên nhiên là khởi nguồn của sự sống.
Ngày nay, người ta thường có những chiếc ghế to ghế nhỏ, nhà lớn nhà bé bằng gỗ. Cái họ cân nhắc, cái họ đo đếm là túi tiền của họ có thể làm được hoành tráng đến đâu, tiện nghi ấy đem lại cho họ cảm giác thế nào..??
Tình yêu và sự tôn trọng thiên nhiên hoàn toàn vắng mặt.
Có khi đi ngang những khu cây kiểng, tôi nhìn ngắm cây cảnh bon sai với đủ loại, đủ dáng được tạo ra từ một thứ tuyệt kỹ kỳ cùng của công phu con người. Nhưng, oái oăm, là từ những con người vắng lạnh đến tàn nhẫn sự tử tế về tình yêu với thiên nhiên, với cây.
Cây, những loại được tạo ra kỳ công kia, là cái rất gần, cây phục vụ sự kiếm tiền.
Những vườn cây cảnh ngày nay, phần lớn là sự ăn cắp và cướp giật từ thiên nhiên.
Có dịp đi đến các làng chuyên trồng bán cây cảnh, tôi ngạc nhiên khi những vùng này lại càng trơ trọi. Thiên nhiên ở đây, tình yêu với cây ở đây là thứ cây giống được sắp đặt trong bốn bức tường từ vườn nhà nhằm tạo ra tiền. Thế thôi.
Phải chăng là cả xã hội này, lớp người ngày hôm nay, khi hành xử với nhau nơi học đường, nơi quan trường, trên đường giao thông, họ đã đánh mất từ nơi lớn lên một thứ rất quan trọng, là tình yêu với cây xanh, sự kính trọng, tôn trọng với tự nhiên???
Không quan trọng là bạn biết trồng cây, mà biết yêu cây, hai điều khác nhau hoàn toàn.
Biết yêu màu xanh của hoa lá, là HỌC ĐƯỢC THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG THIÊN NHIÊN.
Tôn trọng thiên nhiên, đến từ tôn trọng và yêu quí cây cùng các loài vật trong tự nhiên. Bạn có biết cách cám ơn cây cối và hạt gạo, hạt đỗ trên mâm cơm hàng ngày của bạn chưa? Tôi không nghĩ tình yêu với con người để sống đẹp và lành mà tách biệt ngoài tình yêu với thiên nhiên, với cây cỏ.
Tôi có cái thú thích ngắm cây trên đường mỗi khi đi đâu. Từng loại cây, với từng màu xanh và chiếc lá khác nhau, mà tôi có thể nhìn suốt một cách thích thú, dù là cây được trồng hay cây tự nhiên mọc.
Cái phẩm chất ít hiền hòa nơi mỗi chúng ta, có gốc rễ rất sâu sa, đó có thể là từ những điều hôm nay chúng ta đang suy niệm về thái độ chúng ta đối với cây. Như những người làm sân trước cổng tam quan kia, họ không phải vì ác lành gì cả, mà do vô tâm. Mà vô tâm với thiên nhiên là đường dẫn rất gần đến sự phá hoại.
Cách đây mấy năm tôi vận động các bô lão làng tôi trồng cây ở các khuôn viên nhà thờ họ, đình và chùa làng. Hơn 1.000 cây gỗ lát được tôi đưa về chọ các vị trong làng trồng. Tôi nói, đừng để con cháu ngày sau lớn lên oán trách chúng ta. Nhưng trồng rồi để đó. Nhìn cây thiếu vắng sự chăm sóc của con người mà buồn.
Đã nhiều năm qua tôi vận động người làng gắng trồng cây nơi hai bên đường lên rú. Nhưng không thành công. Nhiều lý do được đưa ra, trong đó có ly do trâu bò phá. Tôi vẫn cảm thấy, cái cốt yếu là mọi người không để tâm, không thấy đó là việc cần thiết.
Ngày nay, con người phần nào đã nhận biết tầm quan trọng của tự nhiên. Họ bàn bạc và tìm ra một giải pháp có vẻ như khả thi. Đó là muốn bảo vệ hành tinh này thì hãy đặt cho môi trường thiên nhiên một giá trị về kinh tế. Nhưng, như lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc của chúng ta”. Khoác lên tự nhiên một giá trị về kinh tế, điều đó như là một chứng minh, đời sống tiện nghi vật chất đã đang chi phối và làm chủ cuộc sống của chúng ta.
“Muốn thay đổi tận gốc thì thay vì đặt lên cho những khu rừng và thảm san hô những trị giá nào đó, ta phải thương yêu Đất Mẹ trở lại”. Yêu thương đất mẹ, yêu thương từng màu xanh trên mỗi chiếc lá, mỗi tán cây..
Chúng ta sinh ra và sống trong sự bao bọc trọn ven của tự nhiên.
Mỗi lần ra Hà Nội, thấy các khu phố, nơi thì đang đua nhau mọc tua tủa chi chít cao ốc, nơi thì đã xây dựng xong, tất cả đều thiếu vắng một cách đáng báo động về cây xanh và diện tích thiên nhiên tương xứng với mật độ cư dân. Sự thảm hại nhìn thấy rõ mồn một nơi cái gọi là Thủ Đô về môi trường xanh, thế mà con người vẫn thờ ơ.
Tôi không có đức tin vào sự phát triển của thành phố khi nhìn thấy sự thiếu vắng cây xanh. Đức tin vào một thành phố hiền hòa cho người sống hồn hậu nhân từ hơn.
Trái đất, tự nhiên – thiên nhiên như một người mẹ của muôn loài. Mẹ biểu hiện nơi từng tán cây, ngọn cỏ, từng cánh đồng, ngọn núi con sông… Thay vì khám phá, thay vì khẳng định giá trị.. tại sao chúng ta không nghĩ rằng, để được che chở, bảo bọc, để được nương tựa yên lành, v.v.. căn bản nhất, chúng ta cần yêu thương trở lại mẹ của mình??!!!