Tôi muốn kể hầu chuyện cùng các bạn một lời dạy liên quan đến cái lòng tùy hỷ.
Trước hết tôi xin giải thích chữ tùy hỷ. Tùy, có nghĩa là theo, là cùng như tùy tùng. Hỷ là vui, vui thích. Vậy tùy hỷ có nghĩa, khi mình thấy ai làm một điều tốt đẹp nào đó, mình không làm được, nhưng mình vui thích trước việc làm của họ, mình ca ngợi tán thưởng việc tốt đẹp người đó làm, mình thích kể và ca ngợi việc đó cho nhiều người biết. Đó gọi là tùy hỷ.
Mình không hoặc chưa làm được, hay khi mình làm được rồi một điều tốt đẹp, mình thấy người khác làm điều tốt đẹp như mình làm, mình sinh tâm vui thích, muốn ca ngợi và làm lan truyền điều tốt đẹp cho nhiều người cùng biết và làm được như mình; ta gọi người đó có cái tâm, cái công đức của sự tùy hỷ.
Tạm ví dụ thế này, như ta làm một việc tốt, ta để ra 1.000.000$ giúp đỡ một người bệnh, ta được công đức, ta tạm cho tương đương 1 ký chẳng hạn. Có người chỉ đi cùng ta đến thăm giúp người bệnh đó, họ không bỏ ra 1.000.000$ như ta, nhưng họ vui thích vô cùng khi thấy ta làm việc đó. Hay chỉ nghe ta đã làm việc tốt với bệnh nhân thương tâm đang cần giúp đỡ, mà chỉ cần nghe thôi họ sinh tâm vui mừng và cảm nhận được việc tốt đẹp đó như chính họ đang làm, thì người đó, cũng có 1 ký công đức như ta, và có thể nhiều hơn ta nữa.
Và đây là câu chuyện.
Có một hôm, Bụt chủ trì một buổi cúng dường ánh sáng. Giữa một rừng nến thắp sáng cả bầu trời do vua đích thân cúng dường. Hôm đó vua xứ Ma Kiêt Đà cùng các đại thần và hoàng thân đều có mặt. Các đại đệ tử lớn của Bụt như các thầy Xá Lợi Phất, Ca Diếp... đều tham dự.
Ánh sáng dưới bầu trời như hoà làm một với vũ trụ tạo thành thứ ánh sáng vĩnh cửu của sức mạnh trí tuệ giải thoát và lòng từ bi vượt ngoài thời gian và không gian.
Dân chúng trong thành hôm ấy ai nghe tin vua cúng dường ánh sáng cũng đều đến tham dự chiêm ngưỡng và cầu nguyện. Họ biết rất rõ, gặp được bậc giác ngộ ra đời để cúng dường ánh sáng là vô cùng quý báu cho kiếp người.
Tin đồn ấy lan rất nhanh trong nhân gian, lan đến mọi hang cùng xóm vắng... và, tin ấy được một người sau cùng nghe ra, hành khất khốn khó tò mò hỏi thăm...
Và, cũng khó nhọc như chính cuộc đời mình sinh ra trong nghèo đói, khốn đốn, bà già lần mò muốn mua dầu cúng dường ánh sáng… Nhưng làm gì còn dầu hôm đó cho bà mua. Bà biết, cúng dường được ánh sáng cho một bậc Giác ngộ thì mình có nhân duyên trở nên một bậc Giác ngộ. Bà muốn điều đó.
Bà quyết tâm đi xin và mua cho bằng được một ngọn nến nhỏ, mong muốn được cúng dường ánh sáng để ngon nến đó, ngọn nến nhân duyên được sinh ra trùng kiếp có bậc Giác ngộ ra đời đó, sẽ trở nên bất diệt.
Bà vui thích và làm việc cúng nến trong niềm tin ấy và nguyện, ngọn nến này sẽ không tắt và cháy suốt đêm.
Ánh nến ấy... chính ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông không làm tắt được.
Còn tất cả các ngọn nên của đức vua A Xà Thế đều tắt.
Bụt ví dụ: "Như một ngọn nến được thắp lên, ta lấy ánh sáng ngọn nến ban đầu đó, châm vào một ngọn, hai ngọn, cho hàng vạn ngọn nến khác, không vì thế mà ánh sáng của ngọn nến ban đầu suy giảm, nhưng năng lượng tỏa sáng thì nhân lên hàng vạn lần. Cũng vậy, người có cái tâm tùy hỷ như ánh sáng được tỏa sáng không phải của một ngọn nến".
Thay vì chỉ mình tỏa sáng ánh sáng chính tự thân của mình, giờ đây trong giao thoa của hàng vạn ngọn nến, sức tỏa sáng của mình gấp vạn lần hơn.
Tâm tùy hỷ trong việc cúng dường hay tâm tùy hỷ trong những hành động ý nghĩa làm đẹp cho cuộc đời. Làm và nghĩ điều tốt với một trái tim tùy thuận, vui mừng và chân thật ấy chính là phước báu vô lượng, công đức vô lương.
Tùy hỷ, cái ý niệm thiện lành ở nơi chữ “Tùy” chính là một phần biểu hiện của cái gốc Đức nơi mỗi người.
Đức – nhiều khi chỉ gói gém gọn gàng như vậy thôi. Tùy hỷ, mà cúng dường thì không vì mục đích tham danh khoe mẽ. Tùy hỷ mà bao dung thì không vì tri kiến cá nhân hẹp hòi rồi phán xét kết án một ai.
Tôi nhớ từng đọc ở đâu đó đại ý rằng, người ta thường ví như biển, rộng lượng vô cùng nên chứa được trăm sông ngàn suối, không kể đục trong. Chính vì vậy nên biển dù ở nơi thấp nhất nhưng sâu rộng bao la nhất.
Có đôi khi người ta không để tâm, nước của biển mang một vị mặn chát đến khôn cùng. Những con sóng đôi khi cuộn trào đầy cay đắng sục sôi. Nhưng chỉ một đợt sóng ào lên rồi biển lại bình yên, biển lại trở về với vẻ mênh mông độ lượng nhân từ. Thế nhân vì vậy không bàn được tới cái đức của biển.
Tùy hỷ là vậy. Tùy hỷ mà nhân từ, mà độ lượng, mà rộng lòng, ấy là cái gốc của Đức.
Chúc cho tôi, cho quý vị vun bồi được gốc đức vững vàng để Phúc đầy đặn sum xuê, lộc như hoa trái!