Aa

Tại sao Bàu Bàng trở thành điểm đến của nhà đầu tư có tầm nhìn?

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Thứ Hai, 26/09/2022 - 06:46

Vị trí chiến lược, hạ tầng và công nghiệp phát triển nhanh, giá đất còn “mềm”… là những nguyên nhân đang giúp cho đô thị công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) trở thành điểm đến của giới đầu tư có tầm nhìn.

Giá trị sản xuất công nghiệp của Bàu Bàng tăng trưởng gấp 2,2 lần trung bình toàn tỉnh

Bàu Bàng nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, kết nối trực tiếp với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước… thông qua hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được Nhà nước quan tâm phát triển. 

Qua 8 năm đi vào hoạt động, Bàu Bàng đã và đang nỗ lực vươn lên, phát huy lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển liên tục và toàn diện. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh, hiện tại Bàu Bàng là một trong những địa phương thuộc tốp đầu về tăng trưởng công nghiệp của Bình Dương. Huyện đang phấn đầu trở thành là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh.

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song bằng những giải pháp, sáng kiến linh hoạt, hiệu quả, Bàu Bàng vẫn thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư chiến lược, kinh tế của huyện đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%, cao hơn 2,2 lần so với bình quân của tỉnh (tăng trung bình 9,64%/năm).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 8.900,3 tỷ đồng, tăng 16,93% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 582 tỷ 489 triệu đồng (đạt 58,5% kế hoạch tỉnh giao và 57,87% kế hoạch HĐND huyện giao).

Bàu Bàng là địa phương hưởng lợi nhiều nhất trong "làn sóng" dịch chuyển khu công nghiệp về phía Bắc Bình Dương

Việc hình thành các KCN ở phía Bắc cũng đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo kế hoạch. Trong làn sóng dịch chuyển về phía Bắc Bình Dương, Bàu Bàng được cho là địa phương hưởng lợi nhất, bởi nằm ở ví trị gần như chính giữa và là cửa ngõ phía Bắc của Bình Dương. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích khu công nghiệp tăng 6,2 lần so với diện tích đang hoạt động.

Tính đến năm 2020, diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn huyện là trên 1.092 ha. Theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 10 KCN với tổng diện tích đất tăng gấp 6,2 lần lên 6.796,80 ha. Con số này tương đương hơn 50% tổng diện tích KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại. Các KCN Bàu Bàng mở rộng tạo điều kiện thuận lợi để thị trường bất động sản nơi đây phát triển.

Thống kê đến cuối tháng 4/2022, huyện đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới, trong đó đầu tư trong nước là 7 dự án, với tổng số vốn đăng ký 8.334 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút 7 dự án, với tổng số vốn đăng ký 318 triệu đô la Mỹ, 2 dự án đăng ký tăng thêm vốn 13 triệu đô la Mỹ. Tính lũy kế đến tháng 4/2022, trên địa bàn huyện có 1.257 dự án, trong đó đầu tư trong nước 1.042 dự án, với tổng vốn đăng ký 40.451 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài 215 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ đô la Mỹ.

Nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào KCN Bàu Bàng, trong đó có nhiều dự án lớn như: Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (179 triệu USD); Lacouer Craft Việt Nam (98 triệu USD); Tập đoàn Kolon đầu tư 140 triệu USD…

Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng nói riêng và các KCN khác trên địa bàn nói chung đang giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ. 

Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 của Bàu Bàng đạt bình quân 18%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 22%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 24%; giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 26,5%/năm.

Tốc độ tăng dân số bình quân của Bàu Bàng cũng đạt 9,15%/năm giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đạt 9%/năm giai đoạn 2021-2025.

Tăng gấp đôi diện tích đất dành cho phát triển hạ tầng

Hiện nay, vùng đất Bàu Bàng như một đại công trường với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tiện ích xã hội… Dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp đang đổ mạnh vào Bàu Bàng kéo theo dân cư sôi động, kinh doanh mua bán sầm uất. Chỉ trong vài năm qua, Bàu Bàng đã chuyển mình thay đổi diện mạo, trở thành một trung tâm kinh tế - công nghiệp theo hình mẫu các thành phố Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một trước đây.

Hàng chục ngàn tỉ đồng được Bình Dương đổ vào phát triển hệ thống giao thông đang mang đến cho Bàu Bàng cơ hội phát triển to lớn. Bên cạnh quốc lộ 13 đã mở rộng lên 6 làn xe, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng dài 62km, vốn đầu tư 4.300 tỉ đồng, kết nối từ trung tâm hành chính Bàu Bàng đến ngã 3 Tân Vạn (quốc lộ 1) sẽ giúp kết nối và rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp tại Bàu Bàng đến TP.HCM, cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), cảng Cát Lái (TP.HCM) và cụm cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, Bàu Bàng còn một loạt dự án lớn đang chuẩn bị đầu tư như cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Bàu Bàng – Chơn Thành (vốn đầu tư giai đoạn 1 24.274 tỷ đồng), đường tạo lực Bàu Bàng – Phú Giáo – Bắc Tân Uyên, đường Mỹ Phước – Bàu Bàng, ĐT 750, ĐT 749C, ĐT 741B, Vành đai 4, Vành đai 5… Tất cả biến Bàu Bàng thành một đại công trường nhộn nhịp, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, kinh doanh mua bán cho cư dân. 

Bàu Bàng như một đại công trường với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tiện ích xã hội…

Trong năm 2022, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư vào các KCN hiện có. Huyện cũng đặt mục tiêu sẽ đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 20 - 22%.

Các chuyên gia nhận định, với vị trí chiến lược và hạ tầng phát triển nhanh, tiềm năng phát triển của Bàu Bàng còn rất lớn. Đặc biệt, việc tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp phía Bắc là cơ hội hiếm có để Bàu Bàng thành lập các khu công nghiệp quy mô lớn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 

Trong tương lai gần, Bàu Bàng sẽ khoác lên mình một diện mạo mới với nhiều đột phá về phát triển giao thông, thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Đây chính là yếu tố kích thích dòng vốn đầu tư đang ồ ạt đổ vào Bàu Bàng kể từ đầu năm 2019 đến nay. Điều này tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản khu vực này.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm đến các dự án tại Bàu Bàng do mức giá còn "mềm", tiềm năng tăng giá cao

Ghi nhận cho thấy, sau một đợt “nóng” vào đầu năm 2021, đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản Bàu Bàng… rục rịch trở lại. Nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các dự án có mức giá còn mềm tại khu vực; mức giá này thường dao động trong khoảng 15-20 triệu đồng/m2. So sánh với khu vực phía Nam Bình Dương như Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An – nơi giá đất nền đã ngang ngửa với khu ven TP.HCM với mức giá 40-50 triệu đồng/m2, thì khu vực Bàu Bàng chỉ có mức giá chưa đến một nửa.  

Bàu Bàng được nhiều chuyên gia đánh giá là thị trường giàu tiềm năng về bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà phố thương mại (shophouse)

Nhìn lại Thuận An, Dĩ An cách đây vài năm, nhiều chuyên gia đánh giá Bàu Bàng mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, biên độ tăng giá sẽ còn rất mạnh, nhất là trong 2-3 năm tới khi vùng đô thị thông minh Bình Dương được xây dựng hoàn chỉnh, các KCN Bàu Bàng, Cây Trường, Tân Bình, Lai Hưng hay Khu khoa học - công nghệ cao Bàu Bàng đi vào hoạt động ổn định. Lúc đó, Bàu Bàng sẽ mở ra thời kỳ phát triển rất lớn và cũng là cơ hội phát triển thị trường bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top