Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ…
Theo văn hóa Á Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn. Đặc biệt đối với dân tộc Trung Hoa, màu đỏ cũng là màu sung sướng, hạnh phúc, nồng ấm, chỉ sức mạnh và có danh vọng. Chẳng thế mà theo truyền thống dân tộc này, cô dâu mặc áo cưới màu đỏ thắm trong ngày vu quy, còn trẻ con mới sinh thì cúng trứng màu đỏ… Ngay như ở nước ta trước đây, cái ngày còn chưa cấm pháo, bánh pháo được đốt trong đám cưới khi đến xin dâu, khi đón dâu về nhà trai hay bánh pháo Tết cổ truyền cũng thường nhuộm màu đỏ.
Là người Việt Nam, chắc không mấy ai không biết đôi câu đối nổi tiếng về ngày Tết: Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Tục treo câu đối, xin chữ ngày Tết là nét đẹp trong phong tục Tết cổ truyền của người Việt, thể hiện tinh thần trọng văn hóa, trọng tri thức. Nhưng câu đối Tết ngày trước phải viết trên giấy hồng điều, màu đỏ. Cảnh xin câu đối Tết được nhà thơ Vũ Đình Liên khắc họa: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Còn Nguyễn Bính thì viết: “Người ta pháo đỏ, rượu hồng/ Mà trên đầu chị một vòng hoa tang” trong bài thơ nổi tiếng “Lỡ bước sang ngang”.
Theo truyền thống Trung Hoa và phương Đông, màu đỏ là màu may mắn thường được sử dụng trong các đồ vật trưng bày ở tiệc cưới, từ cung đình cho đến nơi dân dã. Vua Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa có ghi lại nguyên mẫu chuyện khôi hài ngay đêm lễ cưới trong tập hồi ký: “Từ Vua đến thứ dân, mọi thứ đều màu đỏ, giường đỏ, màn che cửa đỏ, gối đỏ, áo dài đỏ, váy đỏ, bông hoa đỏ và một gương mặt màu đỏ”.
Pháo đỏ, câu đối đỏ…; đến như ngày Tết cho trẻ tiền mừng tuổi, mà các tỉnh phía Nam gọi là tiền lì xì, cũng cho vào phong bao màu đỏ. Như thế đủ thấy, màu đỏ quan trọng đến như thế nào trong cuộc sống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Ngày nay, trong các lễ khai trương, động thổ, khánh thành hay quảng cáo, ra mắt sản phẩm mới, người ta cũng chủ yếu sử dụng màu đỏ. Từ cái cán xẻng được buộc nơ đỏ, cắt băng màu đỏ, băng rôn màu đỏ, đến cả bông hoa cài trên ngực cho khách quý cũng màu đỏ…
Màu đỏ có tác dụng trừ khí xấu
Nhưng không phải chỉ mang ý nghĩa may mắn, màu đỏ là màu của hành Hỏa trong Ngũ hành nên nguồn gốc sâu xa của nó còn mang ý nghĩa hóa giải những điều xấu, xua đuổi tà ma, quỷ dữ để bảo vệ cuộc sống bình an cho con người. Từ thời xa xưa, trong đêm Trừ tịch, tức đêm ba mươi Tết, người Trung Quốc có tục cho 120 đứa trẻ khoảng từ 8 đến 10 tuổi mặc áo màu đỏ, cầm những cái trống đi gõ khắp ngõ xóm để xua đuổi tà ma. Bởi theo quan niệm cổ xưa, đêm Giao thừa là lúc đất trời hòa quyện, chuyển giao, tam giới phân lập nên quỷ thần sẽ đến khắp nhân gian. Vì vậy, nếu sử dụng màu đỏ và tiếng động lớn sẽ xua đuổi được ma quỷ, bảo vệ cho cuộc sống an bình. Cũng theo quan niệm này mà người xưa có tục đốt pháo vào lúc giao thừa cũng là để xua đuổi tà ma, hay đốt pháo đỏ lúc đón dâu để quỷ dữ không theo chân cô dâu vào nhà quấy nhiễu. Cho nên, ý nghĩa khởi đầu của màu đỏ trong các câu đối hay quần áo là để trừ tà đuổi quỷ.
Xét ở góc độ khoa học và thực tế, màu đỏ có tính kích thích thần kinh, làm cho con người tăng hưng phấn, vì vậy mà suy nghĩ tích cực và làm việc hiệu quả hơn. Màu đỏ phản chiếu lên con người, nhất là gương mặt, và mọi vật sẽ làm cho cảnh vật rạng rỡ, sinh động, đầy sức sống. Chẳng thế mà nhà thơ Thôi Hộ nổi tiếng đời Đường trong bài thơ “Đề đô thành Nam Trang” đã tả gương mặt người con gái và sắc hồng của hoa đào “Khứ niên kim nhật thử môn trung/ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”, nghĩa là “Ngày này, năm ngoái tại cửa đây/ Gương mặt người và hoa đào cũng ánh lên sắc hồng”, thì không biết gương mặt người con gái phản chiếu sắc hoa đào mà hồng lên hay chính hoa đào hồng lên nhờ sắc hồng gương mặt người đẹp… Điều đó giải thích, không phải vô cớ mà các cô gái tô son môi màu đỏ và phớt chút phấn hồng lên má…
Triết lý phong thủy giải thích màu đỏ là màu mặt trời mọc ở phương Đông. Khi mặt trời ló rạng ở chân trời là lúc phương đông bừng lên màu đỏ rực rỡ. Do đó màu đỏ là màu tượng trưng sức mạnh của đất trời. Màu đỏ là màu tác động đến các giác quan của con người mạnh mẽ nhất, nên nó còn được sử dụng là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm trong giao thông (đèn đỏ). Màu đỏ cũng chính là nguồn năng lượng lớn nhất, có tác dụng hiệu quả nhất, trừ được khí xấu.
Màu đỏ tượng trưng cho điềm lành được sử dụng trong các dịp lễ hội ở Trung Hoa từ mấy ngàn năm trước. Trong sách cổ Trung Hoa: Chu Lễ có nói, lúc thay, đặt xà nhà, ngoài việc đốt pháo xua đuổi tà ma, còn phải treo một mảnh vải đỏ, một cái rây sàng bắp cầu được mùa mới.
Ở khắp Châu Á và khu người Hoa Chinatown ở nước ngoài, người ta thường thấy những tờ giấy đỏ vẽ chữ dán trước cửa nhà cầu xin vạn sự bình an, còn cô dâu theo truyền thống trang điểm toàn một màu đỏ. Còn ở nơi khác, nhà thầu khoán cho sơn nhiều màu đỏ khắp các phòng ốc để cầu may mắn, tài lộc.
Tuy nhiên, người ta lại tránh dùng màu đỏ ở nhà hàng hải sản vì cho rằng đó là màu của cua luộc, tôm luộc nên màu đỏ sẽ làm cho hải sản mau biến chất và mang lại điềm xui xẻo, làm ăn không thuận lợi. Và một điều cần chú ý là cái gì quá cũng không tốt. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, là màu gây hưng phấn nhưng nếu tập trung nhiều màu đỏ cũng có cái hại là kích thích thần kinh quá mạnh sẽ dễ kích động, con người dễ nóng nảy, có thể tạo sự rối loạn.
Một quán ăn trang trí nhiều màu đỏ sẽ dễ gây cãi lộn khi thực khách say rượu. Do đó, sau nhiều vụ vụ cãi nhau, gây gổ vì say rượu, ông chủ cho đổi cái màu rắc rối đó sang mấy chậu cây màu xanh lục thì mọi việc êm xuôi ngay. Ngược lại, có cặp vợ chồng nọ mua chiếc xe hơi màu xám sẫm đã phải kẻ thêm đường sọc đỏ ở thân xe cho nó hợp mắt để mỗi khi lái xe thấy an toàn hơn./.