Năm 2020 TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh đầu tiên trên cả nước
UBND TP.HCM mới đây đã công bố văn bản phê duyệt Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Với đề án này, TP.HCM sẽ là đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mục tiêu Đề án nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số, quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
Với việc xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: sử dụng năng lượng với chi phí thấp; hệ thống giao thông công cộng tiện lợi; giảm thiểu tác động của ngập nước; dịch vụ y tế tốt hơn; an tâm khi sử dụng thực phẩm; học sinh có thể học tại các trường đạt chất lượng tốt; không khí trong lành, nguồn nước sạch; tỷ lệ tội phạm thấp; và các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng.
Mặt bằng bán lẻ ở đâu đắt nhất thế giới?
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield mang tên Main Streets Across the World, Đại lộ số 5 thuộc thành phố New York (Mỹ) tiếp tục giữ ngôi quán quân trong bảng xếp hạng các con đường đắt đỏ nhất trên thế giới.
Đại lộ số 5 thuộc thành phố New York có giá thuê mặt bằng bình quân lên tới 278,7 USD/m2/năm, xếp vị trí đầu bảng. Trong khi đó, Causeway Bay của Hong Kong xếp vị trí thứ 2 do giá thuê giảm 4,7% còn 253,16 USD/m2/năm.
Theo ông Darren Yates, Trưởng bộ phận nghiên cứu bán lẻ khu vực EMEA (Âu, Mỹ, Phi) của Cushman & Wakefield, tác giả của báo cáo, cho biết: “Bất chấp các yếu tố tiêu cực, ngành bán lẻ toàn cầu vẫn ghi nhận các động lực tăng trưởng bên cạnh những ảnh hưởng từ những thay đổi về công nghệ và nhân khẩu học trên toàn thế giới.
Các mặt bằng bán lẻ cao cấp, bao gồm Đại lộ số 5 của New York, Causeway Bay của Hong Kong và New Bond Street của Luân Đôn vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhãn hiệu lớn nhằm gia tăng trải nghiệm bán lẻ.
Đà Nẵng chỉ đạo tạm dừng các thủ tục giao dịch bất động sản tại Sơn Trà
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành tạm thời chưa giải quyết các thủ tục liên quan đến các giao dịch bất động sản đối với các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, đây là động thái nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Quan điểm của Đà Nẵng là phát triển khu du lịch Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phù hợp nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương…
Theo những nguyên tắc nói trên, có 6/18 dự án đã được chấp thuận không phù hợp tiêu chí đưa ra, Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh, chuyển đổi công năng sang phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, không có lưu trú.
Nhu cầu bức thiết và cơ hội phát triển Công trình Xanh
Trong bối cảnh đô thị hóa, việc nở rộ các tòa cao ốc, công trình bê tông hóa làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Điều đó đòi hỏi ngành xây dựng phải lựa chọn một hướng đi mới đảm bảo thân thiện với môi trường và con người, đó là phát triển Công trình Xanh.
Nhìn lại thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia từng đánh giá rằng, các công trình xây dựng trong nước đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xây dựng nhanh tại bình quân đạt 12% và tốc độ đô thị hoá là 3,4%/năm trong 10 năm trở lại đây và dự kiến đạt ngưỡng 50% vào năm 2025 thì Việt Nam sẽ còn phải chịu nhiều tổn thất về sinh thái và kinh tế hơn nữa nếu không gấp rút giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng công trình.
Đề xuất dùng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư BT
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó có đề xuất về sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư.
Trong dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính đề xuất sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT).
Theo đó, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư áp dụng hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.
Giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê. Việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.