Bóng đá là một môn thể thao đối kháng.
Hai đội vào trận thi đấu. Các cầu thủ trên sân luôn có những cuộc đấu tay đôi nảy lửa với nhau. Bên ngoài hai huấn luyện viên cũng thi đấu với nhau về chiến thuật... Về những chuyện trong trận đấu xin phép không bàn nữa. Bởi có nhiều chuyên gia, nhà báo, bình luận viên đã viết rất hay. Và cũng bởi bóng đá nó là cái sân khấu bốn mặt, mọi việc hay dở đúng sai thế nào phơi ra trước con mắt mọi người. Ai nhìn vào cũng thấy rõ cả mà. Dù là trên khán đài hay là trước màn hình tivi.
Bóng đá là một hiện tượng xã hội.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều ví bóng đá như một giấc mơ trong sáng và đẹp đẽ. Một sự kỳ vĩ của con người tạo ra. Còn nhà văn Trương Quý thì lại lý giải sự phấn khích do bóng đá mang lại nằm trong cái gọi là, Chủ nghĩa dân tộc bình dân/đời thường - banal nationalism. Cái điều mà nhiều học giả phương Tây đang dùng để nghiên cứu tâm trạng các dân tộc trên thế giới.
Thế nhưng, xem trên mạng xã hội cũng thấy nhiều điều hay ho về bóng đá. Hình như, mỗi trận bóng đá trên bình diện đội tuyển quốc gia nó như cái "hàn thử biếu" chỉ thị tâm thế xã hội thì phải.
Người ta say mê, vui sướng tột cùng với những trận thắng. Thậm chí là phấn khích rồ dại. Mọi người hẳn còn nhớ gần như có một cơn lên đồng tập thể cách đây không lâu khi đón đội U23 từ Thường Châu về: Một dòng sông đỏ kéo dài từ sân bay Nội Bài về Mỹ Đình. Nhưng với mỗi trận thua của đội tuyển thì là tâm trạng buồn chán ủ ê. Thậm chí là đầy những lời cay đắng.
Người không thích bóng đá thì mỉa mai. Theo họ, thắng hay thua trong một trận đấu bóng đá chẳng có liên quan. Ngày mai mặt trời vẫn mọc ở đằng đông lặn ở đằng tây. Vẫn nỗi lo cơm áo gạo tiền trĩu nặng. Những vấn đề nhức nhối của xã hội của đất nước vẫn còn nguyên.
Bóng đá là giải trí.
Thật ít ở chỗ nào con người ta được giải trí như khi xem bóng đá. Được sống thực với tận cùng những cảm xúc của mình. Cánh trẻ thì ít nghĩ ngợi hơn. Hình như bóng đá là dịp để cho họ “quẩy”!
Tôi đã từng nhiều lần hòa vào dòng người lượn quanh Hồ Gươm những trận mà đội Việt Nam thắng. Một sự phấn khích hình như không một cá nhân nào kiểm soát được. Mọi cảm xúc bị lây lan theo dây chuyền, nổ bung ra. Có thể đó là cái hiệu ứng đám đông. Mà dân Việt mình vốn hay bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông. Có lẽ là do gien!
Có thể nói, hình như trong đời sống của dân ta hiện đang thiếu thốn những niềm vui. Thiếu sự giải trí. Đang bị ức chế bởi muôn vàn những điều khó chịu. Những trận thắng của đội U23 như một cái van xả, một sự xả stress. Như một cái bình áp suất xã hội đang đầy, đang chực chờ nổ thì lại có chỗ xả ra, hợp lý và hợp pháp! Ấy vậy mà...
Ta nói đến chuyện bóng đá và truyền hình!
Bóng đá hiện đại với truyền hình như là hai anh em sinh đôi! Tại giải bóng đá thế giới vừa qua ở Nga cũng như tại giải bóng đá vô địch quốc gia của các cường quốc bóng đá như Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Pháp... Thu nhập từ tiền bản quyền truyền hình luôn là nguồn thu lớn nhất của đội bóng. Bóng đá và truyền hình song hành cùng phát triển. Ấy vậy mà sau cơn địa chấn Thường Châu kể trên, đến khi đội U23+3 của ta đi dự ASIAD thì đài truyền hình quốc gia Việt Nam - VTV, lại không thèm mua bản quyền phát sóng phục vụ nhân dân! Chuyện này thật là khó hiểu.
Với tư cách đài quốc gia được nuôi sống bằng tiền thuế dân thì đã phải có trách nhiệm theo sát từng bước đi của đội tuyển con cưng của cả nước. Về tính chất làm ăn kinh doanh thì đến mấy người trẻ mới bước vào thương trường cũng nhận ngay ra đó là cơ hội kiếm tiền hiếm có. Còn với đặc thù chính trị riêng của nước ta, một dịp “tuyên giáo” rực rỡ đã bị bỏ phí! Dân truyền thông thì hay sử dụng thuật ngữ “nương theo sự kiện”! Sự kiện thế mà không nương còn làm gì?
Thế nhưng không phải ai cũng “khó hiểu” như ông VTV! Cũng đài quốc gia, nhưng ông VOV - VTC đã kịp thời chớp ngay lấy khi thời cơ đến. Thật là một cú ngoạn mục về mọi mặt. Chắc chắn VOV - VTC thắng lợi vẻ vang về cả kinh tế, chính trị, thương hiệu! Cũng phải, bởi trên hết VOV - VTC đã đem lại niềm vui cho nhân dân cả nước. Họ xứng đáng được tưởng thưởng.
Có những người theo thuyết âm mưu cho rằng, đây là cuộc đấu giữa hai ông VOV- VTC và VTV! Xin thưa chả có cuộc đấu nào ở đây cả. Bởi mọi việc trong thế giới phẳng này nó rất nhanh chóng bạch hóa ra giữa bàn dân thiên hạ: Cái tâm, cái tầm, cái tài của hai ông lãnh đạo đứng đầu hai đơn vị truyền thông lớn nhất nước đã bày cả ra rồi! Nói như dân gian là, “như thịt chó bày đĩa”! Thiết nghĩ không cần bình luận thêm!
Bóng đá và khán giả nhà.
Đá bóng là để cho khán giả xem. Nếu không có khán giả, bóng đá chẳng có lý do gì tồn tại. Những sân vận động chật ních người xem. Những khán đài rực màu cờ và rền vang tiếng kèn trống, tiếng gào thét của khán giả là nguồn xung lực tinh thần vô biên cho các cầu thủ đội nhà thi đấu. Và nhiều khi nó uy hiếp, làm cho các cầu thủ đội khách tê cóng, hoảng loạn. Chỉ những khán giả hâm mộ đích thực của môn bóng đá mới hiểu thế nào là khái niệm “đội nhà”. Và cảm xúc khi xem “đội nhà” thi đấu nó khác xa khi ta thưởng thức bóng đá... World cup! Mỗi khi “đội nhà” của cả nước Việt Nam thi đấu (là đội tuyển quốc gia hoặc Olympic) là cả nước lại như lên cơn sốt. Điều ấy chứng tỏ ta có cực kỳ nhiều những fans đích thực của đội tuyển.
Bóng đá và những kẻ ăn theo.
Chắc mọi người còn nhớ hình ảnh kẻ ăn hôi vĩ đại nhất nước Việt trong cái vụ mừng công U23 từ Trung Quốc về. Rồi các cô nàng xôi thịt của cái hãng hàng không kia nữa... Đã chán chả buồn nói đến. Nghĩ là bọn ăn hôi cũng biết nhục dần. Bởi dư luận đã chửi cho sấp mặt. Thế nhưng tại ASIAD mới đây diễn ra một trò hề không kém: Đội U23 vừa mới vắt kiệt những giọt mồ hôi trên sân đấu với Syria, thay vì tranh thủ nghỉ ngơi cho lại sức để còn đấu bán kết với Hàn Quốc thì họ lại bị triệu tập để nghe đại sứ Việt Nam tại Indonesia và một Phó Chủ tịch Liên đoàn huấn thị chúc mừng!
Tôi cũng cạn lời bình luận về hành động này, chỉ có thể nói là: Ăn theo vô văn hóa! Thế nhưng nhân đây cũng phải nói đôi lời về những kẻ a dua, cực đoan trên mạng xã hội và ngoài đường phố. Một trận thua là họ có thể tung ra đủ thứ lời lẽ bậy bạ vô văn hóa về huấn luyện viên, về cầu thủ. Rồi những hành động trên đường phố: Thay vì diễu hành hô hào như các fans đích thực, họ lợi dụng đua xe đập phá... Và có ai thấy hình ảnh các công nhân vệ sinh đường phố đi gom những lá cờ tổ quốc không? Đau lòng.
Bóng đá và những người... không yêu bóng đá!
Quả thật là nhiều lúc sự cuồng nhiệt, hâm mộ của các fans làm phiền không ít những người không mê bóng đá. Tôi đã khối lần làm phiền. Thậm chí hôm nọ ở sân bay Đà Nẵng đã suýt sảy ra ẩu đả vì cái tội khi thấy đội nhà ghi bàn mà mình trót gào to quá. Thật may là ở nước mình số người mê bóng đá hình như chỗ nào cũng đông hơn thì phải. Thôi thì nhân tâm tùy sở thích nên những điều tôi nói, tôi viết về bóng đá là để cho những người cùng sở thích với tôi nghe/đọc. Tôi hoàn toàn không có ý định làm phiền ai. Bởi tôi theo nguyên tắc mà ông bạn vong niên, nhà thơ Bảo Sinh đã đúc kết: “Không tưới cho hoa ni lông/ Không nói chuyện với người không hợp mình”!
Cho đến lúc này, hành trình của đội U23 Việt Nam tại ASIAD Indonesia đã kết thúc. Dù chỉ đứng thứ tư, nhưng họ đã viết nên lịch sử bóng đá nước nhà. Họ, những cầu thủ của chúng ta đã là những người hùng. Thi đấu thì có thắng có thua, nhưng quan trọng là họ đã tận hiến. Đã vắt kiệt những giọt mồ hôi của mình ra để cống hiến cho người hâm mộ những phút giây thăng hoa nổ bùng cảm xúc.
Hàng chục triệu dân cả nước Việt được thăng hoa sung sướng khóc cười những ngày qua. Hỏi có điều gì tuyệt diệu hơn thế ở trong thời khắc này có thể đem lại cho chúng ta? Có những phút giây như thế, ngày mai dường như chúng ta lại có thêm động lực, có niềm vui, có nguồn năng lượng mới để đối mặt với các vấn đề của cả đất nước, của mỗi cá nhân.
Bóng đá, thế không phải là sự kỳ diệu sao?