Aa

Tản mạn về nịnh thần

Thứ Tư, 18/03/2020 - 07:00

Giống như con vắt sống bám vào việc hút máu, nếu tham nhũng là hiện thân cho nỗi hổ thẹn, thì nịnh thần là biểu tượng của suy đồi đạo đức và chính trị. Nó sinh sôi cùng với sự suy tàn và để tạo ra sự suy tàn.

Chúng ta đang hô hào chống lại căn bệnh nan y có tên là “thành tích”. Tôi nhiệt liệt ủng hộ chủ trương này, dù nó quá muộn và những gì đang làm là chưa đủ liều để cắt cơn chứ đừng vội nói là cắt bệnh. Phàm trong việc trị bệnh, thì chẩn bệnh là khâu quan trọng nhất. Phải gọi ra được bệnh trước đã. Và theo tôi, gốc của bệnh thành tích chính là nạn nói dối. Mà nói dối tồn tại được, tự tung tự tác gây họa, đều từ thói xu nịnh mà ra.

Nịnh thần có lịch sử vào loại lâu đời nhất, luôn gắn chặt với các thiết chế quyền lực. Nhờ sử sách mà chúng ta hầu như ai cũng được cảnh báo về tệ nạn này. Chúng ta đều biết những câu gần giống với thành ngữ: "Thần thiêng nhờ bộ hạ", "Vua nào thì quần thần nấy", "Dân nào thì quan nấy", "Quân chính thì tôi trực", "Quân liêm thì tôi trong"…

Nhưng có bao nhiêu người thóc mách xem nguồn gốc của những câu giáo huấn ấy từ đâu? Cá nhân tôi cho rằng, những đúc kết vừa liệt kê, từng dính cả máu, đều nhằm cảnh báo về mối nguy hiểm của nạn nịnh thần.

Bởi vì nịnh thần gắn chặt với việc dùng người. Cũng mặc nhiên gắn với việc hưng vong của một quốc gia. Tìm ví dụ về chuyện này quá dễ. Thậm chí chẳng cần quá mười phút để dẫn ra tên của hàng chục triều đại trong lịch sử, cả phương Đông lẫn phương Tây, bị sụp đổ mà nguyên nhân do nịnh thần.

Vậy nịnh thần là ai?

Không khó khăn gì để nhận diện một kẻ nịnh thần? Thậm chí có thể nói, vẽ chân dung một kẻ nịnh thần là dễ nhất trong các loại chân dung.

Hòa Thân - Một nhân vật đại nịnh thần, khuynh loát cả triều vua trong lịch sử Trung Hoa

Trước hết, đấy là một kẻ bất tài, khiếm khuyết về mặt nhân cách, coi nói dối và nghệ thuật nói dối như là phương thức tốt nhất để tồn tại và tiến thân. Khác với đa số người bình thường “Tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, kẻ nịnh thần thường tận dụng luôn cả mặt hèn kém của mình, coi như một lợi thế và biến nó thành thứ vũ khí để bức hại người ngay thẳng.

Hình ảnh có thể đem ra so sánh với những tên nịnh thần là con lươn, con giun, con gián... Vì chúng biết thân phận hèn kém nên không chịu nổi những người mà chúng biết cao sang hơn chúng nhiều cái đầu về tài năng và nhân cách.

Tất nhiên nếu chỉ như vậy thì sử sách chẳng đến nỗi mất nhiều giấy mực viết về những tên đầy tớ, thậm chí đầy tớ mạt hạng ấy. Những người mất nhân cách này có một tâm địa quỷ sứ, thích được thấy đồng loại đau khổ, khoái cảm với những mưu mô tai quái do mình đặt ra một cách giấu mặt. Chúng coi ông chủ như một thứ bung xung để thỏa mãn lòng hận thù đồng loại của hắn. Điều này giải thích vì sao mà bất cứ kẻ nịnh thần nào cũng cực kỳ ác mó, chỉ có hứng tàn hại người khác, thậm chí cả một dân tộc, một quốc gia.

Thời của nịnh thần bao giờ cũng là thời của những bậc đế vương ngu muội, háo danh hoặc đầu óc hoang tưởng.

Thời của nịnh thần là mạt vận của chính nhân quân tử. Đó là thời của nói dối, bóp méo sự thật, thời của những cuộc giết tróc ngầm, của nỗi lầm than được thi vị hóa, là thời mà sự thật bị bưng bít, xuyên tạc, nhân tài bị ruồng rẫy. Mỗi triều đại chỉ cần có một kẻ nịnh thần đã đủ để nghiêng ngửa. 

Nịnh thần (thường cũng là gian thần) và tham nhũng là kẻ song trùng luôn tồn tại cùng nhau, là thứ kí sinh nhiều đầu. Hoặc dễ hình dung hơn, nó giống như con vắt sống bám vào việc hút máu. Nhưng nếu tham nhũng là hiện thân cho nỗi hổ thẹn, thì nịnh thần là biểu tượng của suy đồi đạo đức và chính trị. Nó sinh sôi cùng với sự suy tàn và để tạo ra sự suy tàn.

Một nền chính trị tử tế, một chính thể mạnh đồng nghĩa với việc không có chỗ cho nịnh thần và không có đất sống của căn bệnh xu nịnh. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top