Aa

Tin đồn và thuốc chữa

Thứ Tư, 22/01/2020 - 06:30

Khi người ta biết rằng mình mắc những thói tật đó là đáng xấu hổ, với bản thân và với cộng đồng, thì họ sẽ tìm cách tránh xa. Tin đồn cũng vì thế mà mất dần đất tồn tại, bị cắt từ gốc rễ.

Rất khó tìm ra một người nào chưa từng là nạn nhân của tin đồn.

Cũng rất khó tìm được ai đó tuyệt đối không thích tin đồn.

Tin đồn nguy hiểm ở chỗ đó.

Năm hết Tết đến, xin có vài lời bàn về nguồn gốc của tin đồn và đề xuất thang thuốc chữa trị căn bệnh nan y này.

Trước hết xin được kể hầu bạn đọc một chuyện hoàn toàn có thật như sau:

Bà già nọ đi chợ và mua một miếng thịt bò. Trên đường về, do chen lấn vì tắc đường, do đủ thứ nguyên nhân khiến bà đánh rơi miếng thịt ở đâu đó. Khi phát hiện miếng thịt bò bị mất, bà già liền quay lại tìm. Bà cứ hỏi xem mọi người có ai nhặt được miếng thịt bò thì cho bà xin lại. Rồi mọi người thấy bà như đang tìm gì đó thì cũng quay ra hỏi thăm. Bà trả lời bị mất miếng thịt bò, bà đang đi tìm miếng thịt bò chả may bị rơi mất, nhưng đông người quá nên không tìm thấy. Chuyện chỉ có thế. Vậy mà chẳng hiểu sao, bắt đầu từ ai đó, chuyện bà già mất thịt bò nhanh chóng biến thành chuyện có một chuyến đò bị đắm. Rồi có một chuyến đò bị đắm do chở quá đông người. Rồi một chuyến đò bị đắm chết rất nhiều người đi chợ... Cái tin đồn cứ thế lan nhanh như cháy đồi, không ai có thể kiểm soát khiến cả vùng tin rằng hôm đó có một con đò bị đắm, hàng mấy chục người chết đuối. Điều nguy hiểm và tức cười ở chỗ, sau khi phát hiện ra chỉ là tin đồn, những người quanh khu vực đó thì quên ngay. Nhưng tốc độ của tin đồn thì nhanh hơn cả gió, đã kịp đi rất xa, khiến vài năm sau vẫn có người hoàn toàn tin rằng, ở một nơi nọ đã có một con đò chở người bị đắm.

Không ai đủ sức, đủ kiên nhẫn, để có thể cải chính triệt để cái tin vu vơ kia. Đó cũng là một đặc điểm nữa của tin đồn, sau cái đặc điểm mang tính nhận dạng “là thứ tin được truyền miệng mà không rõ nguồn gốc”, biến tất cả thành những kẻ nặc danh.

Một cách lý giải con đường phát tán của tin đồn.

Tin đồn là loại tin vu vơ, chỉ tiếp nhận một chiều. Tin đồn - khi đã thoát khỏi điểm xuất phát - là thứ tin có khả năng lan truyền vô hướng, về cơ bản là vô đích, đa phần vô vụ lợi (trừ kẻ tung tin ban đầu với chủ ý nào đó). Vì thế mà không ai ngăn chặn và cũng không thể ngăn chặn được. Sau đó nó tồn tại dưới những dạng tùy biến (có hàng vạn phiên bản) rồi tự mất. Nhưng trước khi biến mất, tin đồn luôn kịp gây ra những hệ lụy không ai lường trước được, ở những cấp độ nguy hiểm khác nhau, nhiều khi tới mức thảm họa cho cá nhân hay bộ phận dân cư nào đó. Vì thế, với tin đồn, tất cả đều tự nguyện biến thành một thứ nạn nhân, trước hết là con tin của sự hiếu kỳ.

Tốc độ của tin đồn phụ thuộc vào tốc độ của truyền thông. Thời xa xưa là rỉ tai nhau. Thời gần đây là kể công khai ở chỗ đông người. Còn ngày nay, internet khiến tin đồn lan truyền với tốc độ ánh sáng. Vì thế mà tác hại của nó cũng lan nhanh và rộng hơn rất nhiều, trở thành một thứ ám khí vô hình nhắm vào mọi đối tượng.

Qua theo dõi sự lan truyền và khả năng nhân bản của tin đồn, tôi nhận ra những môi trường sau đây là đất sống màu mỡ của nó:

- Thói hóng hớt những chuyện giật gân.

- Thói tào lao, nói mà không suy nghĩ xem mình nói thế để làm gì.

- Thói đố kỵ. Tung tin gây họa vì muốn hạ người khác xuống ngang hoặc thấp hơn mình. Đây là thói xấu nhất chống lưng cho tin đồn.

- Thói ích kỷ. Nhiều khi biết cái tin đồn nào đó rất ác ý, rất nguy hiểm, rất vô văn hóa nhưng cứ thổi phồng nó lên, thành cái loa tự nguyện để thỏa mãn một nhu cầu giải tỏa nào đó của bản thân, thậm chí chỉ để cho sướng miệng.

- Thói thích thêu dệt, ngồi lê mách lẻo.

Những thói xấu vừa kể có chung ở mọi dân tộc. Bạn cứ chịu khó đọc tiểu thuyết sẽ thấy. Nhưng ở những dân tộc có nền giáo dục tốt, môi trường xã hội trong lành, ý thức cao về nghĩa vụ đạo đức, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ lo cho tương lai, chăm chỉ làm việc, thì những thói xấu đó bị kiềm chế tối đa, bị bài xích và nó trở thành nỗi xấu hổ dưới góc độ văn hóa. Khi người ta biết rằng mình mắc những thói tật đó là đáng xấu hổ, với bản thân và với cộng đồng, thì họ sẽ tìm cách tránh xa. Tin đồn cũng vì thế mà mất dần đất tồn tại, bị cắt từ gốc rễ.

Sau đây là thang thuốc chữa căn bệnh trầm kha này của xã hội. Nó chỉ bao gồm ba vị chính:

- Trung thực.

- Minh bạch.

- Dân chủ tối đa về thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top