Ngày 21/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ và trực tuyến với các điểm cầu địa phương, doanh nghiệp, tổ chức.
Còn bất cập trong công tác quản lý vật liệu xây dựng
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng ở tất cả các khâu.
Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng trong nước đang đối mặt với những thách thức lớn. Mặc dù việc quản lý vật liệu xây dựng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng năm 2014 với các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong công trình xây dựng; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 nêu quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, công tác này vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra; còn xảy ra tình trạng sản phẩm kém chất lượng được đưa vào các công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Mặt khác, một lượng lớn hàng hóa hiện nay đang được lưu thông mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ chất lượng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về tự do thương mại của WTO.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo và tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc để hoàn thiện và ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD nhằm tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.
"Hội nghị tập huấn, phổ biến lần này là dịp để Bộ Xây dựng truyền tải những nội dung mới, cốt lõi của Thông tư số 10/2024/TT-BXD tới địa phương, các sở ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức; tháo gỡ nội dung còn vướng mắc trong việc thực hiện", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Chú trọng đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý
Phổ biến nội dung Thông tư số 10/2024/TT-BXD, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết, Thông tư bao gồm 5 Chương với 21 Điều. Trong đó, Chương I gồm 5 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phân loại, ghi nhãn và các yêu cầu chung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Chương II gồm 5 Điều quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng. Chương III gồm 4 Điều quy định về quản lý hoạt động hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Chương IV gồm 3 Điều quy định Tổ chức thực hiện. Chương V gồm 4 Điều quy định về Điều khoản thi hành.
Đối tượng áp dụng của Thông tư số 10/2024/TT-BXD bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức kiểm định và tổ chức giám định) và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Điểm nổi bật trong nội dung của Thông tư số 10/2024 tập trung vào những vấn đề liên quan đến nội dung quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng.
Cụ thể, Thông tư tập trung vào quản lý chất lượng vật liệu xây dựng ở tất cả các giai đoạn, bao gồm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông và sử dụng. Đặc biệt, việc phân loại vật liệu xây dựng thành hai nhóm - nhóm 1 (không gây mất an toàn) và nhóm 2 (tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn). Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý về vật liệu xây dựng.
"Thông tư tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, tiến hành sàng lọc các sản phẩm, hàng hóa chất lượng tốt và các sản phẩm hàng hóa chất lượng chưa tốt để quản lý, xử lý vi phạm (nếu có); chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng nhập khẩu, nhất là các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng; sử dụng phương thức kiểm tra chất lượng tại nguồn sản xuất theo thông lệ quốc tế", Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành đánh giá.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đã cùng trao đổi về nội dung của Thông tư số 10/2024 liên quan đến đánh giá hợp quy các sản phẩm, hàng vật liệu xây dựng theo phương thức 1, phương thức 5, phương thức 7; sự khác biệt về chuẩn mực sản phẩm, hàng hóa; thủ tục xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; làm rõ phụ lục 2 về danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn; việc chỉ định tổ chức, đơn vị có năng lực chức nhận, đánh giá; làm rõ về quy trình trình tự, thủ tục kiểm tra…
Theo đánh giá từ Bộ Xây dựng, về cơ bản, nội dung Thông tư số 10/2024 đã đảm bảo các quy định theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Xây dựng năm 2014 liên quan đến quản lý chất lượng. Trong đó, các bên cần lưu ý tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua 5 chuỗi hoạt động gồm: Sản xuất - Xuất khẩu - Nhập khẩu - Lưu thông trên thị trường - Sử dụng.
Bộ Xây dựng dành nhiều thời gian trao đổi, hướng dẫn, giải đáp nội dung được Sở Xây dựng các địa phương, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Đồng thời, đơn vị này cũng mong muốn các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư một cách hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ quan tâm, ghi nhận và tổng hợp những góp ý từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân để có những hướng dẫn kịp thời, nhằm đảm bảo phát huy tối đa giá trị thực tiễn của Thông tư./.