5 tác động lên thị trường địa ốc Sài Gòn nếu tăng hệ số điều chỉnh giá đất 30%
Sau khi Sở Tài chính TP HCM có văn bản lấy ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng cho năm 2019 trên địa bàn theo hướng tăng thêm 0,4 lần so với năm 2018 (tăng 19 - 30% tùy từng khu vực), rất nhiều chuyên gia đã có ý kiến phản hồi.
Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa chỉ ra 5 nhóm tác động nhìn từ góc độ thị trường và kinh tế học khi tăng hệ số điều chỉnh giá đất quá cao cho năm 2019.
Thứ nhất, chi phí đất tăng giá thành bất động sản sẽ tăng. Theo nguyên lý kinh tế học, chi phí đầu vào tăng thì giá thành (đầu ra) của sản phẩm cũng bị ảnh hưởng. Thứ hai, các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức và cá nhân tại TP HCM sẽ có nhiều biến động. Thứ ba, chủng loại sản phẩm bất động sản trên thị trường sẽ thay đổi. Thứ tư, bất động sản văn phòng và thương mại sẽ chịu ảnh hưởng nhanh hơn bất động sản nhà ở. Thứ năm, các vị trí đất giáp ranh TP HCM nhưng thuộc địa bàn tỉnh khác như Bình Dương, Long An, Đồng Nai không bị chi phối bởi việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ được hưởng lợi vì chi phí thấp hơn nhưng vị trí kết nối không có nhiều khác biệt.
Xem phân tích chi tiết tại đây
Điều gì xảy ra khi thị trường toàn cầu lao dốc?
Tuần thứ 2 của tháng 10 chứng kiến một đợt sụt giảm rất mạnh của TTCK Mỹ, kéo theo đó là TTCK trên toàn cầu. Diễn biến này gần như lặp lại điều đã diễn ra trong tuần đầu tháng 2/2018.
Nguyên nhân của 2 đợt thị trường giảm mạnh trong năm 2018 có những điểm chung nhất định và hoàn toàn khác với năm 2015. Vào đầu tháng 2, TTCK Mỹ giảm sau báo cáo lương người lao động của Mỹ cao hơn kỳ vọng, kéo theo lo ngại về lạm phát và FED nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Trong tháng 10, cũng là những báo cáo về lao động kết hợp thêm chỉ số giá sản xuất tăng cao khiến nỗi lo lạm phát quay trở lại. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ vượt 3% từ cuối tháng 9 làm tăng nguy cơ tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ.
Sự đan xen giữa tham lam và sợ hãi làm ranh giới giữa cơ hội và rủi ro trở nên mong manh ở Mỹ khi S&P 500 liên tục đạt đỉnh cao mới. Bất kỳ một tín hiệu nào được cho là “nghiêm trọng” ảnh hưởng với tăng trưởng, thị trường Mỹ sẽ chao đảo. Và tín hiệu thấy rõ nhất trong thời gian qua là lạm phát và lãi suất. Trong tương lai, tốc độ tăng lương, tỷ lệ thất nghiệp, khả năng FED nâng lãi suất... và đặc biệt là lợi tức trái phiếu Mỹ sẽ đều có thể là những chỉ báo khiến TTCK Mỹ rơi vào đợt sụt giảm thứ 3.
Đồng tiền FDI - Đã đến lúc cần nhìn vào thực tiễn!
Theo TS. Phan Hữu Thắng, những năm qua, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đều có tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản cũng có nhiều dấu ấn. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2018, đã có tới gần 6 tỷ USD đăng ký đầu tư vào bất động sản.
Nói riêng về lĩnh vực bất động sản, theo TS. Phan Hữu Thắng, các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng họ đầu tư vào Việt Nam là sẽ có lời. Đó là lý do khiến đầu tư nước ngoài vào bất động sản vẫn tăng trưởng đều những năm qua.
Theo ông Thắng, sau 30 năm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đã đến lúc cần nhìn vào thực tiễn của đồng tiền này. “Như tôi đã nói, không có nhà đầu tư nào mang tiền đi đầu tư lại không muốn thu lời. Và để đạt được mục tiêu thu lời qua đầu tư thương mại, họ phải có phương pháp để kiếm lời nhiều nhất. Đó là thực tiễn. Nhưng nếu chúng ta quản lý không tốt, thì không thể hạn chế được mặt tiêu cực của đồng tiền FDI. Cho nên đến thời điểm này, sau 30 năm, khi chúng ta đã trưởng thành hơn, hiểu biết hơn thì chúng ta cần đưa ra những giải pháp hạn chế tiêu cực, để việc thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng bền vững, hiệu quả hơn”.
ACB đang nỗ lực đi đúng hướng?
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018 ghi nhận mức lãi ấn tượng. Theo đó, trong quý III, thu nhập lãi thuần của ACB đạt 2.563 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 161 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của ACB quý vừa qua cũng bứt phá với khoản lãi 123 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng đột biến hơn 4,5 lần lên 192 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ chi phí dự phòng giảm hơn một nửa xuống còn 215 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 1.625 tỷ đồng trong quý III, tăng 119% so với cùng kỳ.
Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 4.776 tỷ đồng; lãi ròng đạt 3.772 tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức đạt được cùng kỳ.
Không chỉ đẩy các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng tốt, bài toán vốn của ACB cũng đã được tháo gỡ. Hồi đầu tháng 10, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) có thông báo về việc thực hiện điều chỉnh tỷ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ 30% xuống 29,83% kể từ ngày 1/10.
Bất động sản vùng ven Sài Gòn diễn biến thế nào đến cuối năm 2018?
Cách đây vài năm, các Công ty BĐS đã đẩy mạnh tìm kiếm dự án tại khu ven để phân phối nuôi quân, nuôi bộ máy. Thị trường khởi sắc, sản phẩm giao dịch sôi động và tiêu thụ khá nhiều. Thị trường đang thiếu hụt nguồn cung mới.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Vy Liêm, Giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Đầu tư LDG, chính sự khan cung lại thúc đẩy những dự án đã và đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng có thanh khoản tốt.
Từ đó, nhiều khả năng giá ở các dự án này sẽ tăng vào cuối năm 2018 và năm 2019. Đồng thời, vì khan hiếm sản phẩm nên theo ông Liêm việc mua đi bán lại các BĐS cũ sẽ diễn ra nhiều hơn. Trong đó, những sản phẩm BĐS tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An dự báo sẽ có giao dịch tốt cuối năm 2018 và năm 2019.