Đã ban hành 16 Nghị định hướng dẫn triển khai
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp... đã cùng làm, cùng tham gia, cùng thống nhất với Chính phủ trong xây dựng các nghị định, quyết định, thông tư để đưa các luật vào thực tiễn cuộc sống.
Theo đó, Chính phủ đã cùng với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 Nghị định và 2 Quyết định của Thủ tướng. Trong đó, có 10 Nghị định, 1 Quyết định liên quan đến Luật Đất đai; 3 Nghị định, 1 Quyết định liên quan đến Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản 2 Nghị định. Nếu tính cả Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hướng dẫn Điều 248 Luật Đất đai, thì có 16 Nghị định đã hoàn thành. Đặc biệt, không có thông tư nào chậm ban hành.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có 7 văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định và 1 Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 Thông tư và 2 Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024.
Trong đó, Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn địa phương tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai; đề nghị các địa phương chủ động, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành theo thẩm quyền được giao. Bộ cũng chủ động giải quyết các hồ sơ chuyển tiếp; giải quyết hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất; tổng hợp, công khai các trường hợp vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai; triển khai kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024... Khẩn trương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm về lĩnh vực đất đai để áp dụng trên địa bàn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm đốc thúc các địa phương khẩn trương hơn.
Đối với nhiệm vụ xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành 6 Thông tư; 1 Quyết định số 2124/QĐ-BTNMT ngày 01/8/2024 về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, tuy có áp lực về thời gian rút ngắn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực, khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai được thuận lợi.
Chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền
Việc triển khai thi hành các luật đang có điểm nghẽn ở các địa phương. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, tính đến ngày 7/10/2024, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân lý giải, do đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nên số lượng các nội dung giao cho địa phương quy định nhiều. Trong khi, các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm. Vì vậy, đa số địa phương còn khó khăn, lúng túng nên chưa ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản triển khai thi hành Luật thuộc thẩm quyền.
Liên quan đến Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, một số địa phương chưa ban hành văn bản nào.
Trong 50/63 địa phương trên, chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…
13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản gồm Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
Liên quan đến Luật Nhà ở, căn cứ theo báo cáo mới nhất của các địa phương về việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, hiện có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau.
Đặc biệt, có 50 địa phương chưa ban hành văn bản nào. Trong đó, 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trình xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền; đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đồng thời, các bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết; hướng đến mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu hết sức cấp bách thực tế đang đặt ra.
Vướng mắc bảng giá đất không phải do chính sách mà do khâu tổ chức thực hiện ở địa phương
Bên cạnh những vướng mắc do việc chậm trễ ban hành hướng dẫn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng chỉ ra những vướng mắc liên quan đến khâu thực hiện ở các địa phương.
Tiêu biểu là vướng mắc liên quan đến điều chỉnh bảng giá đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, không phải do chính sách, quy định của pháp luật, mà xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt của một số địa phương.
Cụ thể, Luật Đất đai 2024 quy định: "Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương".
Đây là quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tuy nhiên khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng thì sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch rất lớn so với giá đất bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt, một số địa phương không điều chỉnh bảng giá đất những năm 2021 - 2024, nay điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao.
Thứ trưởng cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai 2013 đến nay. Đối với các địa phương có sự điều chỉnh đúng theo Luật Đất đai 2013 đã đảm bảo giá đất tiệm cận với thực tế, thì việc áp dụng Luật Đất đai 2024 không có vướng mắc. Qua theo dõi, chỉ có 52 tỉnh, thành phố có điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013.
Đối với công tác đấu giá quyền sử dụng đất, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được địa phương thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai. Các địa phương cũng thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá, dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.
Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt.
Có trường hợp sử dụng bảng giá đất chưa kịp thời điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế dẫn đến giá trúng và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn, thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế việc lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Nhiều địa phương nhận trách nhiệm để chậm tiến độ
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành các Luật. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay chưa hình thành các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, các dự án trên địa bàn tỉnh còn ít.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết về Luật Nhà ở, hiện có một số nội dung mới tỉnh Cao Bằng đang giao các Sở, ban ngành nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đang dự thảo các Nghị quyết trình HĐND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, Quảng Nam "chưa đạt yêu cầu" trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, do quá trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định của các sở, ngành, địa phương còn chậm.
Hiện Quảng Nam đã lấy ý kiến và dự kiến trình kỳ họp HĐND tỉnh trong tháng 10 về chính sách bồi thường, tái định cư, chính sách hỗ trợ đất đai đồng bào dân tộc thiểu số dự kiến trình ngày 20/10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Thi cũng thông tin, về Luật Đất đai, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành được 4 văn bản, trong tuần này (7-11/10), sẽ ban hành thêm 7 văn bản. Ngày 15/10, HĐND tỉnh họp chuyên đề thông qua 4 nội dung triển khai Luật Đất đai. Còn 7 nội dung thì từ nay đến 15/10 tỉnh sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan tới thẩm tra, lấy ý kiến. Đến ngày 20/10, Đồng Nai cố gắng hoàn thành các nội dung liên quan đến Luật Đất đai.
Đối với Luật Nhà ở, tỉnh Đồng Nai chưa thể hoàn thành các văn bản quy định chi tiết trước ngày 15/10. UBND tỉnh sẽ phối hợp với HĐND tỉnh để hoàn thành sớm nhất việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Nam Định… cũng nhận khuyết điểm khi tỉnh không đảm bảo tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các luật tại địa phương. Đồng thời, cam kết, đến ngày 15/10, sẽ hoàn thành việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền.
Riêng tại TP.HCM, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, đến thời điểm này, TP.HCM đã ban hành được 8/14 văn bản theo thẩm quyền. Trong 6 văn bản còn lại thì có 5 văn bản thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố đang được lấy ý kiến, phấn đấu ngay sau ngày 15/10 sẽ ban hành; 1 văn bản thuộc thẩm quyền HĐND Thành phố về các tiêu chí quyết định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất cũng đang hoàn thiện và sẽ đăng ký để trong kỳ họp HĐND Thành phố sớm nhất ban hành văn bản này.
Về 9 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở thuộc thẩm quyền của TP.HCM, có 1 nội dung đã hoàn thành, 1 nội dung đã lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, 7 nội dung đang tập trung hoàn thiện và lấy ý kiến thành viên UBND Thành phố lần 2, dự kiến ban hành chậm nhất vào ngày 20/10.
Về Luật Kinh doanh bất động sản, Thành phố đang lấy ý kiến Bộ Tư pháp để hướng dẫn đối với nội dung đất có hạ tầng kỹ thuật trong các dự án bất động sản.
Phó Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chia sẻ, về Luật Nhà ở, Hà Nội có trách nhiệm ban hành 6 văn bản. Hiện mới ban hành xong quy định khung giá thuê nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, khung giá cho thuê đối với công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Còn 5 văn bản khác đều đã giao các sở thực hiện và sẽ trình thông qua vào Kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024.
Về triển khai Luật Kinh doanh bất động sản, có nội dung ban hành quy chế phối hợp về xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ cung cấp thông tin dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản trên địa bàn, đang giao cho các cơ quan chuẩn bị và ban hành trong tháng 11/2024.
Về Luật Đất đai, Hà Nội đã ban hành 3 quyết định về xác định giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố, và một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai. Hai nội dung cần hoàn thiện thủ tục là: Quy định chi tiết về đất trồng lúa, bộ tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Liên quan đến một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, ngoài nội dung đã thông qua vào kỳ họp ngày 4/10, các nội dung còn lại sẽ thông qua tại kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; có thể xem xét hình thức rút gọn khi ban hành những văn bản kế thừa chính sách cũ.
Đặc biệt, lãnh đạo địa phương phải nắm chắc danh mục văn bản cần ban hành, tình hình, tiến độ thực hiện; có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế với tinh thần "quyết liệt phải ra kết quả cụ thể"./.